Tai nạn, thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và kéo dài suốt cuộc đời trẻ.
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm khiến nhiều học sinh thiệt mạng oan uổng. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, đối với trẻ trong độ tuổi từ 0-19, trung bình mỗi ngày có 10 trẻ em và người chưa thành niên bị chết đuối.
Tại cuộc họp báo Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 diễn ra sáng qua (25/5) với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em” đã nhấn mạnh đến quyền sống của trẻ em – quyền cơ bản hàng đầu để từ đó thực hiện các quyền khác.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, trước tình hình xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước, điện giật gây tử vong cho trẻ em mấy tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 641 và Chỉ thị số 17 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh và trẻ em và Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có 6 văn bản chỉ đạo gửi các cơ quan, ban ngành, địa phương về phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
“Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước, đó là do điều kiện tự nhiên của địa phương nhiều ao hồ, vùng sông nước; sự quan tâm đến công tác trẻ em ở các địa phương chưa sâu sát, triệt để; ý thức của gia đình và bản thân trẻ em” theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan.
Để ngăn chặn tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước cho trẻ em nói riêng, vai trò của gia đình và cộng đồng là rất quan trọng, bởi hai nhân tố này có sự sâu sát và gần gũi nhất với trẻ em.
“Điều kiện tự nhiên ở Việt Nam vốn rất nhiều ao hồ, sông nước, nên vai trò và ý thức của gia đình trong việc dạy bơi cho trẻ em rất quan trọng. Câu chuyện của gia đình nữ vận động viên bơi lội hàng đầu Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên cho thấy, vì sống trong khu vực nhiều ao hồ nên ngay từ nhỏ Ánh Viên đã được ông nội dạy bơi và cũng từ đó phát hiện ra năng khiếu của cháu. Sự quan tâm của gia đình và xã hội sẽ biến môi trường hiểm họa thành tiềm năng, đó là điều rất nên làm” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em -Bộ LĐ,TB&XH Đặng Hoa Nam đã nhấn mạnh.