“Món nợ” với người lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 23/5, trong Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội và đại diện công nhân, lao động Thủ đô, nhiều ý kiến đề nghị TP quan tâm đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về điều kiện mua, thuê mua, chính sách vay vốn với NƠXH. “Rất nhiều người lao động có nhu cầu về NƠXH nhưng trên địa bàn TP không còn để mua”, một ý kiến nêu rõ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại diện UBND TP trả lời rất thẳng thắn: “Chúng ta phải hết sức thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại việc triển khai NƠXH. Rõ ràng, Hà Nội triển khai việc này còn chậm”. Để tình trạng này xảy ra, ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì “lỗi của chúng ta, lỗi của lãnh đạo TP, UBND TP và các sở, ngành, quận, huyện”, bởi kế hoạch, chương trình có rồi nhưng triển khai rất chậm.

Đại diện UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan trong năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công cho được các khu NƠXH theo kế hoạch: “Đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là “món nợ”, cần phải xác định đây là “món nợ” với người lao động, công nhân của TP”.

Chỉ ít tiếng đồng hồ sau đó, 0h30 ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà ở quận Cầu Giấy. Hỏa hoạn khiến 14 người tử vong, trong đó có 2 người trong gia đình chủ nhà, 12 người thuê trọ; 6 người bị thương. Sau vụ cháy “chung cư mini” tại quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong vào tháng 9/2023, một lần nữa Hà Nội lại chìm trong bi thương, cũng vì hỏa hoạn.

Ngôi nhà cháy là ngôi nhà cũ, được cải tạo thành nhiều phòng cho thuê, cầu thang bộ chật hẹp, cánh cửa phòng làm bằng gỗ, nan chớp nên khi lửa bùng lên khí nóng xộc thẳng vào các phòng. Các nạn nhân phần nhiều vì vậy chết cháy, chứ không chết ngạt. Một số người chui vào phòng vệ sinh kiên cố mới may mắn thoát nạn. Đồ đạc, xe cộ để ngổn ngang ở khoảng sân chung nên khi cháy đã chặn lối thoát hiểm duy nhất. Nguy hiểm hơn nữa, lối thoát hiểm duy nhất này lại là nơi hoạt động của “xưởng sửa chữa xe điện” với vô số bình ắc-quy, xe máy, xe điện, một số bình gas… bắt lửa rất nhanh, lượng nhiệt đặc biệt lớn, kéo sập khung sắt, mái tôn.

Nguyên nhân vụ cháy phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Nhưng vụ cháy đã cho thấy hệ lụy của tình trạng người dân tự cơi nới nhà cho thuê trọ, bất chấp những quy tắc, quy định an toàn phòng, chống cháy nổ. Một số Đại biểu Quốc hội cho hay, tới đây khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, sẽ xem xét quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt, cửa hàng sửa xe, những nơi vừa ở, vừa kinh doanh; xem xét cấm trường hợp chủ nhà sản xuất kinh doanh kết hợp với cho thuê phòng trọ; đánh giá cụ thể tiêu chuẩn một số mặt hàng dễ cháy để siết chặt quản lý nếu cho kinh doanh trong khu dân cư…

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc, để trả được “món nợ” với người lao động, không chỉ Hà Nội mà các đô thị lớn, cần ráo riết thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH mà Thủ tướng đã phê duyệt. Với những nhà trọ hiện hữu, đặc biệt là nhà trọ cao tầng trong ngõ hẻm, từ cơ quan chức năng địa phương, chủ trọ đến người thuê trọ phải tăng cường ý thức bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Đọc thêm