Từ một tấm bê tông nhỏ bằng viên gạch men và vỏ lon bia dùng để cắm nhang, miếu liệt sĩ nằm trên đường Võ Thành Trang (khu phố 2, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM) được người dân tự nguyện tu sửa trở nên khang trang. Đặc biệt ngôi miếu có đặc trưng luôn nghi ngút khói nhang quanh năm bởi ai đi ngang cũng đều dừng chân thắp nhang cầu may.
Cụ Nguyễn Ngọc Bích bên miếu liệt sĩ tại “phố người Quảng”. |
Ngôi miếu thờ có số phận lận đận
Toàn bộ khu vực nêu trên lâu nay được biết đến là phố người Quảng Nam sinh sống (gọi tắt là phố người Quảng). Những bậc cao niên kể lại từ những năm 1958 – 1960, hàng trăm người dân Quảng Nam lần lượt di cư vào miền Nam, khai sinh ra phố người Quảng lớn nhất giữa Sài Gòn đến tận bây giờ. Chủ yếu là người dân của hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn có nghề dệt truyền thống.
Cụ Nguyễn Ngọc Bích (82 tuổi), sống ở “phố Quảng” từ năm 1959 hồi ức, trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, vùng căn cứ Bảy Hiền bị địch bắn phá ác liệt. Sau trận càn của địch người dân lại quay về nhà dọn dẹp đồ đạc. Lúc bấy giờ thi thể quân địch lẫn chiến sĩ cách mạng nằm la liệt.
Cách vị trí miếu liệt sĩ toạ lạc chừng 10m đã có tới bốn chiến sĩ cách mạng hy sinh, trong đó một người là y tá. Dù hết mực cảm phục nhưng phải đợi địch rút quân, dân làng mới lén đem các liệt sĩ chôn cất tử tế. Để tỏ lòng tưởng nhớ, người dân trong vùng còn bí mật đặt tấm bê tông rộng chừng 10 x 20cmvà một vỏ lon bia để cắm nhang ghi công, thoạt nhìn đây như thể ngôi miếu hoang ven đường.
Sau nhiều lần dò hỏi, biết miếu thờ cúng liệt sĩ cách mạng, cảnh sát Nguỵ liên tục đập phá. “Mỗi lần đi tuần chúng đá bát nhang rơi, dân xóm chúng tôi lại dựng dậy, van vái vong linh các anh tha thứ”, cụ Bích nói. Ngày ấy sợ địch phát hiện, chưa ai dám gọi công khai đấy là miếu liệt sĩ. Nhiều tên gọi khác nhau được dùng để che giấu “thân phận” thật của ngôi miếu như: “Miếu các anh”, “Miếu nhớ ơn”, “Miếu vỉa hè”.
Mãi gần hai năm sau, người dân mới rón rén nâng cấp tấm bê tông trơ trụi thành ngôi am nhỏ có mái che mưa, rộng đủ đặt bát nhang. Tuy vậy, tên gọi “miếu liệt sĩ” vẫn chưa được công khai, chỉ người địa phương mới nắm rõ lịch sử ngôi miếu và ngầm hiểu với nhau.
Sau ngày đất nước thống nhất, dù đời sống gặp vô vàn khó khăn nhưng ai nấy đều đồng lòng phải trùng tu miếu liệt sĩ thật đàng hoàng. Qua khoảng 5 lần trùng tu, miếu liệt sĩ mới trở nên khang trang như bây giờ, lần trùng tu gần nhất là hồi tháng 4/2000. Về kiểu dáng, miếu được xây dựng theo kiến trúc đền miếu truyền thống ở Việt Nam, xung quanh trang trí bộ “tứ linh” nổi bật và nhiều hoạ tiết phụ khác.
“Bản nội quy” không nét bút
Trưởng khu phố 2, ông Nguyễn Hữu Hùng xác nhận cách đây tròn 13 năm người dân sinh sống trên tuyến phố Võ Thành Trang đã tự nguyện đóng góp số tiền 7,5 triệu đồng xây cất lại miếu. Ông Hùng thú thực ban đầu chỉ góp được 5 triệu đồng nhưng dân vẫn quyết định tiến hành kế hoạch trùng tu rồi sẽ đóng góp tiếp nếu hụt vốn.
Bài thơ tri ân những liệt sĩ anh hùng đặt cạnh miếu |
Rồi nhiều người đi đường khi ghé thăm miếu biết chuyện liền sẵn sàng ủng hộ hậu hĩnh, nhờ vậy ban điều hành khu phố không cần vận động kinh phí nữa. “Lận đận lắm ngôi miếu mới tồn tại đến bây giờ, trước đó là bọn lính Nguỵ, sau này vào thời kì bài trừ mê tín dị đoan, ngôi miếu rơi tầm ngắm dẹp bỏ nhưng nhờ người dân kiên quyết bao bọc nên không ai dám phá”, ông Hùng tự hào chia sẻ.
Bát nhang duy nhất tại miếu liệt sĩ nghi ngút khói nhang suốt ngày. Trưởng khu phố cho biết ngôi miếu không hề có ban quản lí, người trông coi chính thức nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, ngào ngạt mùi nhang. Cứ sáng sớm mỗi ngày, không người này, sẽ người khác tự động tới quét dọn miếu, thay nước trên án thờ và thắp nhang.
Như đã trở thành quy định ngầm, hễ ai ở khu phố nhìn thấy nhang ở miếu cháy tới chân thì người đó sẽ đốt tiếp nhang mới. Nếu là người ở đây, hễ đi ngang miếu đều ghé lại thắp nhang cầu may mắn, sau này một số người lạ biết tin cũng thực hiện theo.
Hàng chục năm nay miếu liệt sĩ trở thành điểm đến của những gia đình cách mạng có con em hy sinh trong chiến tranh nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Nhất là vào các dịp lễ lớn như 30/4, 2/9 hay 27/7. Những người này tâm sự họ xem bốn chiến sĩ hy sinh gần miếu liệt sĩ như chính con em mình giờ đây đang an nghỉ đâu đó nơi đất khách quê người.
Những gia đình sinh sống trên phố Võ Thành Trang cũng cho rằng vong hồn bốn chiến sĩ rất linh thiêng. Từ ngày dựng miếu đến nay khu phố ăn nên làm ra, phố phường khang trang. Người đến miếu cầu mong sức khoẻ, bình an, mong các anh phù hộ độ trì nhiều vô kể.
Theo Xa lộ pháp luật