Miền đất ế vợ ven con sông chảy ngược?

Tiên Phước (Quảng Nam) nơi được người xứ Quảng ví von “tiên giới giữa trần gian” bởi cảnh đẹp như chốn bồng lai và có con sông Tiên bao đời nước chảy ngược dòng. Nhưng không biết có phải vì uống con nước ngược dòng này mà nơi đây cũng sinh ra lắm chuyện tréo ngoe?.

Tiên Phước (Quảng Nam) nơi được người xứ Quảng ví von “tiên giới giữa trần gian” bởi cảnh đẹp như chốn bồng lai và có con sông Tiên bao đời nước chảy ngược dòng. Nhưng không biết có phải vì uống con nước ngược dòng này mà nơi đây cũng sinh ra lắm chuyện tréo ngoe?.

Lạ đời vùng đất đàn ông không chịu lấy vợ

Hỏi đường để tìm đến đúng làng Bộng Dầu thuộc thôn Hội An (xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), khách cũng lắm phen nhầm lẫn, nhưng chỉ cần nói “làng đàn ông độc thân” thì sẽ dễ dàng được người dân chỉ đến tận nơi.

Một khúc sông Tiên chảy qua dải đất “trai độc thân không vợ”

Tên làng có từ thời Pháp thuộc, xuất phát từ nghề ép dầu phụng (dầu lạc) nơi đây. Ranh giới làng được tính bắt đầu từ con đường lộ ngang UBND xã Tiên Châu, kéo dài sang một khúc sông Tiên chạy qua thôn.

Lạ đời, nơi đây ngoài trái nam trân nhiều người biết đến, còn nổi danh có đến 80% đàn ông, thanh niên không chịu lấy vợ. Họ cứ ở vậy cho đến khi quá lứa lỡ thì. Thời gian gần đây, thanh niên trong làng còn lập ra Câu lạc bộ độc thân, để sinh hoạt với nhau.

Ông Nguyễn Tân, trưởng thôn Hội An giới thiệu với khách trước khi dẫn đi “mục sở thị”: làng Bộng Dầu có 30 hộ với khoảng 150 khẩu, hơn một nữa là đàn ông, song, “oái ăm”, đàn ông trong xóm đa phần đã đến độ tuổi kết hôn mà vẫn chưa lập gia đình.

Có những anh sinh năm 1970, có cả những anh sinh trước năm 1960 đã quá lứa, cứ đi làm rồi về thui thủi thân “đực rựa”. Đi qua đoạn sông Tiên mùa khô, hơn chục người đàn ông trai tráng, lưng trần trùng trục đang phơi mình bên sông, ông Tân chỉ cho biết: “Một nhóm đàn ông độc thân xứ này đó”.

Họ làm thuê với nghề chẻ đá, xúc cát trên sông Tiên. Số còn lại, đều đi làm xa tận TP.HCM hay ra Đà Nẵng... Đến Tết, họ mới tụ tập về hết ngồi uống rượu với nhau.

Theo quan sát của khách cũng như nhận xét từ nhiều chị em hiếm hoi làm vợ ở làng Bộng Dầu, đàn ông, thanh niên ở đây rất chịu khó, siêng làm. Về ngoại hình, cũng đều đạt từ “chuẩn” trở lên.

“Nhưng tui chẳng hiểu vì lý do chi mà bọn họ cứ sống độc thân, không chịu lấy vợ. Thỉnh thoảng, tui vẫn thấy tụi thanh niên kéo đi tán gái, mà rồi cũng chỉ là trêu đùa. Các cô trong làng lần lượt lấy chồng nơi khác hết, bỏ các anh trơ trọi ở lại tiếc nuối. Còn vấn đề về tâm sinh lý cũng không phải lý do. Vì mỗi khi ngồi nhậu nhẹt, chủ đề bàn tán của mấy anh vẫn là phụ nữ, vẫn thích, vẫn yêu như thường”, vị trưởng thôn nói.

Để rõ hơn tâm tư, khách được tiếp cận nói chuyện với nhóm bạn trong câu lạc bộ độc thân của anh Nguyễn Hoàng Công (39 tuổi, chưa vợ). Tôn thờ sự tự do, không muốn ràng buộc vợ con hay lý do gì mà nhiều anh trai trẻ xóm này không chịu lấy vợ? Nghe khách hỏi, anh Công cười buồn:

“Cũng không hẳn rứa đâu. Ai cũng có lý do riêng hết mới thành ra ri thôi. Ví như anh Nguyễn Trung (40 tuổi) vì phải làm tròn chữ hiếu, hay anh Hồ Trọng (37 tuổi) nghèo quá, có muốn một đám mà cũng không dám thưa. Còn có người lo cái này, ngại cái kia. Họ cứ chờ cho “qua cái đận”, riết rồi già khi mô không hay, chịu cảnh độc thân luôn”.

Tiếp lời, anh Nguyễn Thương, tuổi nay đã tứ tuần cho biết, nhiều người như anh,vì cảnh nghèo phải đi khắp nơi, làm các nghề để kiếm tiền. Đến lúc quay về quê, tuổi cũng đã “hom hem” mà tài sản vẫn tay trắng, nhiều cô gái nhìn thấy đều không thèm để mắt.

Cuối cùng, anh Thương cũng như những người đàn ông khác nơi đây sống đời độc thân, mỗi ngày xuống sông Tiên, đi làm cát sỏi kiếm ngày dăm bảy chục ngàn nuôi cha mẹ già, mặc cho góc khuất thầm kín xa vắng trong người thôi thúc.

Đổ vấy lý do uống nước chảy ngược dòng “xứ Tiên”

Huyện miền núi Tiên Phước nằm về phía tây TP. Tam Kỳ, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam chưa đầy 30 km. Nơi đây có con sông Tiên đi vào huyền thoại với câu ca: Sông Tiên nước chảy ngược dòng. Ai chưa đến đó cho lòng vấn vương… Không theo hướng chảy thông thường từ tây bắc sang đông nam, sông Tiên của Tiên Phước lại chảy từ hướng tây nam sang đông bắc, mờ mờ ảo ảo trong làn sương rừng.

Tiên Phước lâu nay vẫn được người dân xứ Quảng gọi với mỹ danh “xứ Tiên”, bởi không chỉ gắn liền với vẻ đẹp sông Tiên mà còn có địa danh Tiên Lãnh với núi cao 1.000 mét; thung lũng Tiên Cảnh chứa đầy truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung.

 Làng cổ Lộc Yên (thôn 4 xã Tiên Cảnh) bình yên với những ngôi nhà 100 năm tuổi. Cây quế thơm, vườn chè xanh ngút ngàn cứ hút hồn người… Hay như cứ vào mùa lá thu rơi xào xạc, một vùng xã Tiên Châu lại đón khách đến để thưởng thức hương vị “trái bòn bon trong tròn ngoài méo”.

Trái bòn bon gắn liền tích chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu. Ông gọi trái bòn bon bằng cái tên Nam trân (trái quý phương Nam), hoặc trái Trung quân…

Nổi tiếng là thế nhưng nơi đây đang tồn tại nhiều điều lạ, rằng không biết có phải vì nước chảy ngược dòng mà nhiều khu vực có con sông Tiên chảy qua lại tồn tại nhiều chuyện ngược đời.

Ví như vùng đất Tiên Hà (Tiên Phước), nhiều người từng được từng biết đến “nhất gái Tiên Hà, nhì gà Tiên Cảnh”, nhưng có một dạo trước đây, thôn Trung An và một số thôn lân cận trong xã bị người đời gọi với tên “xóm không chồng”.

Câu chuyện xuất phát từ những phụ nữ trở về quê hương sau chiến tranh không có cơ hội làm vợ làm mẹ; họ sống thủi thủi một thân một mình chống chọi với tuổi già. Rồi về sau, một số cô gái trẻ cũng “nối gót” không lấy chồng, cứ ở vậy rồi “tự túc” cho mình những đứa con…

Rồi chuyện về làng Bộng Dầu, thôn Hội An (thuộc xã Tiên Châu) nơi có trái bòn bon ai cũng biết, cũng tìm đến mỗi năm, nhưng đàn ông lại không chịu lấy vợ như đã nêu trên. Một số người mê tín, không có nhiều kiến thức để lý giải chuyện thói quen sống, tâm sinh lý, lại đổ lỗi “Chắc tại uống dòng nước chảy ngược rồi”.

Một cao niên trong làng ra chiều đăm chiêu: “Bọn trẻ không tin chứ theo chiêm nghiệm của người già lâu nay, rằng một khi con sông chảy ngược dòng đi qua làng cho nước sinh hoạt, tưới tiêu… sẽ sinh ra nhiều điều trái ngược trong cuộc sống người dân.

Làng Bộng Dầu cũng như một số vùng khác đã “nhận” lấy điều đó”. Quan niệm này cũng khiến vùng quê này sinh ra những tục lệ oái oăm không nơi nào có. Người ta mua cau đi dạm hỏi, khi nào cũng nhất quyết tránh những cây cau mà thân, rễ bám sâu dưới đất, hút nước sông Tiên vì cho rằng có thể trong cuộc sống vợ chồng sẽ gặp nhiều điều trái khoáy.

 Nghe lại thoáng buồn, vấn nạn độc thân, hôn nhân đổ vỡ đang là “bài toán” của cả xã hội thời hiện đại, chứ đâu phải của riêng làng. Nếu có yêu thương, thủy chung, không dối lừa và biết tìm kiếm tình yêu, thì chẳng có nơi nào chết tên “miền đất ế vợ”, sao lại đổ lỗi cho con sông và buồng cau?

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm