Miễn, giảm tiền thuê phòng trọ - Thảo thơm những tấm lòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cả nước căng mình chống dịch cũng là những ngày lo lắng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai người nghèo, lao động nhập cư, vô gia cư. Chứng kiến những cảnh đời lận đận, cùng với sự chăm lo của Chính phủ, rất nhiều chủ nhà cho thuê trọ trên mảnh đất chữ S đã miễn giảm tiền thuê nhà để giúp người nghèo vượt qua gian khó.
Thơm thảo những tấm lòng.
Thơm thảo những tấm lòng.

Niềm vui khi được san sẻ khó khăn

Đợt dịch thứ 4 khiến những người như: công nhân nghèo, bán hàng rong, bán trà đá vỉa hè, bán vé số, đánh giày, bốc vác, đồng nát… ngã khuỵu. Suốt hơn một năm qua, họ đã phải mệt nhoài “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Cứ nghĩ tới việc hàng tháng trả tiền thuê nhà làm họ thấy… rùng mình lo lắng. Hiểu được áp lực kinh tế đè nặng trên vai người lao động nghèo, nhiều chủ nhà trọ ở các tỉnh, thành đã giảm tiền thuê phòng, có nơi còn được miễn phí khiến nhiều người thuê trọ như trút được gánh nặng trong lòng.

Khu phòng trọ của bà Nguyễn Thị Cước (phường Bình Nhâm, TP Thuận An) miễn tiền thuê trọ đến khi hết dịch bệnh khiến nhiều người lao động hân hoan.

Chị Nguyễn Thị H - bán vé số tâm sự: “Khi chưa có dịch bệnh, mỗi ngày tôi đi bộ 20km bán vé số kiếm được 200 ngàn. Nhưng bây giờ dịch bệnh, tôi đi rạc cả chân mà chỉ kiếm được trung bình 110 ngàn đồng một ngày. Tính ra hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền đó, tôi chỉ dám tiêu tằn tiện và dành tiền đóng tiền nhà. Khi bị bệnh, tôi nào có tiền mua thuốc uống. Trong khu nhà trọ này, rất nhiều người có hoàn cảnh như tôi. Đợt dịch này khiến chúng tôi thêm kiệt quệ. Thấu hiểu nỗi khổ ấy, bà chủ trọ Nguyễn Thị Cước đã quyết định miễn phí tiền thuê trọ đến khi hết dịch khiến chúng tôi trào nước mắt vì xúc động”.

Bà Nguyễn Thị Cước - chủ 2 dãy phòng trọ trên đường Bế Văn Đàn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương thân thiện chia sẻ: “Chẳng ai muốn dịch bệnh xảy đến. Người thuê nhà trọ ở đây, phần nhiều là công nhân lao động, buôn bán nhỏ lẻ… Vì dịch bệnh, họ không có việc làm nên tôi quyết định giảm 100% tiền thuê trọ. Không có việc làm nhưng họ vẫn phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt, con cái nên khổ lắm. Tôi và người thuê trọ đều nương nhau mà sống. Mình giúp được họ bớt khó khăn cũng thấy vui. Tôi mong tất cả sớm vượt qua khó khăn này”.

Được biết, đây không chỉ lần đầu chủ nhà trọ này miễn, giảm tiền thuê phòng trọ cho người lao động tại 2 dãy trọ của mình. Nếu như đợt dịch trước nhẹ hơn, bà Cước giảm tiền thuê trọ, còn đợt dịch này bà miễn 100% cho người thuê để họ yên tâm ổn định cuộc sống.

Trước tình hình dịch bùng phát tại TP HCM, chị Lê Thị Kim Chi - chủ nhà trọ trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) đã chủ động giảm tiền thuê nhà, thậm chí tặng thêm những thực phẩm thiết yếu như gạo… để những người thuê có thể vượt qua khó khăn.

Hơn 300 người đang thuê trọ tại khu lưu trú số 1 (huyện Hóc Môn, TP HCM) đã được anh Phạm Trung Hiếu, chủ khu lưu trú giảm tiền thuê trọ. Được biết, ngoài giảm 50% tiền thuê phòng trọ, anh Hiếu còn tặng quà cho các anh chị công nhân sống trong khu này, nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Đồng thời, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM cũng đã hỗ trợ ATM gạo.

“Ơn này, chúng tôi không bao giờ quên”

Cuối tháng 5/2021, hẻm 352/17 đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh bị phong tỏa. Cả khu trọ với 36 phòng của ông Nguyễn Văn Tới (57 tuổi) cũng nằm trong chuỗi nhà bị cách ly. Ngay khi bị phong tỏa, ông Tới đã có thông báo giảm 50% tiền trọ tháng 6. Hôm sau, ông Tới còn đi mua gạo, mì gói, dầu ăn… tặng cho toàn bộ 36 phòng trọ. Trước cửa nhà ông có một chiếc bàn nhỏ được kê sẵn, chất đầy rau xanh, củ quả tươi. Đồng thời, ông còn liên hệ UBND phường 28 và mạnh thường quân xin hỗ trợ hàng trăm suất ăn để tặng cho người nghèo trong khu trọ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Bùi Thị Tuyết Lan, chủ một khu nhà trọ trên đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã tặng mỗi phòng trọ một phần khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn và 10kg gạo. Khu nhà trọ bà Lan hiện có 40 phòng, giá thuê 1,1 triệu đồng/tháng và hơn 10 năm nay không đổi. Tùy hoàn cảnh, bà Lan giảm từ 30-50% để động viên anh chị em vượt qua mùa dịch.

Trên phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức gia đình ông Dương Ngọc Điệp (46 tuổi), có dãy trọ 20 phòng ở đường 43 cũng đang giảm tiền trọ cho người thất nghiệp, lao động nghèo. Đây không phải lần đầu tiên ông Điệp tự động giảm tiền trọ cho người lao động, mà đợt dịch nào ông thấy mọi người khó khăn là ông chủ động giảm. “Trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, mình cũng không giàu có gì nhưng đóng góp được bao nhiêu thì mình đóng. Tuy không nhiều nhưng cũng giúp người ta vượt qua khó khăn”, ông Điệp chia sẻ.

Là người thuê trọ được ông Điệp giảm giá tiền phòng, anh Trần Bé Hai - 26 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng - chia sẻ, anh làm nghề sửa xe nhưng dịch bệnh, tiệm anh đóng cửa. Giờ thu nhập chính hằng tháng để nuôi gia đình và vợ đang mang thai cũng không còn nữa, anh phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm để lay lắt vượt qua cơn đại dịch. “Ông Điệp giảm giá tiền phòng, chúng tôi cảm thấy được động viên tinh thần và vật chất rất nhiều”.

Còn nhớ đợt dịch trước, hiểu được khó khăn của 400 người dân ở trọ, bà Đoàn Thùy Dương - chủ nhà trọ đã miễn phí 2 tháng tiền nhà cho người thuê phòng trọ ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, bà cùng với những người thân trong gia đình tiếp tục hỗ trợ cho 300 người bán vé số với số tiền 500.000 đồng/người; hỗ trợ hàng trăm người bán vé số có nhu yếu phẩm như gạo, mì gói hiện đang ở phòng trọ của bà Dương. “Tôi thấy hỗ trợ cho họ là cần thiết và xuất phát từ đáy lòng” - bà Thùy Dương hoan hỉ.

Tại TP Biên Hòa, cô Trần Ngọc Hiếu (ngụ đường Cách Mạng Tháng 8, phường Hòa Bình) có hơn 10 phòng trọ nằm ngay sau nhà, đa phần là dân lao động, làm thuê ở các quán ăn, xưởng gỗ, với giá cho thuê từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng/phòng. Các quán ăn đóng cửa, nhiều người thất nghiệp vì Covid-19, mọi người trong khu trọ bàn tính về quê vì ở lại không có tiền đóng trọ, ăn uống. Cô Hiếu đã quyết định giảm 700.000 đồng/phòng/tháng, đồng thời cho mọi người nợ tiền phòng 3 tháng tới đây.

Ngoài việc giảm tiền phòng, tiền nước chung cho hơn 40 công nhân và lao động tự do đang thuê trọ, gia đình bà Nguyễn Thị Bích, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà trọ Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) còn miễn 100% tiền nhà cho hai gia đình thuê trọ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phần nào giúp họ vơi đi gánh nặng kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Đại, một trong hai gia đình được miễn tiền thuê nhà cho biết: “Vợ chồng tôi từ Thanh Hóa ra Vĩnh Phúc ở trọ nhà bà Bích từ năm 2015, tôi lái xe taxi, vợ làm công nhân may. Mới đây, vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo, phải nghỉ làm ở công ty, bản thân tôi cũng phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc cô ấy. Cảm thông với hoàn cảnh của vợ chồng tôi, hai tháng nay, bà Bích không lấy tiền thuê nhà, tôi rất cảm động, biết ơn sự giúp đỡ của bà với vợ chồng tôi trong lúc khó khăn này”.

Trong một khu nhà trọ trên đường Lê Đình Lý (Đà Nẵng), ngay giữa sân, một tấm bảng của bà Nguyễn Thị Xuân Hương thông báo được treo với nội dung: “Tình hình dịch bệnh khó khăn, cùng chia sẻ. Vào 2 tháng tiếp theo các phòng sẽ được giảm tiền phòng mỗi tháng. Các phòng nếu có khó khăn về thực phẩm hay vấn đề gì có thể nhắn tin. Hãy lấy mì tôm nếu cần”.

Cô Nguyễn Thị Thanh (chủ dãy trọ ở Đông Anh, Hà Nội) đã miễn phí tiền phòng cho 20 phòng trọ trong 2 tháng. Trung bình mỗi phòng ở mức 2 triệu/tháng, từ khi có dịch cô Thanh đã “thất thu” hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, cô Thanh rất vui vì mình đã góp sức giúp người lao động nghèo đỡ vất vả, yên tâm.

Anh Lưu Hùng, 25 tuổi, đánh giày xúc động: “Nghỉ ở nhà không có việc, chúng tôi đang lo tiền trả tiền thuê nhà trọ. May mắn, cô Thanh đã miễn phí cho chúng tôi tận 2 tháng tiền nhà. Chúng tôi đỡ được vài triệu đồng để tập trung lo mua thực phẩm cầm cự vượt qua “bão dịch”. Ơn này, chúng tôi không bao giờ quên”.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của chủ nhà trọ dành cho công nhân, người lao động nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn giữa dịch bệnh Covid-19 thật đáng quý.

“Lá lành đùm lá rách” - những tấm lòng thảo thơm, nghĩa hiệp của những người dân đất Việt trong đại dịch đã lan tỏa bao điều tốt đẹp, nhen lên ngọn lửa sưởi ấm dành cho người kém may mắn, trong lúc khó khăn để họ có thêm động lực cùng cả nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid -19. Không có ai bị bỏ lại phía sau.

Đọc thêm