Miền Trung gồng mình chống lũ

(PLVN) - Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Trị, Quảng Bình… khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Các địa phương này đang tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, mặt khác sẵn sàng phương án ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ tặng quà hỗ trợ người dân vùng lũ huyện Phong Điền.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục thiệt hại mưa lũ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào ngày hôm qua (19/10), trong đợt mưa lũ mới đây, trên địa bàn đã có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình khoảng 2.182 mm, nhiều địa phương bị ngập lụt, nhiều vùng bị chia cắt. Toàn tỉnh đã di dời, sơ tán 12.075 hộ/37.190 khẩu. 

Đến nay, các hộ dân đã cơ bản về nhà, chỉ còn lại một số hộ neo đơn, già yếu và các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp tục ở lại các khu an toàn phòng chống mưa lũ trong những ngày tới. Trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương nặng.

Mưa lũ cũng làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.

Để đảm bảo công tác hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại Thừa Thiên - Huế ở mức cao. Ông Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi và cập nhật diễn biến mới của thời tiết, triển khai hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. “Chính quyền không thiếu lương thực, thực phẩm để hỗ trợ trong và sau lũ lụt cho người dân. Làm sao công tác hỗ trợ phải đảm bảo công bằng, công khai, hiệu quả”, ông Thọ nói.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cấp cho Thừa Thiên Huế 1.000 tấn gạo cứu đói ban đầu. Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng và đã có hàng chục ngàn suất quà về với người dân vùng lũ.

Trong ngày hôm qua, công tác tìm kiếm 15 công nhân ở Rào Trăng 3 vẫn tiếp tục; lực lượng đã xác định điểm vùi lấp và sẽ dùng không quân phục vụ tìm kiếm. Tính đến 19h hôm qua, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã kiểm tra nhiều địa điểm xung quanh thủy điện Rào Trăng 3 nhưng vẫn chưa tìm thấy thêm người mất tích.

Thượng tướng Phan Văn Giang (Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung khi cần thiết để phục vụ cho việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Thượng tướng Giang cho hay, trong những ngày tới, khi thời tiết thuận lợi hơn, Bộ sẽ huy động cả không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác để phục vụ cho công tác tìm kiếm.

Quảng Trị khẩn trương di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở 

Tại Quảng Trị, đến 15 giờ chiều 19/10, thi thể 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, Quân khu 4 đã được tìm thấy. Như vậy, sau hơn một ngày đêm nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy tất cả 22 quân nhân bị vùi lấp do sạt lở đất xảy ra tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 18/10.

Trong đợt ngập lụt mới này đã có 80/124 xã, phường, thị trấn với 53.777 hộ/175.416 người bị ngập lụt, trong đó đã triển khai sơ tán 11.105 hộ/34.835 người đến các địa điểm an toàn.  Đến 19h hôm qua, lũ trên các sông đang xuống chậm, nhưng vẫn phổ biến ở mức trên BĐ II. Đến tối qua (19/10), Quảng Trị ghi nhận trên 40 người chết, nhiều người còn mất tích và 20 người bị thương. UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương. Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Mưa lũ khiến nhiều điểm trường bị ngập lụt với mực nước dâng cao (với trên 70 điểm), có nơi trên 1 m. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, có 316,5 ha lúa bị ngập, bồi lấp; khoảng 3.000 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 471.838 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi... Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã bị sạt lở nghiêm trọng…

Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, nguy cơ ngập úng sâu, kéo dài trên diện rộng tại các vùng thấp trũng là rất cao. Đặc biệt hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông.

Để chủ động phòng ngừa hiệu quả và triển khai ứng phó với tình trạng sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất; tuyên truyền, vận động những hộ dân ở khu vực nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn, không được chủ quan, lơ là, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng. Có giải pháp khắc phục tạm thời tại các khu vực xung yếu bị sạt lở. Lập hàng rào, biển báo bảo đảm an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Những ngày qua, cuộc sống của nhiều hộ dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là trên mái nhà.

Hơn 80.000 nhà dân ở Quảng Bình bị nhấn chìm

Chiều 19/10, thông tin Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, trận mưa lũ lớn chưa từng có trong lịch sử đã nhấn chìm hơn 80.000 nhà dân trong toàn tỉnh, hơn 200 thôn bản bị cô lập, chia cắt và hơn 9.000 người dân phải di dời khẩn cấp.

Từ tối 17/10 đến nay, người dân ở các vùng bị ngập lụt liên tục gọi điện thoại và thông tin trên mạng xã hội để cầu cứu lực lượng chức năng, các đội cứu hộ địa phương đến giải cứu. Huyện Lệ Thủy là địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất khi có tới 30.000 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập, các xã bị ngập sâu từ 1 – 4m như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… có nơi ngập sâu. Nước lũ làm cô lập và chia cắt hầu hết các tuyến đường giao thông tại huyện này.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, ông Đặng Đại Tình cho biết, suốt đêm 18 và ngày 19/10, lực lượng công an, quân đội, biên phòng và chính quyền địa phương đã ròng rã thực hiện di dời khẩn cấp hàng ngàn người dân trong lũ dữ.

Tại huyện Quảng Ninh, gần 15.000 nhà dân cũng bị ngập ở hầu hết các xã. Một số xã nằm ven sông Long Đại như: Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh…bị ngập sâu, lũ vây tứ phía, chia cắt cục bộ. Toàn huyện này có 57 thôn, bản trên 11 xã bị cô lập chia cắt. Huyện Quảng Trạch có gần 4.000 nhà dân với hơn 13.000 nhân khẩu ở các xã Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thanh, Liên Trường, Cảnh Hóa… bị lũ ngập. Chính quyền địa phương đã phải di dời 153 hộ dân 503 khẩu đến nơi an toàn… Tại các địa phương khác, như: huyện Bố Trạch có gần 10.000 hộ dân bị ngập lụt; huyện Minh Hóa có 1.080 nhà; Tuyên Hóa 3.482 nhà; TP Đồng Hới cũng có 1.239 nhà bị ngập.

Theo Công ty Điện lực Quảng Bình, tính đến trưa 19/10, toàn tỉnh đã có 1.349 trạm biến áp bị hư hỏng và 188.992/tổng số 274.803 khách hàng của công ty này đã bị mất điện. Trận “đại hồng thủy” lớn chưa từng có trong lịch sử của tỉnh Quảng Bình đã làm 2 người ở xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) và 1 người ở xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) tử vong; 4 người ở huyện Tuyên Hóa bị thương nặng.

Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, ngập lụt chia cắt nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây. Các tuyến đường liên huyện thị, liên xã ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn... đã bị chìm ngập trong nước sâu từ 0,5m đến 2,4m. 

Hiện tất cả các tuyến đường hàng không, đường bộ, đường sắt đến địa phương này bị gián đoạn. Lũ lớn đã làm ngập, hỏng nền 5 km đường sắt tại các khu gian Mỹ Đức - Phú Hòa, Ngân Sơn - Thọ Lộc, Lệ Sơn- Minh Lệ và Đồng Chuối - Kim Lũ.

Rạng sáng 19/10, xe khách BKS 43B – 024.54 chạy tuyến Đà Nẵng - Nam Định chở trên xe 18 hành khách, khi qua địa phận thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) đã bị lũ cuốn trôi gần 100m. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng Quảng Bình đã trắng đêm vượt lũ dữ thực hiện cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Rất may, toàn bộ hành khách trên xe đã được giải cứu an toàn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã  quyết định tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (dự kiến tổ chức từ ngày 21 - 23/10) để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Sẵn sàng hơn nữa để cứu dân

Chiều 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung. 

Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ, những gia đình có người gặp nạn do mưa, bão, lũ. Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm hết sức mình để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. Trước mắt, Thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị của các bộ, ngành, chi cho mỗi tỉnh 100 tỷ đồng gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh, để hỗ trợ sửa chữa nhà ở và khắc phục cơ sở hạ tầng.

Trước tình hình bão chồng bão, gây ra mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng, thậm chí lũ vượt mức lịch sử, nhất là tại các khu vực Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân, trên tinh thần là không được để dân đói, dân rét, màn trời chiếu đất. Tích cực chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn nhưng phải an toàn, phải đảm bảo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các cơ quan đoàn thể như đoàn thanh niên, các nhà hảo tâm, hỗ trợ cho đồng bào với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. 

Sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải tập trung bảm bảo an toàn các công trình hồ đập, không để vỡ hồ chứa gây thiệt hại vùng hạ du. Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với phương án phù hợp, phương tiện cần thiết để cứu dân như vừa qua đã làm. Hiện mưa lớn đang xảy ra ở Quảng Bình, Nghệ An, nếu bão nữa sẽ lặp lại mưa lũ.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo: “Trước mắt đồng ý xuất cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, gồm Hà Tĩnh đang bị bão lũ đe dọa rất lớn hiện nay. Yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay kịp thời, phân phối ngay kịp thời và phân bổ đến người dân, đúng đối tượng”. 

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính xuất cấp phương tiện, trang bị cứu hộ cứu nạn. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai tìm kiếm cứu nạn, có phương tiện nhỏ cấp thiết cứu dân bị mắc kẹt ở những vùng chia cắt. Trong đó có việc sử dụng an toàn, hiệu quả, thuận tiện duy tu bảo dưỡng để sử dung lâu dài. Ngành Y tế phải cử một bộ phận hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh an toàn sau lũ. 

Song Thu

Phân bổ 20  tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung

Ngày 19/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương Quyết định phân bổ số tiền 20  tỷ đồng từ nguồn cứu trợ Trung ương quản lý để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung, trong đó hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi tỉnh 05 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam: 3 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh: 02 tỷ đồng.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo, gia đình có nhà bị sập trôi hoàn toàn, bị hư hỏng nặng từ 80% trở lên, mức hỗ trợ 40.000.000đ/căn nhà; hỗ trợ các gia đình có người bị chết và mất tích mức 5.000.000đ/01 người chết, mất tích; hỗ trợ người bị thương, mức hỗ trợ 3.000.000đ/01 người bị thương.

B. Lam

Đọc thêm