Mình ăn Tết hay Tết 'ăn mình'?

(PLVN) - “Nhà ta năm nay ăn Tết có to không?” – câu hỏi tưởng như đầu môi thay lời chào này đã khiến nhiều người sợ Tết. Vì chữ “ăn Tết” không đơn thuần là việc ăn những món gì mà còn được hiểu nghĩa chung là công tác chuẩn bị mọi thứ cho Tết như thế nào, từ việc gói bánh chưng, mua thực phẩm, trang hoàng nhà cửa đến việc chơi đào quất, cây cảnh…
Mình ăn Tết hay Tết 'ăn mình'?

Bây giờ cuộc sống sung túc hơn, thì lại thêm yếu tố chơi Tết ở đâu cho sang chảnh, sành điệu. Vì thế, có những người lại sợ Tết…

Muôn vàn kiểu “Hết Tết”

Khi đến chơi, chúc Tết, câu đầu tiên khách thường hỏi gia chủ: “Nhà ta năm nay ăn Tết có to không?”. Câu hỏi tưởng như đầu môi thay lời chào này đã khiến nhiều người sợ mất sĩ diện vì Tết và rồi từ đó dẫn đến những lý do hết Tết. 

Cách đây không lâu, cư dân mạng đã liệt kê ra 10001 kiểu “Hết Tết” rất ngộ nghĩnh nhưng cũng rất đời.

Có nhiều gia đình cả năm không dọn dẹp nên bắt tay trang hoàng nhà cửa dồn hết vào những ngày trước Tết. Mệt mỏi, lu bu, đầu bù tóc rối, vợ chồng cáu giận, hò hét con cái đến tối 30 Tết, thậm chí sáng mồng một thì ai nấy đều đuối. Hết Tết!

Có những gia đình quần quật, đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh… vô tình tạo áp lực công việc cho cả nhà đến phút cuối cùng. Hết Tết!

Nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày ba bữa sáng, trưa, tối. Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mâm. Kết quả là nguyên Tết chỉ làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, rửa chén suốt ngày. Cũng có những người cảm thấy lo lắng và mệt mỏi trong dịp Tết.

Một phụ nữ chia sẻ: “Tôi là dâu trưởng nên rất tất bật trong những ngày Tết. Lo Tết ở nhà chồng từ 29 đến hết ngày mùng 1, sang mùng 2 mới đi thăm họ hàng quê ngoại, mùng 3 lại về quê nội, mùng 4 mới về nhà riêng của vợ chồng tiếp khách. Mấy ngày Tết, tôi cảm thấy mệt mỏi, suốt ngày lo sắp cỗ, nấu nướng, rửa bát, tiếp đón khách…”. Hết Tết!

Có nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè bình luận về mình “Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Lễ lạt cho họ hàng thế nào"… kết quả là ném tiền qua cửa sổ hoặc luôn căng thẳng, xì trét, đóng cửa trốn Tết. Hết Tết!

Những gia đình suốt ngày bày biện mọi thứ ra để tiếp khách. Ngày Tết, khách đến nhà chơi là chuyện quý hóa, thế nhưng cứ mỗi khi có khách đến thì lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấm môi một tí ra về. Sau đó lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly, khách mới lại tới. Vèo cái hết ba ngày Tết chỉ mỗi đón khách, dọn mâm. Hết Tết!

Có nhiều ông chồng cứ lang thang tất niên hết nhà này nhà khác. Hết tất niên thì đi chúc Tết. Rượu chè bê bết, về nhà đầu năm gây gổ vợ con. Người hôi hám, mỏi mệt lăn ra ngủ... mất tư cách, phong độ đàn ông khiến cả nhà mất vui. Hết Tết!

Cờ bạc, chạy nhanh phóng ẩu… cũng dễ biến Tết trở thành những “trải nghiệm kinh hoàng” trong hiện thực rỗng túi sau Tết hoặc trong bệnh viện. Hết Tết! ....

Du lịch Tết ép buộc nhau thì cũng chẳng vui

Ngày nay, chữ “ăn Tết” không đơn thuần là việc ăn những món gì mà được hiểu nghĩa chung là công tác chuẩn bị mọi thứ cho Tết như thế nào, từ việc gói bánh chưng, mua thực phẩm, trang hoàng nhà cửa đến việc chơi đào quất, cây cảnh… Và bây giờ cuộc sống sung túc hơn, thì lại thêm yếu tố chơi Tết ở đâu cho sang chảnh, sành điệu. 

Chị Nguyễn Thu Hà ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội tâm sự: “Theo tôi, ăn Tết bây giờ cũng nên nghĩ khác một chút. Nếu như trước đây, ít ai có ý nghĩ hay điều kiện đi du lịch trong ngày Tết, thì ngày nay thấy du lịch trong dịp này cũng là một cách ăn Tết. Trong dịp Tết có thể đến các địa phương để tìm hiểu về phong tục, tập quán ở các vùng miền, nhất là các tỉnh vùng cao. Hơn nữa, cho con đến những vùng khó khăn để con hiểu và chia sẻ với trẻ em miền núi, hình ảnh đó sẽ giúp cho con biết vươn lên trong học tập, biết thương yêu những người lao động vất vả, biết tiết kiệm trong cuộc sống…”.

Nhưng chuyện đi chơi Tết cũng đâu phải dễ. Đôi khi chồng, vợ, con mỗi người một ý khiến cả nhà căng thẳng, mất Tết. Đơn cử như câu chuyện của bà Huyền ở Hải Phòng, cứ đến mùng năm tết, bà lại lục tục kéo cả gia đình đi Bái Đính lễ Phật nhân tiện đi chơi, vãn cảnh luôn. Mỗi lần như thế, bà bận bịu sắp xếp kế hoạch đi và lễ lạt từ trong Tết. 

Nghe kế hoạch của bà, cả gia đình không phải ai cũng đồng tình vì mỗi người đều đã có kế hoạch đi chơi riêng cho ngày cuối cùng nghỉ Tết của mình để mùng sáu đi làm.

Rồi ngày đi cũng đến, bà Huyền bực bội hô hào, lùa cả gia đình dậy sớm để đi. Mấy đứa cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ, hò hét rát cổ bỏng họng chúng không chịu dậy.  Đã thế, thằng cháu đích tôn 15 tuổi còn thò đầu từ trong chăn ra nói: “Phật tại tâm, cần gì phải lên tận chùa mới lễ được. Người người chen chúc thở vào nhau giữa mùa dịch, chẳng an toàn đâu bà ơi!”. Bà Huyền nghe mà tức nghẹn họng. 

Cuối cùng, bà Huyền đành đi với chồng, con, dâu, rể mà vắng lũ cháu. Trên đường đi, chính cậu con trai trưởng của bà góp ý với mẹ: “Con thấy rằng vấn đề tín ngưỡng, mẹ đừng ép người khác phải theo mình. Mùa dịch bệnh, đi lễ chùa đông đúc làm gì cho khổ?”. Bà Huyền những muốn nổi sùng lên với con trai, nhưng ngó sang chồng thấy chồng cũng có vẻ đồng tình với ý kiến của thằng con trai nên bà ráng nhịn vì tết nhất cãi cọ xui xẻo cả năm…

Ăn Tết hay chơi Tết?

Vào một dịp Tết cách đây không lâu, Thạc sĩ giáo dục và văn hóa Nguyễn Đức Hiển – Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long cũng đã từng chia sẻ với truyền thông về xu hướng lựa chọn giữa ăn Tết hay chơi Tết của người Việt hiện nay. 

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, nếu nhìn góc độ của xã hội hiện đại thì mọi người dường như thích chơi Tết hơn là ăn Tết. Bởi lẽ, việc ăn uống hiện nay cũng khá đầy đủ và không còn thiếu thốn như ngày xưa. Chơi Tết là mọi người được nghỉ ngơi, đến nhà nhau thăm hỏi, đi du xuân, đi lễ chùa hay là tổ chức những chuyến du lịch ra nước ngoài để dành trọn thời gian và yêu thương cho nhau trong gia đình. Chơi Tết cũng là một khái niệm khá mới mẻ, nhất là với giới trẻ có cuộc sống hiện đại hiện nay. 

“Tết trong ký ức của tôi - thời còn rất khó khăn thì chỉ ngày Tết người ta mới mua gạo, mua lá dong về gói bánh chưng, những đứa trẻ mới được ăn xôi, có thịt gà… Thực tế với xã hội hiện nay khi đời sống của con người được nâng cao, chỉ cần có nhu cầu thì ngày nào chúng ta cũng có thể ăn những món ăn đó. 

Khi đời sống vật chất của con người được nâng cao thì đương nhiên sẽ thiên về vấn đề tinh thần nhiều hơn và sẽ không dành quá nhiều thời gian cho việc ăn uống. Xã hội đã có sự phân công rõ ràng, mỗi người một công việc, đã có người chuyên làm bánh chưng, chuyên cung cấp gà…Vậy tại sao chúng ta phải mất đến hàng vài ngày cho việc chuẩn bị thức ăn? Thay vào đó chúng ta có thể dành thời gian vào việc du xuân và dành thời gian chơi Tết. 

Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống tại Việt Nam thì khái niệm ăn Tết đã ăn sâu vào truyền thống gia đình, tuy nhiên những năm gần đây gia đình tôi cũng vừa kết hợp cả ăn Tết và chơi Tết. Ngoài thời gian chúng tôi sum họp cùng gia đình và bạn bè để thưởng thức những món ăn dân tộc thì chúng tôi cũng cùng nhau đi chơi, đi du lịch sang các quốc gia khác để tìm hiểu văn hóa của họ. 

Tôi nghĩ rằng hiện nay việc ăn Tết hay chơi Tết đều không quá quan trọng mà cái quan trọng là chúng ta được chia sẻ, được gần gũi bên những người thân yêu để tinh thần thoải mái hơn sau một năm vất vả. Hơn nữa, Tết cũng là dịp để chúng ta có những giây phút thoải mái hơn thư giãn và dành năng lượng cho những kế hoạch trong tương lai” - ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ. 

Cũng theo ông Hiền, những thế hệ đi trước vẫn muốn giữ nét truyền thống là ăn Tết, ngày Tết là phải ở nhà, con cháu sum vầy và cùng gia đình nấu những món ăn dân tộc thờ cúng tổ tiên. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, gần như cả đời người họ đã quen với điều đó và coi đó là truyền thống mà đã là truyền thống thì không dễ gì thay đổi. 

Vấn đề chính yếu ở đây là phải làm sao khéo léo hòa hợp được giữa suy nghĩ và nhu cầu của các thế hệ để có một cái Tết vui… 

Đọc thêm