Mong các bác sĩ luôn được tôn vinh và được tạo điều kiện tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cảm ơn và tự hào với đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi mong rằng Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Các y, bác sĩ đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Các y, bác sĩ đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Sáng 21/2, hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.

Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ThS.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã chứng kiến hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện qua nhiều góc độ. Chẳng hạn như cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luân phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa; trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc với xung quanh do sợ lây nhiễm…

“Câu chuyện lùi thời gian kết hôn của một nữ điều dưỡng hay của bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ. Hay câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch…”, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng và nhấn mạnh tất cả những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch là quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.

Là Giám đốc một bệnh viện lớn chi viện cho công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tâm sự, khó khăn lớn nhất đối với người bác sĩ chữa bệnh là khi không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình. “Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được”, ông Hiếu xúc động.

Còn hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo COVID-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Giai đoạn này, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị COVID-19, việc điều trị vẫn liên tục.

Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế. Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị COVID-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào”, PGS Hiếu khẳng định và mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!

Đứng ngoài cuộc nhìn vào và theo dõi ngành Y tế rất lâu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phải thừa nhận rằng chúng ta bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành.

Trong bối cảnh đó, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân, điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau. Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân với nhiều hình ảnh rất cảm động, khó có từ ngữ nào diễn tả hết.

Thủ tướng trực tiếp động viên các y, bác sĩ trong dịp Tết nguyên đán vừa qua.

Thủ tướng trực tiếp động viên các y, bác sĩ trong dịp Tết nguyên đán vừa qua.

Ông Lợi cảm ơn và tự hào với đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và mong rằng Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đó là mong muốn của ông suốt cả 4 nhiệm kỳ tham gia làm đại biểu Quốc hội.

Mong muốn của ông Lợi cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những đối tượng lực lượng y tế tuyến đầu.

Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.

Đọc thêm