Mổ xẻ những bất thường trong giám định pháp y

Một số cơ quan tiến hành tố tụng không nắm được hệ thống cơ quan giám định pháp y hiện nay, dẫn đến việc ra quyết định trưng cầu không đúng, thậm chí có tổ chức giám định đã không còn tồn tại từ nhiều năm nay vẫn được trưng cầu giám định...

Một số cơ quan tiến hành tố tụng không nắm được hệ thống cơ quan giám định pháp y hiện nay, dẫn đến việc ra quyết định trưng cầu không đúng, thậm chí có tổ chức giám định đã không còn tồn tại từ nhiều năm nay vẫn được trưng cầu giám định.


GĐV không bổ nhiệm

Trước đó, trả lời báo Pháp luật Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết cho biết, hoạt động của các giám định viên y pháp tại bệnh viện này căn cứ theo quyết định của Bộ Y tế năm 2002.

cc
Thực hiện giám định pháp y                                        Ảnh minh họa

Thế nhưng, theo  Pháp lệnh và NĐ 67, những giám định viên trước đây đã từng được bổ nhiệm căn cứ theo Nghị định 117HĐBT ngày 24/7/1998 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, thì nhất thiết phải được bổ nhiệm lại theo đúng quy trình luật định (Điều 9 Pháp lệnh, Điều 27 NĐ 67).

Như vậy, Quyết định 1119 được ông Giám đốc bệnh viện Việt - Đức trưng ra đã hoàn toàn hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc những GĐV đang hoạt động tại bệnh viện có tên trong  quyết định cũng không còn là GĐV pháp y nữa nếu không qua quy trình bổ nhiệm lại theo đúng tinh thần của Pháp lệnh và NĐ 67.

Tra cứu danh sách các GĐV đã qua quy trình được bổ nhiệm lại sau khi Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực do Bộ Y tế quyết định xuất phát từ đề nghị của Viện Pháp y quốc gia thì thấy, cho đến nay cũng mới chỉ có duy nhất một đợt bổ nhiệm GĐV (theo QĐ 1859/QĐ-BYT ngày 24/5/2007) với danh sách 16 người và không có tên các “giám định viên ” đang hoạt động tại bệnh viện Việt - Đức.

Từ đây, một câu hỏi đặt ra là liệu những “sản phẩm” – bản kết luận giám định -  do các GĐV không được bổ nhiệm lại này thực hiện có giá trị pháp lý hay không?

Hồ sơ lưu các vụ việc giám định đúng ra theo pháp luật phải được gửi một bản về Viện Pháp y quốc gia để lưu giữ trong thời hạn 30 năm nhưng kể từ khi hình thành đến nay Viện Pháp y chưa hề nhận được một hồ sơ nào và những hồ sơ giám định của bệnh viện Việt - Đức mà Viện đang có đều phải đi bằng những con đường vòng rất khác nhau (!).

Không tư cách, vẫn nhận quyết định trưng cầu
“…Một số cơ quan tiến hành tố tụng không nắm được hệ thống cơ quan giám định pháp y hiện nay, dẫn đến việc ra quyết định trưng cầu không đúng, thậm chí có tổ chức giám định đã không còn tồn tại từ nhiều năm nay vẫn được trưng cầu giám định. Một số cơ quan không có tư cách pháp nhân thực hiện giám định nhưng vẫn tiếp nhận quyết định trưng cầu và thực hiện giám định.

Có những trường hợp trưng cầu cơ quan này nhưng cơ quan khác không có chức năng giám định vẫn nhận quyết định trưng cầu và tiến hành giám định. Có trưuờng hợp xưng danh cơ quan giám định một tên nhưng khi đóng dấu xác nhận lại là một tên khác…”.

Trên đây là đoạn trích của Công văn số 08/PYQG-GĐ ngày 13/1/2009 về củng cố công tác giám định được Viện Pháp y quốc gia  gửi VKSNDTC.

Cũng cùng chủ đề này, Viện Pháp y Quốc gia đã nhiều lần có báo cáo với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, VKSND TP. Hà Nội, Liên đoàn Luật sư VN, Công an các quận huyện trên địa bàn Hà Nội để các cơ quan này nắm được tình hình.

Thông tư  hướng dẫn– bí lại hoàn bí?
Ngày 4/5/2010, Thông tư liên tịch số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đã được ban hành.

Tuy nhiên, có nhiều điều khoản của Thông tư theo đánh giá của các tổ chức giám định pháp y là “bí vẫn hoàn bí”. Cụ thể, Khoản 2 Điều 1 của Thông tư 09 lý giải “việc giám định phức tạp quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là việc giám định có tình tiết rắc rối hoặc tình tiết khó, đòi hỏi người thực hiện giám định phải là người có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cao ở lĩnh vực cần giám định”.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Nguyễn Trọng Toàn – nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội cho rằng, quy định như vậy lại càng khó định lượng hơn; nên chăng, nhường quyền xác định thế nào là việc giám định phức tạp cho cả cơ quan giám định lẫn cơ quan trưng cầu cùng phối hợp.

Cũng tương tự, ở Khoản 3,4 Điều 1 Thông tư 09 quy định “môi trường bị ô nhiễm quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg là môi trường có chỉ số vượt quá mức an toàn vệ sinh lao động cho phép theo quy định của Bộ Y tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 2 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg”…

Quy định như thế, thì không khác gì bảo GĐV khi đi làm vụ việc phải dẫn theo cả một nhóm chuyên gia chuyên xác định môi trường ô nhiễm của ngành y tế trong khi đáng ra nó phải là quyền của giám định viên; còn cơ quan trưng cầu – người trả tiền - thì có nhiệm vụ kiểm chứng xem việc của GĐV đã đúng hay chưa thôi.

Ông Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cũng đặt vấn đề, nên  quy định vụ việc giám định phức tạp là vụ việc có từ hai nội dung trưng cầu trở lên hoặc vụ việc giám định lại.

Tựu trung lại, pháp luật cần đưa ra cơ chế để GĐV có quyền từ chối, có quyền yêu cầu hay nói cách khác, các ý kiến, nhận định của giám định viên phải được tôn trọng thì những tình huống kiểu như thế này sẽ giải quyết nhanh hơn, sẽ không bị dẫn vào ngõ cụt, bí vẫn hoàn bí… 

Nhóm PV

Giám định vụ việc nhưng hưởng lương thường xuyên
Hiện nay, ở nhiều địa phương do việc thiếu GĐV và trình độ cán bộ còn hạn chế nên đã có việc bổ nhiệm GĐV có trình độ trung cấp làm giám định viên vụ việc (việc này là không trái luật và đã có sự cho phép bằng công văn của Bộ Tư pháp).
Thế nhưng, tréo ngoe ở chỗ những GĐV vụ việc (không được cấp thẻ GĐV; tên tuổi, chức danh bổ nhiệm được đăng báo 1 năm/lần để thông báo rộng rãi) lại hoạt động và hưởng lương thường xuyên tại các tổ chức giám định pháp y.
Vậy với những bản kết luận giám định không cần thiết phải trưng cầu GĐV vụ việc, nhưng vì lý do trên lại do GĐV vụ việc thực hiện thì tính pháp lý sẽ ra sao? Về vấn đề này, trong buổi làm việc của Ủy ban Tư pháp QH tại Viện Pháp y quốc gia, lãnh đạo Viện cũng đã có đề xuất vì đặc thù của công việc là giao điểm giữa y khoa và pháp luật nên không nên bổ nhiệm GĐV mang tính chắp vá, thời vụ; đặc biệt, không nên bổ nhiệm GĐV vụ việc trong pháp y mà không có trình độ đại học.

Đọc thêm