Mở cửa du lịch y tế thời Covid-19: Cơ hội nào cho Việt Nam?

(PLVN) - Mới đây, xứ sở chùa vàng Thái Lan đã cho phép khách du lịch chữa bệnh nhập cảnh trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh. Thái Lan có thể thành công tháo gỡ một phần “gánh nặng” du lịch trong bối cảnh đại dịch, liệu du lịch Việt có thể học hỏi và áp dụng?
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch khám chữa bệnh.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch khám chữa bệnh.

1.700 du khách y tế nhập cảnh Thái Lan

Cuối tháng 7/2020, do không ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trong nhiều ngày, Thái Lan bắt đầu “mở cửa” cho du khách quốc tế đến khám chữa bệnh trong nước. Ước tính có khoảng 1.700 người từ 17 quốc gia khác nhau (trong đó có Việt Nam) được nhập cảnh vào xứ sở chùa vàng.

Những du khách này phải tuân thủ quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt, bao gồm 3 lần xét nghiệm và thời gian cách ly 14 ngày. Lần xét nghiệm đầu tiên được thực hiện ở đất nước khởi hành, lần thứ hai là ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Lan và lần thứ ba là trước khi về nước. 

Nếu bệnh nhân đến điều trị ít hơn 14 ngày thì họ chỉ được cư trú ngay trong khuôn viên bệnh viện và thực hiện thời gian cách ly. Còn nếu du khách đến điều trị hơn 14 ngày, hoàn thành thời gian cách ly và có kết quả âm tính với vi rút, họ được quyền tự do tham quan các địa điểm du lịch khác tại xứ sở chùa vàng. Tối đa 3 người thân được phép đi cùng bệnh nhân, với điều kiện họ cũng phải tham gia cách ly.

Hiện Thái Lan chỉ chấp nhận nhập cảnh qua đường hàng không và hành khách phải có giấy chứng nhận từ một đại sứ quán Thái Lan tại đất nước khởi hành thì mới được nhập cảnh. Bất cứ ai dương tính với vi rút sẽ được điều trị trực tiếp tại bệnh viện của Thái Lan nhưng toàn bộ chi phí y tế đều do người đó tự thanh toán. 

Theo Cục trưởng Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, người nước ngoài cần điều trị y tế gấp sẽ được phép nhập cảnh nước này bất kỳ lúc nào. Các bệnh viện tư được yêu cầu cung cấp danh sách bệnh nhân và cùng với Bộ Ngoại giao kiểm soát những du khách xuất nhập cảnh. 

Theo Bộ Y tế Thái Lan, 98 bệnh viện và 26 phòng khám đủ tiêu chuẩn cách ly du khách chữa bệnh, bao gồm cả công dân Thái Lan và người nước ngoài. Những bệnh viện, phòng khám tham gia chương trình này của chỉnh phủ đã đưa ra các chương trình giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút du khách. 

Được biết, đối tượng khách mục tiêu là những người có khả năng chi trả cao. Dự kiến có 160.000 ca điều trị y tế cho khách nước ngoài trong ba tháng tới, thu về số ngoại tệ tương đương 18 tỷ baht (khoảng 580 triệu USD) từ du lịch chữa bệnh. 

Du lịch chữa bệnh là một trong những nguồn thu đáng kể của xứ sở chùa vàng. Thái Lan có lợi thế về các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị xương khớp, liệu trình chống lão hóa và phục hồi chức năng, điều trị tim mạch … Ngành du lịch chữa bệnh ước tính đã đóng góp gần 10 tỷ USD cho kinh tế nước này mỗi năm. 

Do vậy, việc “mở cửa” cho du lịch y tế là một quyết định táo bạo nhằm phần nào giảm tải thiệt hại do đại dịch lên ngành du lịch nước này. Nếu phương án này thành công, ngành du lịch Thái Lan có thể trở thành một hình mẫu về khả năng thích nghi với trạng thái bình thường mới trên toàn thế giới.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Hiện tại, du lịch y tế hiện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi tác động lớn từ đại dịch. Trong khi đó, ngành Y tế Việt Nam thời gian qua đã ghi điểm với quốc tế về thành tích phòng, chống và chữa bệnh. Với sự nỗ lực và tay nghề của các y bác sĩ, nhiều bệnh nhân quốc tế đã được chữa khỏi Covid-19 và an toàn trở về quê nhà. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nhu cầu người Lào, Camphuchia vào Việt Nam chữa bệnh với số lượng khá lớn, nước ta lại có nhiều bệnh viện đẳng cấp quốc tế, hiện đại, nhưng việc cấp thị thực, cấp hộ chiếu cho những người này như thế nào vẫn chưa có cơ chế cụ thể. 

Ngay cả trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động du lịch khám chữa bệnh cho khách quốc tế cũng gặp phải nhiều trở ngại từ thủ tục nhập cảnh. Trong khi đó, người Việt Nam được cấp thị thực ra nước ngoài chữa bệnh dễ dàng hơn nhiều. 

Thời điểm hiện nay, “nút thắt” lớn nhất là Việt Nam chưa thể mở cửa cho khách du lịch quốc tế do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành. Hiện chỉ có công dân Việt Nam, người nước ngoài với mục đích ngoại giao hoặc công vụ, lao động kỹ thuật cao mới được phép nhập cảnh vào Việt Nam. 

Mặt khác, so với các nước nổi bật về dịch vụ du lịch y tế tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore thì du lịch chữa bệnh của Việt Nam hiện nay còn yếu thế. Trong đó có thể nói đến công tác quảng bá cho mô hình du lịch chữa bệnh tại Việt Nam vẫn còn manh mún. 

Nhìn từ Singapore, các bệnh viện đã mở hướng đầu tư sang nước ngoài. Chẳng hạn, Bệnh viện Park Group đã thiết lập liên doanh để điều hành các bệnh viện và phòng khám ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, một số nước ở Trung Đông.

Tập đoàn này đã thành lập 37 văn phòng tiếp thị trên toàn cầu. Còn Bệnh viện Bumrungrad ở Bangkok (Thái Lan) đã thiết lập 30 văn phòng đại diện tại 30 quốc gia, trong đó có một văn phòng ở ngay sân bay Thái Lan để đón và hướng dẫn du khách đến nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng du lịch chữa bệnh tại Việt Nam trong trạng thái bình thường mới vẫn rất có tiềm năng, đặc biệt sau tiếng vang của ngành y tế nước nhà trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Mặt khác, nước ta có một nền y học cổ truyền lâu đời, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến: liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công, yoga) hay chữa bệnh bằng thuốc nam…

Nhiều điểm đến uy tín như Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (đều ở Hà Nội), Viện Y dược học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh….  Việt Nam cũng có điều kiện để khai thác và thực hiện những tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh tại những khu du lịch nước khoáng nóng trải dài từ Bắc vào Nam.

ThS. Đoàn Hương Lan – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: “Hiện nay, loại hình du lịch chữa bệnh ở Việt Nam vẫn đang nằm ở vạch xuất phát so với các nước lân cận, nhưng ngành Y tế và Du lịch hoàn toàn có thể đẩy mạnh quảng bá và khai thác loại hình y học dân tộc cổ truyền cùng với việc chữa bệnh theo các chuyên khoa. Hy vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ là điểm đến mới của du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh của du khách khu vực và quốc tế”.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: “Bên cạnh dòng 300.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với tổng chi 2 tỷ USD, ngược lại, có dòng người đến TP HCM du lịch chữa bệnh mang lại cho TP.HCM 1 tỷ USD/năm. Thế mạnh du lịch y tế tại TP.HCM là tầm soát sức khỏe, y học dân tộc, nha khoa, làm đẹp… TP.HCM đã có đề án phát triển du lịch y tế và tín hiệu cho thấy, du lịch y tế có điều kiện phát triển trong tương lai”.