Mối lo trẻ nghiện game mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nghỉ hè, lại trùng thời điểm giãn cách do COVID-19, nhiều trẻ ở nhà đã nghiện các trò chơi trên điện thoại thông minh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bất lực vì con nghiện game

Trong những ngày giãn cách này, mối lo lớn nhất của chị Cao Mỹ Lan, ngụ ở phường Trường Thọ, Thủ Đức, TP.HCM không phải chuyện thực phẩm hay dịch bệnh mà là chuyện con trai mới lớn nghiện game.

Con trai năm nay lên lớp 9. Đáng ra thời điểm này các năm trước, anh chị đã “thưởng” cho con một chuyến du lịch biển, sau đó cháu được nửa tháng về ở với ông bà ở miền Tây để “xả hơi” sau những ngày học tập căng thẳng. Nhưng do dịch bệnh, giãn cách, cả gia đình năm nay chỉ ở trong nhà.

Căn chung cư 70m2 với hai phòng ngủ, ban công, phòng khách, bình thường cũng là chốn sinh hoạt khá ổn cho cả nhà bốn người, nhưng giờ đây lại trở nên bí bách. Cậu bé chỉ biết lên mạng, xem Youtube, chơi game.

Ban đầu, chị cũng nghĩ con không có gì giải trí, cho con chơi thoải mái tí cũng được. Không ngờ cậu nhóc trở nên nghiện. Không dành thời gian chơi với em gái, cũng không dành thời gian ôn bài vở, cậu bé chỉ suốt ngày đóng cửa trong phòng luyện game online với một nhóm bạn cùng lớp.

Thấy tình hình không ổn, anh chị khuyên mãi, con không nghe. Đỉnh điểm là hai hôm trước, chị cấm không cho con chơi game nữa, cậu bé nổi loạn, chốt cửa phòng, bỏ bữa, cha mẹ gọi mấy cũng không ra. Bất lực, chị gọi điện đến cô giáo chủ nhiệm cũ, rồi gọi cả chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm cách “kéo” con trở về với đời sống bình thường.

Không hiếm trường hợp trẻ nghiện game trong mùa giãn cách. Mới đây, một phụ huynh “than trời” vì con dùng ipad của mình chơi game, dùng thẻ của người cha cài sẵn trên máy để mua vật phẩm game hết gần 4 triệu đồng. Phụ huynh phát hiện lập tức liên hệ phía ngân hàng và nhà phát hành game nhưng không lấy lại được tiền.

Cũng đã xảy ra không ít bi kịch từ việc học sinh nghiện game. Những vụ trộm cắp, cướp giật, thậm chí sát hại người quen, người thân cũng chỉ vì “lên cơn” nghiện game không kiểm soát được.

Làm sao để “cai nghiện” game?

Để con sa đà vào nghiện game, trách nhiệm đầu tiên có lẽ thuộc về cha mẹ. Bởi, trẻ đã trải qua một quá trình bắt đầu chơi, thời gian chơi tăng dần rồi mới đến trở thành “con nghiện”. Cả một quá trình ấy, cha mẹ đã có thể phát hiện và giúp con thoát khỏi game, nếu có sự quan tâm, để mắt. Chính sự chủ quan, đôi khi cả “tặc lưỡi”, thiếu quan tâm của cha mẹ đã dẫn đến hậu quả nặng nề.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên: “Đúng là thời điểm dịch, giãn cách, trẻ nghỉ học, con trẻ rất dễ nghiện smart phone, nghiện trò chơi điện tử. Thực sự thông cảm cho sự thiệt thòi của con trẻ trong thời điểm này. Làm trẻ con mà không được vui chơi giải trí đúng nghĩa, không được chơi đùa với bạn bè, chỉ quanh quẩn ở nhà.

Hiểu được sự thiệt thòi của con, cha mẹ không nên “bù đắp” cho con sử dụng máy tính, điện thoại thông minh “thả cửa”, cũng không nên cho con dùng để bản thân “rảnh tay”, vì như thế dễ dẫn đến hệ lụy con nghiện mạng xã hội, nghiện game. Hậu quả không chỉ dừng ở mùa dịch, mà còn kéo dài về sau.

Thay vào đó, cần dành cho con trẻ nhiều thời gian hơn, dùng nhiều hoạt động để kết nối các thành viên gia đình với nhau. Thiết lập một lịch sinh hoạt cụ thể, lành mạnh cho cả gia đình như giờ tập thể dục buổi sáng, giờ cùng nhau nấu ăn, giờ cùng nhau xem phim, vui chơi giải trí... Sử dụng điện thoại cũng được, nhưng phải có giờ giấc cụ thể và kiểm soát những gì con đang xem, chơi trên điện thoại.

Nếu con đã nghiện game, đừng chửi bới, mắng mỏ, cấm đoán ầm ĩ, cần thống nhất giữa cha và mẹ phương pháp “kéo” con ra khỏi game. Cần có buổi ngồi nói chuyện rõ ràng với con về tác hại của nghiện game, đồng thời áp dụng những hình thức kể trên, có lịch sinh hoạt chung của gia đình, tạo cho con nhiều thú vui giải trí lành mạnh để con phân tán suy nghĩ hướng về các trò chơi điện tử. Kiên trì, nhẫn nại và cảm thông là cách để cha mẹ dẫn kéo con ra khỏi bóng tối của cơn nghiện trò chơi điện tử”.

Đọc thêm