Minh bạch, công khai cơ chế tài chính trong khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một trong những nhóm chính sách nhận được nhiều sự quan tâm trong lần sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sắp tới là các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với mong muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhưng cũng phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch về tài chính trong công tác khám, chữa bệnh.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2022. Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh thành 10 chính sách lớn.

Theo đó, với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”, dự án Luật tập trung chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những nhóm chính sách nhận được sự quan tâm là các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các địa phương quy định giá cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý. Quy định này được cho là sẽ không thực hiện được việc gắn giá dịch vụ khám bệnh với đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh do không xác định được hệ số điều chỉnh giá.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2022. (Ảnh minh họa)

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2022. (Ảnh minh họa)

Còn theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, phương án mới được đề xuất là xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc và khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở. Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các cơ quan của Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết Nhà nước phải thống nhất quản lý về giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả với giá dịch vụ xét nghiệm bằng máy do tư nhân đặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc áp dụng một mức giá khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc như đề xuất có thể không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau. Hơn nữa, việc thay đổi từ chỗ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước định khung giá và mức giá cụ thể (điểm c, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) sang quy định Nhà nước định mức giá cụ thể (điểm a, khoản 3, Điều 19 của Luật Giá) dẫn đến phải sửa đổi Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, liên quan chính sách này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án) đề nghị nghiên cứu, tổng kết đánh giá kỹ nội dung “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” để có cơ sở xem xét tiếp tục kế thừa trong lần sửa đổi này...

Quy định hợp lý cơ cấu về giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Cho ý kiến về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua cũng còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo Luật quy định còn rất chung. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề.

Chẳng hạn, về quy định “ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải nghiên cứu để bổ sung thêm quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá.

Đối với vấn đề tài chính cho cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần phải làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong Luật này phải xác định rất rõ ràng tiêu chí để một cơ sở khám, chữa bệnh không vì mục tiêu lợi nhuận làm căn cứ xác định cơ sở khám, chữa bệnh không phải nộp thuế từ chênh lệch cao hơn giữa thu nhập và chi phí. Các cơ sở khác không đáp ứng yêu cầu này thì phải nộp thuế.

Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn, nhất là khái niệm chi phí chất lượng. “Thế nào là chi phí chất lượng? Tôi không hình dung ra khái niệm chi phí chất lượng là chi phí gì”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần phải làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước bao gồm những loại gì trong này. Vì cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước có rất nhiều mô hình như đơn vị sự nghiệp công lập, có loại là nhà nước đảm bảo 100%, có loại tự chủ cả chi đầu tư, chi thường xuyên, có loại tự chủ một phần chi thường xuyên, có loại là công ty cổ phần hoặc hoạt động liên doanh, liên kết… đều cần phải làm rõ hơn.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cơ chế để quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì ai quyết định việc này? Cơ sở khám chữa bệnh có được tự quyết định không hay là ai quyết định việc này? Trong khi Điều 19 Luật Giá có quy định Nhà nước (cụ thể là Bộ Y tế) quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Như vậy để đồng bộ với Luật Giá thì chúng ta xử lý như thế nào? Ai là người ra quyết định đối với giá? Vừa qua, từ thực tiễn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải ban hành một nghị quyết về việc xác định giá.

Nêu rõ cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải cấu thành đủ chi phí và có phần lợi nhuận định mức, đây là chênh lệch thu, chi định mức. Chênh lệch thu, chi định mức này đối với đơn vị sự nghiệp công không phải vì mục tiêu lợi nhuận còn có phần tích lũy để tái đầu tư và đầu tư thêm cơ sở vật chất. Đối với cơ sở tư nhân có chênh lệch thu, chi thì mới làm. “Nếu dự thảo quy định cơ cấu giá không nói phần này thì có hợp lý về mặt cấu thành về giá không?”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn và đề nghị Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ cơ cấu về giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Về thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để phân định giữa việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để có những quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và nợ công. Ngoài ra, các thiết bị y tế như chi phí vật tư, tiêu hao thuốc cho khám, chữa bệnh cũng rất lớn nên cũng cần phải nghiên cứu bổ sung quy định về việc mua sắm, quản lý, sử dụng một cách nguyên tắc và có thể giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.

Đọc thêm