101 hoàn cảnh đơn côi
Cụ Hoàng Duy, 75 tuổi, tay run run lật mở quyển album ố vàng. Cứ mỗi tấm ảnh con, cháu, cụ lại ngắm một hồi lâu, đôi mắt mờ đục buồn xa xăm. Cụ Duy có 3 người con trai. Vợ mất khi cụ mới 35 tuổi. Vì thương các con nhỏ, vài lần toan tục huyền, cụ lại thôi vì thương con nhỏ. Cụ Duy quyết định ở vậy nuôi con.
Vốn có nghề rèn từ ông cha, cụ chắt bóp nuôi các con khôn lớn. Các con lần lượt lập gia đình. Ba người con trai không muốn ở chung với cụ đòi nằng nặc bán nhà cho ở riêng. Trong thâm tâm người cha già mong muốn ở quây quần cùng các con cháu. Nhưng rồi, ba người con hứa hẹn bán nhà đi, cụ vẫn sống chung cùng các con cháu.
Cả cuộc đời hy sinh vì con, cụ gật đầu đồng ý. Nhà cụ mặt đường khá rộng lại ở phố cổ nên bán được gần 20 tỷ đồng. Cụ chia tất cho các con mua nhà ở riêng, chẳng giữ lại cho mình đồng bạc nào.
Thời gian đầu, các con hoan hỉ thay nhau đưa rước cụ về chăm sóc rất chu đáo. Cụ Duy rất hạnh phúc nghĩ tuổi già mình an nhàn. Niềm vui chẳng tày gang, chỉ sau một thời gian, cụ bỗng đổ bệnh. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị tiểu đường, bị gút, áp huyết cao. Đau ốm triền miên, cũng từ đó, các nàng dâu bắt đầu tị nạnh việc chăm bố và tỏ ra lạnh nhạt, gắt gỏng với cụ.
Họ coi cụ là gánh nặng gia đình. Các con trai nghe vợ bỏ mặc người bố già yếu. Người nọ tị nạnh người kia, anh em cãi vã nhau liên hồi, không khí gia đình căng chẳng khác dây đàn. Buồn vì bệnh tật, đau vì xử đối xử bạc bẽo của các con, cụ Duy đề nghị cho vào viện dưỡng lão.
Nghe thấy bố nói thế, các con trai, con dâu mừng ra mặt, ngay lập tức liên hệ, làm thủ tục “đẩy” bố vào viện dưỡng lão.
Khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, cụ Duy nghẹn giọng: “Hồi xưa, gia đình nào mà có con trai là mọi người coi có phúc, sau này được con chăm sóc. Nhà tôi có tận ba con trai mà giờ đây tôi thui thủi tại nơi này…”.
Cụ Hoàng Nam ngồi kế bên an ủi bạn già: “Thôi, mình cứ vui mà sống!”. An ủi cụ Duy như chính an ủi mình vì chính cụ Nam số phận còn đắng cay hơn. Cụ Nam vốn là một giáo viên trường làng. 30 tuổi cụ kết hôn với cô gái làng bên làm nghề may.
Họ lấy nhau vài năm mà chẳng có con. Đi khám, cụ như rơi xuống vực thẳm khi biết tin mình không có con. Vợ cụ lén chồng ăn nằm với người đàn ông trên tỉnh. Khi biết vợ mang bầu mà không phải là giọt máu của mình, cụ Nam đau đớn, đắng cay.
Mọi người trong làng ai cũng ngỡ là con cụ. Nghe họ tíu tít chúc mừng mà lòng cụ như ai xát muối. Cụ toan đuổi người vợ không chung thủy ấy ra khỏi nhà. Nhưng rồi, cụ đành cất sự sĩ diện của người đàn ông vào sâu trong lòng để giang rộng vòng tay chăm sóc hai mẹ con. Cụ nhủ thầm: “Thôi thì mình không sinh được con, hãy coi con người khác là con mình.”
Cụ chăm sóc, nuôi nấng đứa con trai ấy như con đẻ của mình. Mỗi lần con ốm, cụ Duy lại bế con chạy bộ sang làng bên tìm thầy thuốc cho con mặc cho mùa đông rét mướt hay những đêm giông tố bão bùng. Cụ không tiếc tiền cho con ăn học nên người. Người con trai ấy học cũng giỏi nên cụ lấy làm phấn khởi, hãnh diện lắm.
Sự đời chẳng ai học được chữ ngờ. Trong một lần cụ đi đám cưới họ hàng ở Sơn La vài hôm, khi về, cụ Nam thấy nhà cửa trống trơn. Đồ đạc, tiền nong mà cụ tích cóp bao năm không cánh mà bay. Ngỡ nhà có trộm, cụ tìm gọi vợ con nhưng không ai trả lời.
Cụ hoang mang và chợt thấy bức thư trong ngăn kéo: “Em cám ơn hàng chục năm qua, anh chăm sóc mẹ con em. Đến giờ, con em đã lớn, em và con về sống với bố ruột của nó. Chào anh!”.
Trời đất như sụp đổ, cụ ngã vật ra nhà. Bỗng dưng cụ mất hết vợ con, tiền của. Cụ ốm liệt giường, phải nhờ hàng xóm chăm sóc suốt một thời gian. Khi sức khỏe đỡ lên, cụ quyết định bán ngôi nhà đầy đớn đau ấy. Có chút tiền, cụ ra Hà Nội đăng ký ở Trung tâm dưỡng lão .
“Một mình ở trong ngôi nhà quạnh quẽ ấy, nhớ vợ, nhớ con, lại thêm nỗi đau bị phản bội, tôi như người mất hồn. Chỉ khi tới đây, được gặp những người bạn cùng lứa tuổi, được tâm sự tôi mới thấy nhẹ lòng hơn”- cụ Nam trầm buồn.
Khát khao được các con chăm sóc
Hoàn cảnh của cụ gái Nguyễn Mây, 85 tuổi quê Thái Bình buồn không kém. Cụ có người con trai và con gái. Con trai cụ nghiện ngập, buôn thuốc phiện ra tù, vào tội. Cô con gái lấy chồng định cư ở nước ngoài.
Không muốn đưa mẹ sang nước ngoài vì sợ “vướng chân”, cô con gái đã đưa mẹ lên Trung tâm này. Thời gian đầu, cô con gái chu cấp tiền thường xuyên, mỗi năm về thăm mẹ một lần. Nhưng một năm gần đây, cô “quên” không gửi tiền Trung tâm và không hề liên lạc, bỏ rơi mẹ già đau yếu.
Thương nhất là những cụ bệnh tật, không có người thân chăm sóc. Khi nhắm mắt xuôi tay không được gặp mặt con cháu lần cuối.
Theo nhà tâm lý Hoàng Anh (Tâm lý gia đình Hà Nội) cho rằng, Tâm lý “một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi mẹ” đang đè nặng lên người già. Trên 50% người già ở Việt Nam ốm đau thường xuyên.
Thu nhập của người dân chưa cao, đồng lương hưu không đủ chi phí, nhiều người già sống thiếu thốn, đạm bạc. Nhưng nỗi buồn lớn nhất của người già vẫn là sự cô đơn, thiếu tình cảm của con cháu. Vì vậy, phương thuốc hiệu nghiệm để các cụ sống lâu với con cháu chính là sự yêu thương, quan tâm săn sóc của con cháu.
Dù có người bầu bạn, được các nhân viên chăm sóc nhưng các cụ đều khao khát, ngóng chờ các con tới thăm, được sum vầy bên mái ấm gia đình. “Trẻ cậy cha, già cậy con”- điều tưởng bình dị lại thành ước mơ quá xa vời với những người cao tuổi nơi đây.