Mộc tượng nổi lên mặt biển
Bức tượng nói trên hiện được đặt tại chùa Thanh Lương (ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn), một ngôi chùa nằm bên làng chài, cách bờ biển khoảng 500m, không gian vô cùng yên tĩnh.
Biết rõ tường tận về mộc tượng hiếm có này là lão ngư Lê Trung Tánh (79 tuổi, ở thôn Mỹ Quang Nam), từng là Phó ban nghi lễ chùa Thanh Lương và cũng là một trong những người trực tiếp ra biển đưa tượng Phật bà về chùa hơn 10 năm trước.
Lão ngư kể lại, vào sáng sớm ngày 24/12/2004, một chiếc thuyền của ngư dân trong làng trên đường ra khơi đánh cá, khi đi đến vùng biển đảo Hòn Dứa, cách bờ vài hải lý thì phát hiện thấy một bức tượng đang nổi dập dềnh trên mặt nước. Họ cho thuyền tiến lại gần thì phát hiện ra đó là một bức tượng Phật Bà bằng gỗ.
Cho rằng bức tượng vốn chìm sâu dưới biển, gặp đợt biển động nên nổi lên, ngư dân liền vớt tượng, quay thuyền hướng vào đảo Hòn Dứa ở gần đó. Mọi người cùng nhau đưa tượng lên đảo đặt trên một phiến đá rồi quay về chùa báo tin.
Khi đó, ông Tánh và một số Phật tử đang sinh hoạt tại chùa Thanh Lương, nghe kể chuyện lạ thì ai nấy đều bất ngờ. Sư trụ trì chùa Thanh Lương lúc đó lại đi vắng nên ông Tánh cùng một số người liền chuẩn bị thuyền ra đảo Hòn Dứa xem thực hư.
Ông Tánh nhớ lại, khi đó dù biển động sóng lớn nhưng vì chuyện Phật Bà nổi lên từ dưới biển là chuyện trọng đại nên mọi người đều hăng hái đi ra đảo. Đến khi thuyền cập đảo Hòn Dứa, mọi người thấy bức tượng cao lớn, được dựng đứng trên tảng đá, thần thái trang nghiêm thì ngỡ ngàng.
Ông Lê Trung Tánh kể chuyện thỉnh tượng từ biển về chùa |
“Khi nhìn thoáng qua hình dáng tượng và những đường nét, khuôn mặt, tôi đã biết rằng đó là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Mặc dù thân tượng ngấm đầy nước, hàu bám quanh, nhưng tượng toát lên linh khí, vừa thấy, mọi người đã cúi đầu vái lạy”, ông Tánh kể lại.
Sau khi chiêm bái Phật Bà xong, mọi người chia nhau đi tìm dây thừng và cây để đưa tượng lên thuyền. Đang mùa biển động, sóng đánh liên hồi nên mọi người phải neo thuyền cách đảo một đoạn khá xa rồi cùng nhau khiêng tượng ra.
Công việc chuyển tượng ra thuyền vô cùng khó khăn, mọi người phải dò dẫm bước từng bước một nên phải mất hàng giờ mới đưa được tượng lên thuyền. Đoàn người ra đảo từ giữa buổi sáng mà đến buổi chiều mới cập bến. Chùa Thanh Lương sau đó đã thông báo cho chính quyền và tổ chức Phật tử ra thỉnh tượng về chùa.
Bức tượng Phật Bà bị rong rêu, hàu ốc, san hô bám kín thân nên mọi người khấn vái rồi cùng nhau cọ rửa sạch sẽ.
Chuyện tượng Phật Bà nổi lên từ đáy biển ở địa phương xưa nay chưa từng có nên rất đông người dân trong thôn ùn ùn kéo đến chiêm bái. Tối đó, nhà chùa cùng Phật tử dự định để tượng bên ngoài trời cho khô ráo, sau vì lo sợ kẻ xấu nên phải đưa tượng vào trong điện, đồng thời cử người canh giữ cẩn thận. Suốt 3 ngày liên tiếp, tượng Phật Bà được phơi nắng cho thật khô ráo trước khi đưa vào thờ.
Tượng Phật bà Quan Âm khi mới đưa về chùa |
Đại đức Thích Quảng Ngộ (trụ trì chùa Thanh Lương) cho biết, ban đầu tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được đặt trên điện thờ cùng các tượng khác. Tuy nhiên sau đó sư thấy rằng tượng làm bằng gỗ, nếu không bảo quản tốt sẽ bị mối mọt, ong đất làm tổ nên đã đặt trong tháp kính để bảo quản. Một năm sau khi thỉnh tượng về thì chùa xây xong Điện Phật Bà Quan Âm và rước tượng đến đó thờ và đặt trang trọng trong tháp kính.
Cũng theo vị trụ trì, tượng làm bằng gỗ quý tạc dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2m, nặng 74kg, bề ngang 0,6m. Vì chịu tác động của sóng gió nên tượng không còn nguyên vẹn, thân người nhiều chỗ bị bào mòn, hai cánh tay bị gãy giờ chỉ còn lại dấu vết, tuy nhiên nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Bồ Tát Quan Âm.
Trải qua 12 năm, có rất nhiều đoàn thể, cá nhân trong cũng như ngoài nước, đến tham quan và chiêm bái pho tượng này. Nhiều nhà sư, nhà nghiên cứu về chiêm bái và khẳng định sự gặp gỡ nhân duyên mang nhiều ý nghĩa của pho tượng và nhà chùa.
Ban phép màu giúp chữa bách bệnh?
Vị Đại đức cho biết, từ ngày được đưa về chùa, tượng Phật Bà Quan Âm đã nhiều lần hiển linh, ban phước lành cho chùa cũng như bà con nhân dân. Bản thân nhà sư cũng như các Phật tử và người dân đã gặp rất nhiều chuyện linh thiêng, ly kì đến không thể giải thích được.
Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể thì nhà sư từ chối kể chi tiết vì sợ nói ra sẽ không được khách quan. Đồng thời, vị trụ trì cũng ngỏ ý giới thiệu một số Phật tử và người dân xung quanh để phóng viên gặp gỡ trò chuyện.
Theo lời giới thiệu, tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Sí (66 tuổi, ngụ tại địa phương). Khi được hỏi về những chuyện linh thiêng liên quan đến tượng Phật Bà, bà Sí gương mặt đang tự nhiên bỗng tỏ ra hết sức nghiêm túc, cho biết chính bản thân mình đã từng được Phật Bà hiển linh cứu giúp.
Theo đó, bà Sí có một người con gái 37 tuổi, 2 năm trước bị đau thần kinh tọa, ban đầu uống thuốc thì bớt nhưng sau đó bệnh tái phát trở lại, thuốc thang mãi vẫn không khỏi. Đầu năm 2015, bà Sí thấy con gái bị bệnh tật hành hạ, lòng vô cùng thương xót, liền lên chùa cầu cứu Phật bà Quan Âm.
“Tôi lên chùa thắp hương, khẩn miệng, nói rõ tên tuổi, quê quán rồi trình bày chuyện mình có đứa con gái bị bệnh nhưng chữa không bớt. Sau đó vài ngày, tôi được Phật bà báo mộng, căn dặn rằng hãy đi chặt 4 loại cây để về sắc cho con gái uống thì bệnh sẽ khỏi. Tôi làm theo và con gái tôi uống thuốc sắc từ 4 loại cây đó được chừng 10 ngày thì bớt đau”, bà Sí kể lại.
Khi thấy con gái mình bớt bệnh, bà Sí đã chia sẻ “bài thuốc” đó với một người phụ nữ khác trong thôn cũng mắc bệnh giống như con gái mình, kết quả là người này cũng được khỏi bệnh. Bà Sí cho biết, chẳng những con gái của bà mà rất nhiều người đã được khỏi được khỏi bệnh nhờ phép màu của Bồ Tát Quan Âm.
Bà Sí kể về những chuyện ly kỳ về tượng Phật bà bằng gỗ |
Theo lời người dân, những người bị ốm đau bệnh tật chỉ cần mang chai nước lọc đến chùa, đặt dưới chân tượng Quan Âm và cầu khấn. Nhờ uống “nước thiêng” mà rất nhiều người đã được khỏi bệnh.
Ngoài bà Sí, nhiều Phật tử khác cũng cho rằng mình từng được Phật bà cứu giúp, một trong số đó là ông Lê Văn Hồng (66 tuổi, TP.Tuy Hòa). Ông Hồng kể, cách đây khoảng 2 năm, lúc làm việc, ông bị một bao nặng 50kg từ trên cao rơi trúng ngay vai phải, bị bại tay, không thể vận động được. Ông đi khám bác sĩ nhiều lần nhưng không tìm ra được cách chữa trị tận gốc.
Sau đó, ông Hồng về chùa Thanh Lương cầu khấn Phật Bà, mong phép nhiệm màu sẽ đến với mình. Ông Hồng khấn cầu được 3 lần thì vai không còn đau nữa, có thể vận động bình thường. Sau ngày được khỏi bệnh nhờ “phép màu”, ông Hồng đã chiêm nghiệm ra nhiều điều và đến tháng 3/2014 ông quyết định về sống ở chùa, ngày ngày niệm kinh, làm công đức, ngót nghét đã 2 năm nay.
“Thần bảo hộ” của làng chài
Ngư dân quanh chùa cho rằng, Phật Bà Quan Âm chẳng những chữa được bách bệnh mà còn phù hộ độ trì, cuộc sống được bình yên, làm ăn khấm khá. Ông Tánh cho biết, từ thời điểm năm 2004 trở về trước, vùng biển An Chấn hầu như năm nào cũng có người chết biển. Cùng với đó, tàu thuyền ra khơi đánh bắt cá thường gặp nhiều bất trắc, như hư ghe, lật thuyền.
Việc ra khơi đánh bắt của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, cuộc sống vậy cũng chẳng được no ấm. Còn bây giờ, đời sống người dân ngày một phát triển, từ nghèo khó, nhiều ngư dân đã vươn lên làm giàu, xây nhà lầu sắm xe hơi, không ít người trở thành tỉ phú. Gia đình ông Tánh trước đây nghèo khó nhưng sau này đã khá hơn rất nhiều.
Lý giải cho sự thay da đổi thịt đó, ngư dân An Chấn nhắc đến những câu chuyện li kì đậm chất tâm linh. Theo đó, nhờ Phật Bà linh thiêng đã dang tay che chở, không ít lần khiến nhiều cơn bão lớn phải “né tránh” vùng biển Phú Yên.
Tháng 11/2013, cơn bão Hải Yến, một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, đổ bộ vào Philippines khiến hơn 5.200 người thiệt mạng và sau đó tiến vào biển Đông. Theo dự đoán ban đầu, cơn bão có sức hủy diệt khủng khiếp này sẽ tiến và miền Trung nước ta, trong đó có Phú Yên.
Tuy nhiên, khi đã vào biển Đông, bão bất ngờ chuyển hướng về khu vực Vịnh Bắc Bộ, suy yếu trước khi vào đất liền. Theo người dân địa phương nguyên nhân làm cơn bão kia phải đổi hướng chính là sức mạnh vô hình ngự tại chùa Thanh Lương, tức Phật bà Quan Âm.
Hơn một năm sau, vào tháng 12/2014, cơn bão mang tên Hagupit lại tiến vào biển Đông sau khi tàn phá khu vực miền đông Philippines. Người dân vùng biển An Chấn khi đó vô cùng lo lắng, bởi theo dự báo ban đầu thì sẽ có ba khả năng xảy ra. Trong đó, có khả năng bão tiếp tục di chuyển nhanh hơn và đi vào vùng biển Nam Trung Bộ, khu vực Phú Yên - Bình Thuận.
“Ban đầu xem dự báo thời tiết thì bão như muốn đi thẳng vào Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng sau đó thì đi theo hướng Tây Nam, suy yếu dần rồi đi vào Ninh Thuận, Bình Thuận. Thấy nhiều cơn bão chuyển hướng khỏi Phú Yên nên bà con càng tin là mình được Phật Bà che chở”, ông Tánh tâm sự.
Cũng như ông Tánh, ông Nguyễn Ngọc Lâm (65 tuổi, thôn Mỹ Quang Bắc) cũng tin rằng ngư dân trong vùng được Phật Bà Quan Âm phù hộ, giúp “xua đuổi giông bão”. Theo ông Lâm, vùng biển xã An Chấn nói riêng và Phú Yên nói chung nhiều lần thoát khỏi bão một cách kì lạ, còn nếu bão có đổ bộ vào địa phương thì cũng không gây thiệt hại mấy. Đặc biệt là từ năm 2004 đến nay không có người chết biển.
“Vài năm trước có cơn bão vào, một chiếc ghe của ngư dân đã bị chìm. Nguyên nhân không phải là do bị lật, hay sóng đánh vỡ mà là do mưa to và kéo dài làm ghe đựng nhiều nước nhưng sóng lớn, bà con không thể ra tát được. Ngoài trường hợp đó ra thì không có vụ tai nạn ghe thuyền nào, con em trong vùng đi biển đều bình an”, ông Lâm kể.
Theo ông Lâm, Phật Bà Quan Âm chẳng những che chở cho dân trong vùng mà còn cứu giúp cho bất cứ ai gặp hoạn nạn. Cách đây vài năm, có một người đàn ông ở xa tới chùa cầu khấn Phật Bà. Ông này nuôi tôm nhưng đợt đó gặp phải dịch bệnh, tôm chết rất nhiều mà chẳng có cách nào ngăn chặn. Ông ta cầu xin Phật Bà ban phép màu vào chai nước lọc và sau đó mang chai nước về đổ xuống hồ. Điều kì lạ xảy ra khi tôm thôi bị chết, ông này vì thế đã gỡ gạc được phần nào, không bị rơi vào cảnh trắng tay nợ nần.
Tín ngưỡng đặc trưng miền biển
Coi tượng như “vị thần bảo hộ” nên cách đây 4 năm, khi một doanh nghiệp muốn sử dụng tượng cho mục đích phục vụ kinh doanh du lịch, đông đảo Phật tử bà con trong thôn tỏ thái độ phản đối.
“Bà con tin rằng tượng Phật Bà Quan Âm nổi lên ở vùng biển địa phương là có nguyên do, đó là Phật muốn được thỉnh về chùa Thanh Lương. Mọi người đều chung suy nghĩ, Phật Bà được thờ tại chùa thì sẽ phù hộ cho dân làng, đem đến những điều tốt đẹp cho con dân, vì vậy không ai muốn Phật Bà bị đưa đi nơi khác”, một Phật tử cho biết.
Một góc chùa Thanh Lương |
Bà Trần Thị Thanh Tuyết (Trưởng thôn Mỹ Quang Nam) xác nhận, năm 2004, bà con ngư dân trong thôn phát hiện và đưa tượng Phật bà Quan Âm từ biển về chùa Thanh Lương. Sự việc khi đó đã được báo lên chính quyền địa phương, vì đó là nguyện vọng của đông đảo bà con nên chính quyền tôn trọng. Sau đó thời gian, bức tượng được nhiều người biết và tìm đến chiêm bái. Theo thời gian, những câu chuyện linh thiêng về bức tượng cũng lần lượt ra đời.
Về những câu chuyện ly kỳ xoay quanh tượng Phật bà Quan Âm, bà Tuyết cho rằng đó là niềm tin của cư dân, một nét văn hóa của ngư dân địa phương và hầu hết các vùng biển khác trên mọi miền đất nước. Trong những câu chuyện truyền miệng ở làng chài, có nhiều chuyện đậm chất huyền hoặc, tuy nhiên nhiều câu chuyện gắn liền với sự thật khách quan. Như việc có nhiều cơn bão đã chuyển hướng khỏi vùng biển Phú Yên, hay việc những năm gần đây, ngư dân ít khi bị thiệt hại trong việc đi biển như trước kia, đời sống ngày một đi lên.
Về mặt khoa học, chuyện bão chuyển hướng là hiện tượng bình thường, hay việc ngư dân ít gặp nạn là bởi họ đã cẩn trọng hơn trong việc đi biển, kịp thời tránh trú bão. Hơn nữa, việc dự báo bão và công tác tuyên truyền cho ngư dân trong mùa bão lũ cũng được thực hiện tốt hơn, tàu thuyền và trang thiết bị đánh bắt cá, thông tin liên lạc cũng hiện đại hơn, giúp ngư dân ứng phó kịp thời trước thiên tai và việc đánh bắt cũng mang hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, bà Tuyết cũng thừa nhận rằng, từ khi vớt được tượng Phật bà Quan Âm, người dân trong thôn ai nấy đều an tâm làm ăn sinh sống, tinh thần vững vàng mỗi chuyến ra khơi. Hầu như người dân đều ít nhiều tin rằng tượng Phật bà Quan Âm đang được thờ phụng ở chùa Thanh Lương vô cùng linh thiêng. Mọi người dù là ai thì khi về chùa, đứng trước tượng Phật bà cũng đều mang những ước mong tốt đẹp cho bản thân, gia đình, quê hương./.