Miệt mài hồi sinh nghề gốm Chu Ru giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tiếc nuối vì nghệ thuật cồng chiêng tại địa phương đã mai một, bà Ma li (SN 1957, ngụ thôn K’răng Gọ, xã P’ró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) tự nhủ lòng mình phải giữ lại bằng được nghề làm gốm thủ công của người Chu Ru.
Các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru.
Các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru.

Nhen nhóm thắp lại lửa gốm

Theo tiếng K’Ho, chữ “Gọ” trong K’răng Gọ nghĩa là chiếc nồi. Cũng không ai nhớ vì sao lại có chữ “Gọ” trong tên buôn làng nhưng nhiều bậc cao niên lý giải có thể vì có nghề làm gốm lâu đời, làm nồi vung nên người xưa đưa vào đặt tên buôn làng.

Bà Ma li vẫn nhớ như in những tháng ngày hoàng kim của nghề gia truyền. Đó là những năm 70-80 trở về trước, nhà nhà trong thôn đều làm gốm. Cứ sáng sớm nghe tiếng gà gáy, những cô gái Chu Ru lại gánh gốm sang các huyện Lạc Dương, Di Linh… để bán hoặc đổi ngô, lúa về ăn: “Ngày đó, ở trong bản cứ tối đến bếp củi lại rực sáng, người già người trẻ quay quần làm gốm, hát cồng chiêng vui lắm”, nét mặt người phụ nữ rạng rỡ.

Nghệ nhân dân gian Ma li là người hiếm hoi còn nắm vững các kỹ năng làm gốm Chu Ru ở K’răng Gọ.Nghệ nhân dân gian Ma li là người hiếm hoi còn nắm vững các kỹ năng làm gốm Chu Ru ở K’răng Gọ.

Đang vui vẻ, bất chợt giọng bà Ma li trầm xuống, nhìn về xa xăm. Bà bộc bạch, nghề gốm giúp dân bản có ăn có mặc như vậy nhưng giờ cả thôn không còn ai còn theo nghề…

Bà Ma li cũng từng bỏ nghề gần 20 năm. Mãi đến năm 2008-2009, khi bà nội trước khi qua đời căn dặn Ma li đừng bỏ nghề, bỏ nghề là đói. Làm nông nếu không có nước sẽ mất mùa còn làm gốm vẫn đổi được thóc, ngô để ăn, vừa giữ lại nghề cho con cháu: “Ngẫm thấy lời căn dặn đúng nên tôi quyết định làm gốm trở lại. Ban ngày vẫn đi trồng lúa, chăn nuôi, tối về tranh thủ làm gốm. Nếu mình không làm, nghề gốm của cha ông sẽ thất truyền”, bà Ma li kể.

Thời gian đầu, nghệ nhân dân gian Ma li chỉ làm vài chiếc bình uống nước, vài chiếc nồi, chảo đất, bình hoa… chủ yếu để sử dụng trong nhà. Năm này qua năm khác, dân làng địa phương rỉ tai nhau rồi từ đó cái tên già làng Ma li chuyên làm gốm thủ công ở K’Răng Gọ ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều du khách đến Lâm Đồng du lịch cũng đặt mua làm quà tặng. Cách đây hơn 5 năm, bà còn được một công ty nước ngoài mời xuống Bình Dương trả lương để làm gốm bán ra nước ngoài. Tuy nhiên không chịu nổi cái nóng cũng như cuộc sống nhộn nhịp phố thị, sau 2 năm gắn bó bà quyết định về lại K’Răng Gọ làm gốm.

Kỳ công nghề làm gốm Chu Ru

Ở K’răng Gọ, bà Ma li là nghệ nhân dân gian hiếm hoi còn nắm thành thục kỹ năng làm gốm Chu Ru. Nói về các công đoạn làm gốm, bà Ma li say sưa chia sẻ: Chọn đất là khâu đầu tiên cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm gốm Chu Ru: Người Chu Ru dùng làm gốm phải là đất sét được lấy từ chân núi “To-rum-ủ” cách thôn chừng 3km.

Đất sét ở đây có màu vàng đặc trưng, rất dẻo chứ không như đất sét thông thường. Loại đất này khi nhào nặn vừa dẻo, dễ tạo hình, lúc nung lên cho màu vàng óng rất đẹp. Đặc biệt đất sét ở núi “To-rum-ủ” nung lên không bị nứt, độ bền lâu.

Gốm Chu Ru hoàn toàn làm thủ công.

Gốm Chu Ru hoàn toàn làm thủ công.

“Đào sâu xuống khoảng 50cm, loại bỏ lớp đất bên trên, chỉ lấy đất sét theo luồng của nó và tuyệt đối không để lẫn đất khác vào”, bà Ma li chia sẻ kinh nghiệm.

Đất sét được đem từ núi về tiếp tục đem phơi khô sau đó đập mịn, sàng nhiều lần để loại bỏ mọi tạp chất, hạt đất to. Tiếp đó, người nghệ nhân cho nước vừa phải để nhào nhuyễn đất như một loại hồ dính rồi bắt đầu tạo hình theo ý muốn: “Tạo hình xong đem phơi nắng, khi đất ráo nước tiếp tục dùng dụng cụ bằng tre để lấy đất bên trong ra ngoài, miết phẳng lòng bình gốm rồi lại tiếp tục phơi nắng cho thật khô từ 2-3 tuần mới đem nung”, bà Ma li kể về công đoạn làm gốm.

Khác với các nơi, người dân K’răn gọ nung gốm không cần lò mà chất củi giữa sân rồi đốt. Theo lời nghệ nhân dân gian Ma li, công đoạn này khó không kém khâu chọn đất. Nếu chọn củi là những cây trồng, nhất là cây có mủ như mận, bơ… thì khi đốt nhựa cây chảy ra bám vào gốm sẽ tạo những vết bẩn mất thẩm mỹ. Kinh nghiệm của bà Ma li là nhặt củi rừng về đốt gốm, vừa đượm vừa sạch…

Đặc biệt toàn bộ quá trình làm gốm của bà Ma li hoàn toàn thủ công, thậm chí một chiếc bàn xoay với người phụ nữ này là thứ quá xa lạ. Cũng vì làm hoàn toàn thủ công nên gốm của người Chu Ru ở K’răng Gọ không có độ tinh xảo cao, thậm chí nhiều bình gốm còn méo, độ dày mỏng của đồ gốm chưa đồng đều. Tuy nhiên cũng vì sự thô mộc và thủ công hoàn toàn này mà các sản phẩm gốm Chu Ru là độc bản.

Để làm sống lại nghề gốm gia truyền, hiện nay bà Ma li khuyến khích con cháu học nghề. Bà còn vận động người trong thôn làm gốm trở lại. Nhiều học sinh cũng được nhà trường dẫn xuống nhà Ma li xem cách làm gốm thủ công, trải nghiệm thực tế.

Bà Ma li ấp ủ dự định dành một phần đất tại ngôi nhà đang ở để làm sân chơi cồng chiêng kết hợp làm nơi dạy làm gốm truyền thống, giới thiệu các sản phẩm gốm K’răng Gọ để ngày càng nhiều biết đến những đặc trưng văn hóa địa phương: “Tôi mong muốn các cấp chính quyền, những người yêu quý văn hóa K’Ho chung tay để làm sống lại nghề gốm truyền thống cũng như nghệ thuật cồng chiêng”.

Ông Châu Văn Kỳ, chủ tịch UBND xã P’ró, huyện Đơn Dương cho biết, làm gốm là nghề truyền thống của đồng bào Chu Ru. Sản phẩm gốm Chu Ru được đánh giá cao bởi hoàn toàn thủ công, độc bản, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền. Tuy nhiên nghề gốm đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Thời gian qua chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân giữ nghề, truyền nghề lại cho các thanh thiếu niên trong làng, hỗ trợ giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho gốm Chu Ru để khuyến khích người dân theo nghề truyền thống.

Đọc thêm