Mỗi ngày có ít nhất 2 người tử vong vì tai nạn lao động

(PLO) - Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra tại 69 DN và một số công trình xây dựng về ATVSLĐ. Bên cạnh đó các Bộ, ngành cũng đều tăng cường các đoàn thanh kiểm tra và tự kiểm tra tại một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. TP Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra 60 DN trên địa bàn. 
Lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực đứng đầu xảy ra nhiều vụ TNLĐ và ngã từ trên cao xuống là yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất. Ảnh minh họa.
Lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực đứng đầu xảy ra nhiều vụ TNLĐ và ngã từ trên cao xuống là yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo Bộ LĐTB&XH công bố tại buổi họp báo “Thông tin về Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất năm 2017” diễn ra ngày 24/4, năm 2016 toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ với 862 người chết, gây thiệt hại về vật chất 171,63 tỷ đồng tiền thuốc, bồi thường, mai táng, 7,8 tỷ đồng thiệt hại về tài sản.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, lĩnh vực xây dựng vẫn là lĩnh vực đứng đầu xảy ra nhiều vụ TNLĐ. Phân tích các nguyên nhân để xảy ra TNLĐ chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm đa số 42,1%, nguyên nhân do người lao động chiếm 17,3%, còn lại 40,6% là do các nguyên nhân khác.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, các DN để xảy ra TNLĐ thường né tránh việc báo cáo, hoặc DN không để xảy ra TNLĐ cũng không quan tâm đến việc báo cáo,  nhưng so với các năm trước thì con số này đã tăng hơn rất nhiều. “Trong thời gian tới đây bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, thì các bên hữu quan cần chung tay hơn nữa để con số DN báo cáo về TNLĐ tăng lên, qua đó cơ quan quản lý nắm được và có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời” – ông Thắng nhấn mạnh.

Trong tháng 4 và 5, Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra tại 69 DN và một số công trình xây dựng về ATVSLĐ. Bên cạnh đó các Bộ, ngành cũng đều tăng cường các đoàn thanh kiểm tra và tự kiểm tra tại một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. TP Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra 60 DN trên địa bàn. 

Nhưng có một thực tế là đẩy mạnh công tác thanh tra, xử phạt không có nghĩa là công tác xử lý cũng đẩy mạnh rốt ráo hơn bởi theo ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH “mặc dù việc xử phạt DN vi phạm ATVSLĐ năm 2016 cao gấp 4 lần các năm trước, nhưng bên cạnh việc rất khó thanh tra trong khu vực ngoài quan hệ lao động, thì việc xử phạt vẫn mang tính răn đe là chính vì DN… mắc quá nhiều lỗi (DN mắc ít nhất cũng là 7 lỗi, nhiều tới 23 lỗi) nên phạt nặng thì DN khó tồn tại”. 

Nhận thức rõ vai trò của công tác ATVSLĐ, sau 18 năm tổ chức Tuần lễ ATVSLĐ, bắt đầu từ năm nay Việt Nam sẽ có Tháng hành động ATVSLĐ vào tháng 5 hàng năm. TP Hà Nội đăng cai Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ sẽ được tổ chức vào ngày 6/5/2017 tại Cung Văn hóa Hữu nghị. 

Đọc thêm