Mộ công chúa hơn 500 năm có thể thành điểm sáng văn hóa tâm linh?

(PLO) - Vũ Văn Thiện, một người hiền lành, chất phát sinh sống tại quê hương luôn nôn nóng kiếm tìm những điều “phi lý” (theo nhận xét của người dân) để ngôi mộ Công chúa được quan tâm đúng mức. 

Có rất nhiều ý kiến xung quanh ngôi mộ Công chúa hơn 500 năm nằm trơ trọi ở một cánh đồng vắng không nhà bia không mái che.

Độc giả Hoa Băng bày tỏ cảm xúc: “Ôi! ngày nhỏ đi làm đồng, đi chăn trâu vẫn thường qua ngôi mộ đó mà không biết gì, giờ thấy tự hào quê hương mình quá!”. Độc giả Đình Phúc có ý kiến: “Làm đơn xin xã cấp kinh phí tu sửa lại, hương khói đầy đủ là được…”.

Anh Lê Văn Tình thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Cần có sự quan tâm của các cấp huyện, tỉnh để ngôi mộ được tôn tạo, xây dựng đúng với giá trị thực của nó”.

Qua tìm hiểu, nếu ngôi mộ công chúa Cẩm Vinh Trưởng được đầu tư xây dựng, tôn tạo rất có thể nơi đây trở thành điểm sáng về văn hóa tâm linh. Lúc bấy giờ du khách thập phương sẽ tìm đến ngôi mộ, tìm đến Ao Én với hàng loạt những giai thoại về quê hương, đây có thể là niềm tự hào cho người dân địa phương và của tất cả mọi người quan tâm".

Bản dịch tấm bia (trang cuối) được ThS Phạm Hương Lan dịch ngày 17 tháng 3 năm 2017

Trên thực tế một di tích luôn mang trong mình những giá trị riêng xong có lẽ nếu không được thế hệ hôm nay quan tâm thì sẽ mai một và mất đi. Việc ngôi mộ Công chúa Cẩm Vinh Trưởng không ít lần bị kẻ xấu xâm hại vì người ta cho rằng phía trong ngôi mộ kia có những giá trị về vật chất không hề nhỏ. Trước thực trạng này, hơn lúc nào hết rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo vệ, gìn giữ và trùng tu đúng với giá trị của nó. 

Tờ trình số 22/TTr – UBND xã Xuân Phong ngày 20 tháng 3 năm 2017 gửi đến Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thọ Xuân và Sở thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa đã đề cập đến việc bảo tồn tôn tạo lại văn bia. 

Tờ trình của UBND xã Xuân Phong về việc Đề nghị bảo tồn, tu sửa lại văn bia cổ.

Tờ trình có nội dung: Hiện nay tại cánh đồng Cao Hay thuộc làng Đại Lữ, xã Xuân Phong, Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa có một tấm bia cổ. Tấm bia này được các nhà nghiên cứu Hán Nôm về nghiên cứu, chụp hình và được viện Nghiên cứu Hán Nôm viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam dịch ra tiếng Việt.

Theo đó tấm bia cổ này có từ năm 1498 (đến nay đã 519 năm) viết về con gái thứ 11 Thánh Tông Thần hoàng đế. Được Viện nghiên cứu xác nhận là một tấm bia Đại Việt Cẩm Vinh Trưởng công chúa thần đại bi nhưng do lâu năm lại nằm ở giữa cánh đồng không được bảo tồn phục dựng nên hiện nay tấm bia đã nghiêng và các chữ khắc trên bia cổ đã bị mờ nhạt…

Trên tinh thần ấy, văn bản cũng đề cập đến việc các phòng ban có liên quan xem xét, nghiên cứu, khảo sát để tôn tạo lại tấm bia lịch sử quý giá.

Tờ trình trên được Chủ tịch UBND xã Xuân Phong – ông Lê Viết Thể ký gửi ngày 20 tháng 3 năm 2017; đến gần 2 tháng UBND xã nhận được công văn phúc đáp của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về việc bảo quản bia phát hiện tại cánh đồng Cao Hay làng Đại Lữ, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân.

Theo đó công văn số 1085/SVHTTDL-DSVH do Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Thanh ký đã đề cập đến việc nhận được công văn của UBND xã Xuân Phong. Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa (Báo cáo số 105/BC-BTDSVH ngày 19 tháng 4 năm 2017) sở đã có ý kiến chỉ đạo xuống các cấp có liên quan. Công văn có đoạn: Đề nghị UBND xã Xuân Phong trên cơ sở hiện trạng của bia có phương án, kế hoạch bảo vệ, bảo quản di vật tránh bị hư hỏng, sụp đổ, đồng thời báo cáo UBND huyện Thọ Xuân về đề xuất phương án bảo vệ, phát huy giá trị di vật theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Văn bản được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh hóa gửi đến Giám đốc Sở VHTT&DL, UBND huyện Thọ Xuân, Trung tâm BT DSVH, Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân… Cho đến nay đã 3 tháng trôi qua vẫn chưa có một văn bản, kế hoạch về việc tôn tạo trùng tu ngôi mộ đã 519 năm công chúa Cẩm Vinh Trưởng. 

Công văn được Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa gửi cho các đơn vị có liên quan

Theo công văn của Sở, để bảo quản và phát huy giá trị của bia thì việc bảo vệ bảo quản di vật cần được làm luôn, ấy vậy đã hơn 500 năm bia mộ vẫn trơ trơ, chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc đúng mức. Công văn trên cũng gợi ý cho UBND xã Xuân Phong cần có phương án kế hoạch bảo vệ để tránh bị hư hỏng nhưng chắc lẽ Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa không nghĩ đến việc không ai dám tự ý làm việc này vì người dân địa phương cho rằng đây là tài sản của Quốc gia. 

(Còn tiếp)

Đọc thêm