Anh Dũng cho biết, những bức tượng này được ngư dân trục vớt ở các vùng biển. Vì là người ham sưu tầm cổ vật nên anh Dũng không ngần ngại mua lại những bức tượng này với giá khá cao. Ngoài những bức tượng bằng vàng, đồng còn nhiều món cổ vật khác anh đã nhờ chuyên gia thẩm định nhưng chưa ai có thể xác định chính xác chất liệu.
Bức tượng đổi màu theo môi trường
Một trong số đó là bức tượng thần voi Ganesha voi, nặng 21kg, cao khoảng 70 - 80cm, phía sau tượng có ghi dòng chữ “Đại Minh Vĩnh Lạc niên chế” viết bằng chữ Hán. Theo dòng Hán tự trên thì tượng thần voi này được đúc thời đại Nhà Minh (Trung Quốc), niên hiệu Vĩnh Lạc. Căn cứ theo sử liệu, niên hiệu Vĩnh Lạc kéo dài từ năm 1403 – 1424 dưới thời trị vì của Vua Minh Thành Tổ. Từ đó, cho thấy bức tượng này có niên đại khoảng 600 năm.
Tượng thần voi Ganesha được xem là phúc thần của Ấn Độ, là hiện thân của trí tuệ và đáp ứng các điều may mắn, cát tường. Vì vậy, đây là một trong những vị thần được sùng bái nhất đạo Hinđu. Đồng thời, vị thần này được thờ cúng phổ biến ở một số nước Đông Nam Á.
Tại nhà anh Dũng còn có tượng đồng Phật Thích Ca thời Đại Minh Tuyên Đức cũng có niên đại khoảng 600 năm (niên hiệu Tuyên Đức thời nhà Minh, Trung Quốc kéo dài từ năm 1426 – 1435). Tượng nặng 7kg, cao khoảng 60cm, đường kính từ 25 – 30cm. Điểm đặc biệt của tượng này là trên áo có 108 vị Phật nhỏ được khắc nổi, sắc nét tạo thêm nét uy nghi, trang nghiêm.
Nói về nguồn gốc của những bức tượng, anh Dũng cho biết được tìm thấy ở vùng biển Trà Vinh, tuy rỗng ruột nhưng lại có trọng lượng rất nặng. Tượng Phật A Di Đà là bức tượng nặng nhất mà anh Dũng sở hữu, có trọng lượng khoảng 31kg. Hiện tại vẫn chưa biết rõ chất liệu đúc tượng, chỉ biết nhận định đây là một tượng cổ của người Việt xưa.
Lấy từ trong tủ ra hai tượng Phật nhỏ nặng hơn 500gram, anh Dũng cho biết, là hai tượng Phật Đôn Hoàng (Trung Quốc), bên dưới tượng có ghi hai chữ Hán “Kim túc”. Các bức tượng này có những đặc tính kỳ lạ khiến cho giới chơi đồ cổ từng một thời gian xôn xao.
Bức tượng có khả năng đổi màu, ở những môi trường khác nhau sẽ có màu khác nhau. Khi để vào nước đá, tượng “ăn” nước đá rất nhanh và có màu vàng nhạt hơn khi để trong môi trường bình thường. Nếu dùng lửa đốt sẽ cho ra màu đỏ vàng như vàng 24k, đốt qua đèn gió đá với nhiệt độ cao sẽ chuyển thành màu tím nho và trong veo rất đẹp.
Tuy chưa xác định chính xác chất liệu của hai pho tượng này, nhưng khi anh Dũng dùng máy kiểm tra kim cương thử vào tượng thì nó phát ra tiếng kêu như lúc chúng ta thử chất liệu kim cương tự nhiên.
Bộ sưu tập đa dạng
Ngoài những bức tượng được điêu khắc tỉ mỉ, đường nét sắc sảo, hoa văn mang đậm nét văn hóa cổ xưa như trên, trong bộ sưu tập của anh Dũng còn một số món thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau như ấn Tam Dương Khai Thái có hình 3 con dê bằng vàng nặng khoảng 1kg. Đó là món đồ cổ của người Hoa.
Biểu tượng 3 con dê đứng chung với nhau nhưng mỗi con sẽ có một tư thế đứng khác nhau. Dấu ấn được khắc phía dưới mỗi con cũng không giống nhau. Theo các chuyên gia phong thủy thì vào dịp đầu năm, người ta trưng ấn Tam Dương sẽ giúp gia chủ có một năm may mắn, thuận lợi, gặp được quý nhân, tránh kẻ tiểu nhân.
Bên cạnh đó còn có tượng Thích Ca bắt ấn xúc địa, nặng khoảng 900g là đồ cổ của người Khơme rất độc đáo. Tượng ngồi, đầu và ngực ưỡn ra trước, lòng bàn tay trái hướng lên trên, đặt ngang bụng, tay phải chỉ xuống, những ngón tay duỗi ra chạm đất. Ấn xúc địa là ấn quyết mà Phật Thích Ca gọi thổ địa minh chứng việc mình tu thành Phật quả và cũng là dấu hiệu của sự không lay chuyển.
Một bức tượng Phật khác có màu vàng chỉ cao 30cm, ngang 12 cm, đường kính 6cm nhưng nặng gần 10kg. Đây là bức tượng được cho rằng thuộc triều đại Bắc Ngụy (Trung Quốc). Nếu thực như vậy thì bức tượng này có niên đại khoảng 1.500 năm.
Ngoài ra, anh Dũng còn lưu giữ tượng Phật bằng đá của văn hóa Óc Eo nặng khoảng 700kg cũng không kém phần cuốn hút giới nghiên cứu cổ vật. Được biết, nền văn hóa Óc Eo tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Không những thế, anh Dũng còn có hòn đá nghi - thiên thạch, được trục vớt ở biển Kiên Giang. Một số người nhận định chất liệu của viên đá này rất giống với chất liệu bạch kim vì khi đem thử trong môi trường axit mà không xảy ra bất kì phản ứng hóa học nào.
Những món đồ cổ trên không chỉ mang giá trị về mặt tâm linh, mà còn là dấu tích của lịch sử và văn hóa một thời mà các nhà khảo cổ và giới chơi cổ vật không ngừng sưu tầm, nghiên cứu, tìm kiếm.
Bức tượng thần Ganesha có hình dáng mình người đầu voi với chiếc vòi dài, mặt nghiêm nghị. Thần có 4 cánh tay, tay trái phía trước cầm thỏi vàng.