Mối tình son sắt của “đệ nhất danh cầm” Nguyễn Vĩnh Bảo

(PLVN) - Cố giáo sư Trần Văn Khê từng đánh giá nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “hậu tổ đờn ca tài tử Nam bộ” và gọi là “đệ nhất danh cầm”. Ông là người duy nhất ở Việt Nam vừa là nhạc sư trình tấu, vừa là nhạc sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19, 21 dây. Và, ít ai biết rằng, vị nhạc sư vừa rời “cõi tạm” có chuyện tình “khắc cốt ghi tâm” với người vợ hiền của mình.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Chuyện tình “khắc cốt ghi tâm”

Sau nhiều tháng chống chọi với bệnh của tuổi già, tối 7/1, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1918 tại xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, hưởng thọ 103 tuổi.

Nghe tin ông mất, tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM) nói: “Vậy là thầy đã được hội ngộ cô - người bạn đời yêu dấu”. 5 năm làm học trò ông, tiến sĩ Phước vẫn hằng ngưỡng mộ chuyện tình trải dài hơn tám thập niên của nhạc sư và bạn đời Trâm Anh.

Sinh thời, mỗi lần nhắc đến người vợ quá cố, đôi mắt nhạc sư ánh lên niềm hạnh phúc khi hồi tưởng cuộc tao ngộ định mệnh. Ngày đó, ông 16 tuổi, còn Trâm Anh 12. Bà được một người dì thứ tám nhận về nuôi, cho đi học tiểu học nữ ở Mỹ Trà. Một lần, ôm cây măng cầm (mandoline) đến nhà người dì đờn cho vợ chồng họ nghe, ông gặp bà và lập tức “say nắng”.

Nhạc sư từng nói về ấn tượng ở cuộc gặp gỡ đầu tiên với bà Trâm Anh rằng: “Lần đầu tiên tôi gặp cô gái ấy, cô mặc chiếc áo thêu trắng xinh xắn, dáng điệu dịu dàng thùy mị. Gương mặt thanh tú, đôi mắt to, đen như luôn dò hỏi, trông thật ngây thơ mà đầy tình cảm ân cần. Khi chào tôi, cô mỉm cười thật xinh, gương mặt bừng sáng. Nụ cười ấy làm tôi muốn chao đảo, dường như trong lòng tôi đang có một cung đờn rung lên một cách êm ả, diệu kỳ... Tôi biết cô tên Nguyễn Thị Trâm Anh, con ông bà Huyện Ngự, gốc ở Bình Dương nhưng về Sóc Trăng làm việc…”. (trích sách “Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời”, NXB Hội nhà văn, 2020).

 

Nhưng bà chỉ ở nhà dì tầm một năm rồi về với cha mẹ ở Sóc Trăng. Có lần, nhớ người trong mộng quay quắt, ông đón xe đò xuống quê bà. Đứng ở cầu quay Sóc Trăng, ông chờ hàng giờ, nhìn học sinh lần lượt đi qua mà không thấy bóng dáng bà đâu, đành thất thểu quay về.

Năm 1946 - sau 12 năm, Nguyễn Vĩnh Bảo lúc này đã là một tay đàn lẫy lừng từ Sài Gòn về thăm quê cha ở Đồng Tháp. Vẫn ôm mối tình vô vọng thời niên thiếu, khi gặp người quen, ông bâng quơ hỏi thăm về Trâm Anh, được cho biết bà vẫn còn độc thân ở quê nhà. 

Nghe vậy, ông quyết liều một phen, về nhà nhờ gia đình mang trầu cau dạm hỏi. Phút giây cha mẹ bà gật đầu đồng ý, ông miệng cười mà nước mắt tuôn rơi. Nhạc sư không dám tin từ nay sẽ sống bên người con gái ông ngỡ đã đánh mất. Một đám cưới nhỏ được tổ chức ngay trong năm.

Khi lấy nhau về, tình yêu ông dành cho bà vẫn đong đầy như thuở mới gặp. Ông thường trêu vợ để chọc bà cười. Có lần, ông được mời thuyết trình. Bà hỏi ông có đi không, ông tỉnh bơ: “Không đi, bà hôn một cái tôi mới đi”. 

7 người con ra đời đều được ông đặt theo tên vợ: Thu Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh. Dù trải qua bao thời cuộc thăng trầm, nhạc sư chưa bao giờ để vợ mưu sinh vất vả. Ông luôn là trụ cột chính cho gia đình.

Những năm cuối đời của vợ, nhạc sư không rời bà nửa bước. Lúc ấy, bà bị suy thận, phải nhập viện điều trị. Ông thường nằm bên bà để vợ bớt lẻ loi, hai cái giường chỉ cách nhau nửa gang tay. Đến khuya, bà than lạnh, ông liền leo qua nằm chung. Chứng thận yếu khiến người bà hay ngứa ngáy, phải nhờ ông gãi suốt đêm, bà mới êm giấc. Những tháng cuối cùng, biết mình khó qua khỏi, bà lần đầu tiên chủ động ôm hôn chồng. Mỗi lần muốn hôn, bà cố gượng dậy nhưng lực bất tòng tâm. Thấy cảnh đó, lòng ông đau như cắt.

Bà mất trong một chiều mùa thu năm 2014. Trong đám tang bà, ông không còn nước mắt để khóc, chỉ viết bài thơ tiễn biệt vợ: “Chiều nay em vĩnh viễn ra đi/ Tim anh rỉ máu phút biệt ly/ Sáu tám năm, nặng nghĩa sâu/ Đơn phương cởi áo qua cầu mình em…/ Từ nay lạnh lẽo kiếp phù sinh/ Biết nói gì đây hết ý tình/ Chuyến xe định mạng, đành an phận/ Bấm ruột, lệ rơi chỉ riêng mình”.

“Đệ nhất danh cầm”

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ra trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Từ lúc 5 tuổi, ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Từ năm 1955 - 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là Trưởng ban Nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP HCM).

Ông là người duy nhất ở Việt Nam vừa là nhạc sư trình tấu, vừa là nhạc sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19, 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Nhạc sư sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Campuchia để giảng dạy nhạc tài tử Nam bộ tại tư gia hoặc qua internet cho học trò thuộc nhiều quốc tịch trên thế giới.

Ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) năm 2006.

Cố giáo sư Trần Văn Khê từng đánh giá nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “hậu tổ đờn ca tài tử Nam bộ” và gọi là “đệ nhất danh cầm”. “Chưa từng nghe ngón đờn tranh nào hay hơn ngón đờn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đờn liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị”, cố giáo sư Khê từng nói.

Lúc sinh thời, dù hơn 100 tuổi nhưng ngón đờn của nhạc sư vẫn điệu nghệ, trầm bổng, du dương, cuốn hút người mộ điệu. Tiếng đờn ấy còn là tiếng lòng của vị nhạc sư ngoài trăm tuổi. Tiến sĩ Phước từng có hai câu thơ nói về tiếng đờn của thầy mình như sau: “Nhạc quyện vào hồn, hồn thành nhạc/ Hồn nương tiếng nhạc, nhạc hóa hồn”. 

“Nhạc sư là người trải nghiệm đầy đủ những thịnh suy của đờn ca tài tử Nam bộ và nghệ thuật cải lương từ thuở mới hình thành. Tính từ khi bắt đầu học đờn cho đến ngày tạ thế, trong làng cổ nhạc miền Nam, nhạc sư là người chơi nhạc có tuổi nghề cao nhất. Các nhạc sư thuộc thế hệ khởi đầu của cải lương đều đã về với tổ nghiệp từ lâu. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là nhân chứng sống duy nhất của giai đoạn lịch sử này ở đầu thế kỷ XXI”, tiến sĩ Phước cho biết.

Nhắc về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nghệ sĩ ưu tú Văn Hai rưng rưng: “Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã chơi đờn và dạy đờn đến hơi thở cuối cùng. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, chúng tôi đến thăm, nhạc sư vẫn nói chuyện và gửi gắm về cổ nhạc miền Nam. Tầm ảnh hưởng của nhạc sư không chỉ đối với dân trong nghề nhạc, bởi trong vô số học trò của nhạc sư có rất nhiều người không sống bằng nghề liên quan đến âm nhạc”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2015)… Năm 2008, ông được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và văn học bậc Officier. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tặng ông bằng khen cho công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đọc thêm