Mong đại dịch qua mau, để những cái ôm thật hơn…

(PLVN) - Mỗi chúng ta khi lớn lên đều muốn đi thật xa để chạm tới nhiều cảm xúc khác nhau trong hành trình của đời người. Chúng ta có nhiều nơi chốn, nhiều đích đến, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là nhà, là mẹ cha và quê hương. Là thời thơ ấu ăm ắp sự trong trẻo của mỗi người. Là nơi, sau những vấp ngã, những cùng cực, hay hạnh phúc, con người có thể trở về để khóc, để cười. Như đứa trẻ được sà vào lòng mẹ ngày thơ bé…
Hà Nội, những ngày giãn cách. Mong lắm, những ngày thường giản dị.

Nhớ những nếp nhà yêu dấu

Từ tâm dịch mùa Vu lan, TS.BS. Hoàng Cương có những trang viết đầy thương nhớ về cha mẹ, anh em, gia đình thời thơ ấu của mình! “Không phải là do hương khói hay lễ mọn của ngày hôm nay mà đã từ lâu lắm và rồi cả sau này nữa người đã khuất sẽ chỉ về bên chúng ta khi ta nhớ về họ, rưng rưng muốn sống bên họ mà chẳng thể được…

Khi ấy, tuổi thơ hồn nhiên chúng tôi không hề biết rằng để có những miếng trứng, miếng thịt cho anh chị em tôi bố mẹ đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu bữa không ăn những phần thức ăn đó… Trong trí nhớ của tôi chỉ biết không ai trong bốn đứa chúng tôi bị suy dinh dưỡng hay bệnh tật, còn bố tôi không bao giờ nặng hơn 42 kg và mẹ thì ốm đau triền miên. Sau này, khi anh chị em chúng tôi có điều kiện muốn bồi dưỡng cho mẹ thì mẹ chỉ còn lắc đầu mệt mỏi. Mẹ không thể ăn được. Rồi trái tim ấy ngừng đập rồi đưa mẹ rời khỏi chúng tôi…

Bố sống lâu hơn mẹ nên cách ông chăm sóc chúng tôi khá đặc biệt, tình cảm giấu kín bên trong, bên ngoài là kỷ luật và khuôn phép. Đám con choai choai của ông ngái ngủ ghê lắm, oằn oại mãi không dậy, nhất là khi mùa đông giá rét. Bố thương đàn con nên tiến hành một chăm sóc rất “nhân văn’ theo cách nói bây giờ. Chiếc khăn mặt được ông giặt bằng nước ấm lau mặt lần lượt cho 4 đứa con, vừa đánh thức và vệ sinh luôn mà không bị choáng vì lạnh.

Những chuyến bố con về quê với nhau là những kỷ niệm không thể nào quên. Không ai nghĩ là tôi 12 tuổi với bố gầy còm 42 tuổi của mình một năm hoàn thành vài bận đạp xe về quê 60 km đi rồi về. Từ sáng sớm đến chiều tối mới tới nơi, có cả ngày hè ướt sũng mồ hôi đến những ngày đông giá rét, gió thổi lật mặt. Cuốn sách tôi vừa đọc có câu kết luận mênh mang: tuổi thọ không phải là cái đích đến của đời người. Chúng ta đã đi thế nào trên đường đời mới là quan trọng. Thấy sao giông giống răn dạy của bố cho tôi ngày 12 tuổi.

Nghề bác sĩ mắt ông truyền cho tôi từ năm 1994 mãi đến năm ông xa tôi 2018 mới dừng lại vĩnh viễn. Học tập suốt đời là cái đầu tiên tôi học được từ bố. Bố không đao to búa lớn về y đức, ông chỉ nói: muốn giúp được bệnh nhân thay vì hại họ thì con phải cúi xuống công việc, cúi xuống với bệnh nhân cả về nghĩa bóng và nghĩa đen.

Giữa ngày dịch khốc liệt - những ngày buồn bã đã và đang trải qua khiến cho ai đã đủ tuổi chín đều ít nhiều nghĩ đến ngày trăm tuổi, ngày đoàn tụ với những người đã lâu lắm không được gặp, dù thương nhớ lắm lắm. Thôi thì cứ nhớ về nhau, để nhắc nhở thêm về ý nghĩa của những ngày đang sống, thêm trân quý nó. Mong lắm và cũng thường mơ về những ngày êm đềm không có dịch, về ngày xưa bên mẹ cha”…

Giữa Sài Gòn lặng im những ngày giãn cách, cô em gái gửi những dòng tin nhắn cho chị của mình: “Ước chi những ngày buồn tênh thế này được về bên bố mẹ, ngồi bên mâm cơm tuy đơn sơ mà tràn ngập niềm vui như ngày thơ bé. Nhớ con đường đi học đầy hoa xoan rụng. Nhớ những đêm tháng sáu chị em mình ngồi nhìn trăng dưới lòng chiếc ao sâu. Nhớ những đêm nằm ôm mẹ”. Và cô ước mong những ngày đầu tiên sau khi hết dịch sẽ về quê thăm bố mẹ, vì đã 2 năm rồi chưa về.

Với siêu mẫu Hà Anh, sinh ra từ một gia đình trí thức Hà Nội, nên ở cô là sự tiếp thu giữa truyền thống và hiện đại. Trước khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, gia đình cô đã “về nhà” tại căn biệt thự nghỉ dưỡng gần biển Hồ Tràm (Vũng Tàu).

Cũng như bao người phụ nữ khác, những ngày này, Hà Anh chăm vào bếp hơn. Cô nấu những món ăn ngon cho chồng con, tập làm những món mà trước đây cô chưa từng dám thử vì cầu kỳ và mất thời gian, như nấu phở, bún riêu… Những ngày gia đình cô sống ở Hồ Tràm rất vắng người nhưng ra đường chơi cùng con, đi dạo, đạp xe, làm mẹ bỉm sữa, cơm ngày ba bữa… cô cũng vẫn chọn trang phục “đơn giản mà đẹp”.

Cô cho rằng, khi cuộc sống trở nên khó khăn, nhất là ở thời điểm giãn cách này, hãy tìm ý nghĩa từ những điều tưởng như bé mọn. Cô chia sẻ:

“Đó là một trong những giá trị mà ông nội để lại cho tôi. Ông yêu thiên nhiên, động vật, yêu cả những bé côn trùng nhỏ xinh... những sinh linh hiện hữu, từng mầm chồi vừa nhú. Những áng văn, vần thơ ông viết luôn tràn ngập tình yêu với vạn vật. Năm ngoái lâm bệnh nặng, ông nằm viện, thở máy, lúc tỉnh lúc mê. Tôi ngồi cạnh xoa người cho ông, cắt móng tay cho ông, thoa kem lên làn da khô nứt nẻ cho mềm và mang lại sự thoải mái cho ông khi nằm. Tôi mở nhạc từ điện thoại cho ông nghe, những ca khúc về Hà Nội, về mùa thu... Ông khóc, người khẽ rung lên, khoé mắt chảy nước mắt. Tôi biết những ca từ gợi nhớ những khung cảnh hết đỗi thân quen của cuộc sống đã chạm vào trái tim ông, làm ông nhớ nhung, thấy cuộc sống này thật tươi đẹp” (ông nội Hà Anh là nhà văn Vũ Tú Nam- PV)…

Và như thế, trong khó khăn chung vẫn còn điều mà ai cũng có thể tặng cho nhau, đó chính là sự lạc quan. Đó không phải là những điều to tát, lớn lao mà rất giản dị và bé nhỏ quanh ta, mà ngày thường sống vội, chúng ta không kịp nhận ra những giá trị đã lãng quên trong cuộc đời…

“Đường về nhà là vào tim ta”

Những ngày này, ca khúc “Đi về nhà” của nghệ sĩ Đen Vâu không chỉ phù hợp với những ngày Tết sum họp nữa: “Lao vào đời mà kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội/ Những thành thị thường lấp lánh, còn đêm thành thị thường trơ trọi/ Như mọi đứa trẻ khác, lớn lên muốn đi xa hoài/ Nhà thì vẫn yên ở đó, đợi những đứa con ra ngoài... Hạnh phúc, đi về nhà/ Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà/ Mông lung, đi về nhà/ Chênh vênh, đi về nhà...”.

Như cỗ xe đang phi nhanh phải phanh gấp lại! Con người phải hạn chế mọi hoạt động, mọi nhu cầu. Tất cả nhường chỗ cho cuộc chiến đấu sinh tử với một kẻ thù mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ, những ngày qua, chúng ta chứng kiến những cuộc trở về gây xúc động tận cùng tâm can, day dứt trong chúng ta câu hỏi về số phận con người. Chúng ta quá bé nhỏ trong vũ trụ này và đời sống còn mong manh hơn nữa. Những cuộc “thiên di” chìm nổi của con người, để tồn tại hay là để thấu hiểu thêm ý nghĩa của sự trở về. Những cơ hội gặp gỡ phải gác lại, những cơ hội việc làm bị mất đi, phải thắt chặt chi tiêu và phải sống trong nỗi ám ảnh không biết rồi ngày mai sẽ ra sao. Chúng ta tiếc nuối vì đã lâu không gặp một người thân và họ đã ra đi trong dịch bệnh, chẳng còn cơ hội gặp họ dù là thăm viếng lần cuối trong một đám tang.

Cùng với đó, trong những dõi theo, những khoảng cách được kéo gần lại, khi chúng ta cùng đau đáu những niềm thương. Khi ai đó post tấm hình em bé mới 10 ngày tuổi, cuộn tròn trong tã lót và khăn ủ ấm, trên tay người cha lúc dừng nghỉ giữa hành trình 1.500 cây số, để về quê nhà trong dịch bệnh, một người bạn đã viết những lời lắng đọng mà chan chứa: “Mừng cho con và cha mẹ đã về được nhà. Mừng vì mới lọt lòng cha mẹ đã dạy cho con yêu quê hương. 10 ngày tuổi con đã dạn dày sương gió, mong con trưởng thành và sống cuộc đời hạnh phúc”. Niềm mong mỏi ấy, thật ruột thịt, thương cảm vô cùng…

Và để chúng ta được về nhà, được “ở nhà” thì các đoàn quân áo trắng từ phía Nam ngược Bắc đến với trung tâm dịch Đà Nẵng, sau đó là Bắc Giang, Bắc Ninh trở về chưa ấm chỗ, thì đợt dịch thứ 4 bùng phát, và Sài Gòn, Bình Dương là trọng điểm nóng, thì lại có nhiều đoàn thầy thuốc từ phía Bắc hành phương Nam. Đó còn là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ biên phòng chốt chặn biên giới ngăn người nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh từ ngoài vào. Các chiến sĩ mắc võng trong rừng, làm lán dã chiến để ngủ nghỉ và canh phòng. Nhiều sĩ quan, thầy thuốc trẻ hoãn cưới, nhiều người cha mẹ mất không về được chịu tang. Bàn thờ lập tạm nơi biên giới, nơi làm việc phòng chống dịch để chịu tang cha, mẹ thật xúc động khôn nguôi…

Có thể nói, dịch bệnh đẩy con người xa nhau, nhưng cũng kéo con người xích lại gần nhau. Đức Phật đã dậy rằng, con người chúng ta gặp nhau rồi đi và sẽ còn gặp nhau trở lại nhưng không nhận ra nhau. Thật khó để tìm ra một chúng sinh mà vòng luân hồi vô cùng vô tận, chưa từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là con, là em chúng ta. Nếu nhìn theo cách đó, chúng ta sẽ từ tâm và thiện lương với nhau nhiều hơn, xót xa cho nhau nhiều hơn… Như lúc này, trong trùng phùng dịch bệnh, nhìn đồng bào mình cưu mang đùm bọc nhau, nhìn Chính phủ căng mình chống dịch, chúng ta có niềm tin và hy vọng vào thiện lương tử tế của con người, hy vọng một ngày không xa, đại dịch thế kỷ COVID-19 sẽ đi qua… Để chúng ta có những cái ôm thật hơn, những bàn tay biết nắm chặt hơn những điều đẹp đẽ còn hiện hữu bên mình…

Đọc thêm