“Mở rộng Dự án Trường Đại học Công nghiệp I”: Việc thu hồi chưa đảm bảo dẫn đến đền bù không thỏa đáng

(PLVN) - Người dân phản đối về việc mở rộng dự án Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 1 (ĐHCN HN 1) với nhiều lý do, tuy nhiên phía chính quyền lại không hề giải đáp những khiếu nại đó mà vẫn tiếp tục gửi giấy mời các hộ dân lên nhận tiền đền bù khiến người dân vô cùng bức xúc.
Người dân phản đối dự án mở rộng Trường ĐHCN HN

Đất nông nghiệp hay đất ở?

Như báo PLVN đưa tin, hàng chục hộ dân trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội có đơn kêu cứu lên các cơ quan báo chí phản ánh việc UBND quận Bắc Từ Liêm có Thông báo thu hồi đất số 2592/TB-UBND và Quyết định số 5470/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án mở rộng Trường ĐHCN HN 1.

Đến ngày 4/12/2018, HĐND TP Hà Nội ra Nghị quyết số 11/NQ-HĐND quyết định thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội. Trong đó, diện tích đất thu hồi để giao cho Trường ĐHCN HN tại cơ sở I là 01ha.

Các hộ dân cho rằng, phía chính quyền đưa ra giá đền bù là 201.600 đồng/m2 là quá thấp. Trong khi đó, khu vực thu hồi đã được phê duyệt quy hoạch thành đất ở tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm - Hà Nội đến năm 2020 cho thấy khu đất trên có chức năng là đất công cộng thành phố, khu ở, điều này phù hợp với bản đồ phân bố dân cư của thành phố. 

Theo bảng 5 khung giá đất của UBND thành phố Hà Nội ban hành theo quyết đinh 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 thì khung giá đất tại vị trí đường Văn Tiến Dũng đến Nhổn có giá là 20.000.000 đồng/m2, giá thị trường xét theo thời điểm hiện tại là khoảng 100.000.000 đồng/m2. Do đó việc các hộ dân phản đối mức giá bồi thường 201.600 đồng/m2 này là có cơ sở.

Mặt khác với phương án bồi thường như trên thì các hộ dân không được hỗ trợ suất tái định cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ.

Các hộ dân đề nghị, trong trường hợp việc thu hồi đất là có căn cứ pháp lý, đúng quy hoạch, được các cấp có thẩm quyền cho phép, thủ tục quy trình thu hồi đúng quy định pháp luật thì giá đền bù phải do Trường ĐHCN HN 1 và các hộ dân tự thỏa thuận, không thể áp giá nhà nước trong trường hợp này vì Trường cũng chỉ là một chủ thể sử dụng đất như các hộ gia đình khác, Trường ĐHCN HN 1 cũng là đối tượng phải thuê đất hoặc mua đất.

Việc thu hồi đất chưa đảm bảo cơ sở pháp lý?

Trao đổi với PV, các hộ dân cho rằng, việc thu hồi đất của UBND Quận Bắc Từ Liêm chưa đảm bảo cơ sở pháp lý do việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất chưa đúng pháp luật.

Theo đó, Dự án mở rộng Trường ĐHCN HN 1 nằm trong khu đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu H-1 đã được UBND TP Hà Nội xác định trong Quyết định số 6308/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 về phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị S2, tỷ lệ 1/5000.

Tuy nhiên, căn cứ Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt; Căn cứ Quy hoạch phân khu đô thị S2 của Sở Quy hoạch TP Hà Nội; Căn cứ Hiến pháp 2013, Luật đất đai 2013, Luật Điều chỉnh quy hoạch, Luật xây dựng, Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2011 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, thì việc điều chỉnh quy hoạch nêu trên chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bà Phạm Thị Ngọ (SN 1955) cho rằng, việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6308/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 về phê duyệt và điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị S2, tỷ lệ 1/5000 (phần quy hoạch sử dụng đất) và bản vẽ tổng mặt bằng với tỷ lệ 1/500 tại khu đất tại ô quy hoạch H-1, địa điểm: phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để thu hồi toàn bộ diện tích đất của các hộ dân tại phường Minh Khai số 61, tờ bản đồ số 45 của bà là không chấp hành đúng các Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội. Vì vậy có cơ sở cho rằng Quyết định số 6308 là trái pháp luật, mặc dù có các dự án, tờ trình đề nghị của Trường ĐHCN HN và Bộ Công thương. 

Mặt khác theo quy định của pháp luật tại khoản 4 điều 46 Luật đất đai 2013 thì cấp nào ký phê duyệt kế hoạch thì cấp đó ký điều chỉnh quy hoạch. Như vậy việc điều chỉnh quy hoạch Thủ đô phải do Thủ tướng Chính phủ và HĐND TP Hà Nội phê duyệt chứ không thể do nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Thế Thảo tự ý điều chỉnh.

Theo tìm hiểu của PV, những trường hợp nhà nước thu hồi đất được quy định tại điều 61 và 62 Luật đất đai 2013 bao gồm thu hồi vì mục đích quốc phòng, an nình và thu hồi để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Nhà nước có thể trực tiếp hoặc giao cho chủ đầu tư tự tổ chức bồi thường đối với những trường hợp này.

Việc bồi thường với những dự án này sẽ do Nhà nước chi trả dựa trên giá do UBND tỉnh ban hành nhân với hệ số điều chỉnh đất hàng năm. Tuy nhiên ngoài những dự án quy định tại điều 61 và điều 62 Luật đất đai 2013 thì những dự án khác đã được phê duyệt sẽ do chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người dân thông qua các hình thức quy định tại điều 73 Luật đất đai 2013.

“Chính sách của Đảng và Nhà nước nếu phù hợp quy định pháp luật, cần thiết với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, đảm bảo quyền lợi của người dân thì chúng tôi sẵn sàng bàn giao đất. Thế nhưng với việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ nêu trên thì hoàn toàn không đúng chính sách, đường lối của Đảng, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và cũng không thực sự cần thiết.

Do đó đây không thể xem là dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia được. Chính dự án này với mục đích chỉ xây bể bơi, nhà tập thể thao đang có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu mưu sinh hàng ngày của hơn 200 nhân khẩu địa phương.” – các hộ dân bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, các hộ dân còn cho rằng, nếu doanh nghiệp khi thực hiện triển khai dự án ở địa phương cố tình theo hướng gắn dự án với tính chất là “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia” để việc đền bù giải phóng mặt bằng có giá đất đền bù theo khung giá Nhà nước quy định, không phải thỏa thuận với người dân, áp mức giá đền bù thấp hơn nhiều giá thị trường là có hành vi vi phạm pháp luật.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Điều 73 Luật đất đai 2013: Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh

1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Trường hợp này người có đất nằm trong diện quy hoạch có thể thỏa thuận trực tiếp với chủ đầu tư về giá đất bồi thường.

Đọc thêm