Mơ ước của người phụ nữ 20 năm chăm chồng ốm, con động kinh

Bao năm qua, dù phải lao tâm khổ tứ nhưng bà Lại không ca thán với bất cứ ai. Người phụ nữ ấy âm thầm mạnh mẽ vươn lên đối diện với những bi kịch của cuộc đời. Hàng ngày, bà tất bật chăm nom chồng liệt, con trai động kinh và người mẹ chồng già yếu. Bà Lại luôn thầm ước điều kỳ diệu rồi sẽ đến với gia đình bà...

Hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Lại (SN 1957, ngụ đội 9, thôn Qui Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) chưa được hưởng một ngày thảnh thơi, sung sướng. Dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày, bà Lại vẫn phải đi cày thuê, cuốc mướn để nuôi mẹ chồng già yếu cùng người chồng đau ốm nằm liệt giường.

Đến cả niềm hy vọng lớn nhất trong cuộc đời bà là cậu con trai độc đinh cũng phải nhờ đến bàn tay bà chăm sóc vì cậu mắc chứng bệnh động kinh quái ác.

Gia đình bà Lại
Gia đình bà Lại

Họa vô đơn chí

Vượt qua những con đường quê ngoằn ngoèo hai bên là những cánh đồng đang mùa xạ hạt, chúng tôi đến tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ lúc nào cũng có người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn ngồi trước sân để ngóng tiếng người qua lại, một cậu thanh niên tha thẩn cầm điếu thuốc đi vào đi ra, một cụ bà ốm nhom đầu tóc đã bạc quanh quẩn nhặt nhạnh những cây cỏ trong vườn.

May mắn là trong ngôi nhà ấy còn có một người phụ nữ tất tả quán xuyến công việc gia đình, cần mẫn chăm sóc cho cả 3 người bất hạnh kia.

Nhiều năm nay, người dân đội 9 ai ai cũng biết đến hoàn cảnh éo le của bà Nguyễn Thị Lại. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, người con gái quê gốc ở Khánh Hòa này tình cờ quen biết một chàng trai trẻ làm cán bộ quản lý nông trường ở Phú Yên kém mình 1 tuổi. Cả hai nhanh chóng bén duyên và nên vợ nên chồng. Đến năm 1979 bà theo chồng về sinh sống ở Phú Yên.

Những tưởng họ sẽ có một tương lai hạnh phúc và no đủ khi đến năm 1986, gia đình nhỏ ấy đã có thêm 3 đứa con (2 gái, 1 trai) đều xinh xắn, dễ thương. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng dài lâu, cũng từ đây, gia đình bà Lại bắt đầu xuất hiện những bất hạnh đeo bám.

Chồng bà Lại là ông Dương Văn Bá (SN 1958) là người có học vấn, từng làm ở Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Yên. Sau khi lấy vợ, ông Bá nhận được lời mời về địa phương công tác vì đang thiếu cán bộ. Sau hồi đắn đo cân nhắc, anh kỹ sư trẻ nhận lời về làm ở xã, tuy cơ hội phát triển ít hơn ở sở nhưng bù lại anh được làm những việc thiết thực có ích cho quê hương và nhất là được ở gần vợ con.

Về xã, ông Bá được giao nhiệm vụ quản lý kho bảo thuốc bảo vệ thực vật. Công việc mới khá vất vả vì đôi khi ông phải ra cả ngoài đồng để hướng dẫn bà con phân loại thuốc và các thao tác kỹ thuật phun thuốc chống dịch bệnh cho cây trồng.

Vào năm 1987, trong một lần theo bà con ra đồng, ông đeo một bình thuốc bảo vệ thực vật nhưng không biết rằng chiếc bình đó đã bị nứt và rò rỉ thuốc ra sau lưng ông. Trong suốt buổi làm việc hôm đó, ông thấy nóng và ướt ở sau lưng nhưng cứ nghĩ đó là do mồ hôi và trời nắng. Cái cảm giác nóng rát sau lưng cứ lan ra khắp người ông Bá. Về nhà cởi áo ra mới thấy cả lưng ông đã bị đỏ rát do thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào.

Từ đó, ông Bá bị những cơn đau lưng hành hạ liên tục. Đến khi đi khám, ông mới biết mình đã mắc bệnh lao cột sống. Thương chồng, bà Lại đã lo thuốc thang chạy chữa cho ông ở khắp nơi, từ Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, nghe ở đâu có bác sĩ giỏi bà đều chẳng ngại đường xá xa xôi mà đưa ông Bá đến thăm khám. Vậy nhưng dù tài sản trong nhà đã cạn dần, thế mà bệnh tình của chồng vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn.

“Tai chưa qua thì họa lại tới”, trong lúc vẫn đang tìm cách chữa trị cho cái lưng của mình thì ông Bá bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Liên tiếp gặp phải những căn bệnh hiểm ác, đầu những năm 90 ông Bá đã bị liệt nửa người và rồi từ đó đến nay chỉ còn biết ngồi một chỗ.

Dù lúc này gia đình đã khánh kiệt, nhưng bà vẫn đem hết tài sản còn giá trị trong nhà mang bán để đưa chồng vào TP.Hồ Chí Minh chạy chữa nhưng rồi sau đó do không còn kham nổi chi phí nên bà đành cắn răng đưa ông quay lại về quê nhà để tự chăm sóc.

Kể từ ngày ông Bá ngồi xe lăn, bà Lại thay chồng đảm nhận vai trò trụ cột gia đình. Không ngại khó, ngại khổ, ngoài thời gian chăm mấy sào ruộng để mưu sinh, thời gian rảnh ai thuê gì bà đều nhận làm hết.

Người phụ nữ ấy suốt nhiều năm ròng gánh trên lưng mẹ chồng già yếu, chồng bị liệt và ba đứa con nhỏ dại. Khi hai người con gái của bà đã dần khôn lớn biết đi làm phụ giúp mẹ thì cuộc sống của gia đình bà cũng đỡ khổ hơn. Thế nhưng, trong thâm tâm bà Lại vẫn chất chứa một nỗi buồn, nỗi day dứt khôn nguôi, đó là không thể lo cho các con ăn học bằng người.

Ai ngờ bất hạnh vẫn chưa thôi giáng xuống cuộc đời bà. Năm 2003, cậu con trai duy nhất của vợ chồng bà Lại là Dương Thanh Bằng (SN 1983) bỗng nhiên phát bệnh động kinh và thế là kinh tế gia đình lại lâm vào cảnh suy sụp bởi tiền nong đều đổ dồn vào chạy chữa cho Bằng.

Khổ mấy cũng kham

Đã không biết bao nhiêu đêm khi cả nhà đã say giấc bà Lại nằm ôm gối khóc một mình. Những giọt nước mắt tủi thương cho số phận hẩm hiu lăn dài trong im lặng. Có lúc bà Lại muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi với bản tính nhân hậu và sống đầy trách nhiệm của mình, bà đã vượt qua tất cả để lo toan, chăm sóc gia đình của mình.

Bao năm qua, dù phải lao tâm khổ tứ nhưng bà Lại không ca thán với bất cứ ai. Người phụ nữ ấy vẫn âm thầm mạnh mẽ vươn lên đối diện với những bi kịch của cuộc đời. Hàng ngày, bà tất bật chăm nom chồng liệt, con trai động kinh và người mẹ chồng già yếu.

Khó khăn là thế, vậy mà cả nhà 4 người chỉ trông chờ vào hơn sào ruộng để chống đói. Tiền thức ăn từ nguồn trợ cấp xã hội của hai cha con ông Bá. Tuy nhiên, số tiền vài trăm nghìn chẳng đáng là bao. Một trận ốm đau của hai người có khi số tiền đó còn thiếu. Cũng may, những người hàng xóm tình nghĩa luôn giúp bà vượt qua những lúc khó khăn hoạn nạn, lúc trong nhà không còn chút gì ăn.

Nhìn lại cuộc đời mình, từ khi lấy chồng thì bà Lại gần như chưa có một ngày được sống thảnh thơi, không phải lo lắng đến cơm áo, gạo tiền và bệnh tật của người thân. “Hồi ông nhà tôi (ông Bá - PV) mới bị thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào người, có những lúc ông ấy cứ vùng dậy vừa chạy, vừa la hét khắp làng. Nhìn chồng bị như thế, tôi chỉ biết ôm con mà khóc”, bà Lại chia sẻ.

Rồi đến lượt đứa con trai duy nhất bị động kinh, bình thường thì không sao nhưng mỗi khi trái gió trở trời là Bằng hay lên cơn co giật. Có những hôm trời nóng, đầu Bằng như cái núi lửa, ai mà động chạm hay nói nặng lời là cậu lại đập phá đồ đạc. Bà Lại mặc dù thương con nhưng mỗi lần thấy anh Bằng như vậy thì cũng chỉ biết gắng hết sức giữ con trai thật chặt, nói những lời an ủi vỗ về để sớm qua cơn bệnh.

May cho bà Lại, dù trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nhưng những thành viên trong gia đình nhỏ bé của bà vẫn luôn đồng lòng động viên bà Lại trong suốt thời gian qua. Ngay cả mẹ chồng bà năm nay đã bước sang tuổi 82, sức ngày càng già yếu nhưng thương con, thương cháu nên ngày ngày vẫn mò mẫm ở thửa vườn nhỏ trước cửa chăm chút từng luống rau.

Bà Lại nhớ lại, do cứ ngồi một chỗ mà nhìn cảnh vợ cực khổ nuôi cả nhà nên nhiều lúc ông Bá nghĩ quẩn định tự chấm dứt cuộc đời mình. May là mỗi lần thấy ông Bá có nét muộn phiền trên nét mặt, bà Lại lại bỏ hết công việc để an ủi chồng. Qua những lời tâm sự của bà Lại, ông Bá cũng hiểu rằng mình vẫn còn có ích. Mặc dù không thể làm gì giúp vợ giúp con nhưng ông vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho vợ mình thêm nghị lực gánh vác cả gia đình.

Bà Lại luôn thầm ước điều kỳ diệu rồi sẽ đến với gia đình bà. Một ngày nào đó cậu con trai của bà có thể khỏi bệnh, lập gia đình và sinh cho bà những đứa cháu nội kháu khỉnh, dễ thương...

Bạn đọc muốn chia sẻ khó khăn với gia đình nhân vật có thể liên hệ theo địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Lại - Đội 9, thôn Qui Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Điện thoại: 01293779566.

Phạm Văn

Đọc thêm