Mỗi năm có 4.000 thuyền viên Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

(PLVN) - Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo vừa đánh giá về hoạt động đưa người lao động thuộc các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc trên tàu cá nước ngoài.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại diện 20 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên đi làm việc trên các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc, 8 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương ven biển Miền trung, các huyện có các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định đã cùng đánh giá về thực trạng tình hình hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc trên tàu cá nước ngoài.  

Việt Nam bắt đầu đưa thuyền viên đi làm việc trên tàu cá nước ngoài năm 1992, đến nay đã có gần 40 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên tàu cá. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm có 4.000 thuyền viên Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có gần 1.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển vào hải đảo. Hiện có gần 12.000 lao động Việt Nam đi làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài. Thị trường tiếp nhận chủ yếu là Hàn Quốc (9.400 thuyền viên) và Đài Loan (2.300 thuyền viên). Phần lớn người lao động làm công việc nuôi trồng hải sản và đánh bắt trên các tàu cá ven biển Hàn Quốc, Đài Loan ( 9.000 lao động, chiếm 75% tổng số), số còn lại làm việc trên các tàu cá xa bờ ở các vùng biển quốc tế.

Địa bàn tuyển chọn thuyền viên chủ yếu là các địa phương ven biển Miền Trung bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... 

Về chất lượng lao động, thuyền viên Việt Nam được đánh giá có tay nghề tốt, chăm chỉ và tiếp thu nhanh nên được các chủ tàu tín nhiệm.  

Tuy nhiên, theo đánh giá, thị trường tiếp nhận thuyền viên tàu cá chưa được mở rộng, chủ yếu vẫn là Đài Loan, Hàn Quốc, ngoài ra Nhật Bản và Hawaii (Mỹ) có tiếp nhận với số lượng ít. Đây cũng được coi là một nghề nặng nhọc và nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các thuyền viên tàu cá xa bờ.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động, tạo điều kiện thuân lợi cho người lao động đi làm thuyền viên tàu cá; hỗ trợ người lao động hồi hương, tái hòa nhập thị trường lao động trong nước sau khi hoàn thành hợp đồng.

Đọc thêm