Mong mỏi của chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt những ngày COVID-19 hoành hành Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Biết cha mẹ già yếu, con bị bệnh, vợ mới sinh... cần được chăm sóc nhưng các chiến sĩ cảnh sát cơ động vẫn nén lòng, dồn tâm sức cho nhiệm vụ kiểm soát phương tiện lưu thông những ngày giãn cách, với mong muốn Thủ đô bình yên trở lại, các anh sớm được về với gia đình, bù đắp tình cảm cho người thân...
Đại úy Đặng Thanh Miền, Tiểu đoàn 4, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công An TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Mỵ Châu.
Đại úy Đặng Thanh Miền, Tiểu đoàn 4, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công An TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Mỵ Châu.

Mang trên mình màu áo xanh chiến sĩ phải xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân

Đại úy Đặng Thanh Miền, Tiểu đoàn 4, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công An TP Hà Nội, đang tăng cường cho tổ cơ động mạnh Y12/141. Cảnh sát 45 tuổi này luôn tràn đầy nhiệt huyết trong công việc.

Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, anh Miền và đồng đội cùng đơn vị được cấp trên phân công tham gia các tổ cơ động đặc biệt chống dịch. Các anh phối, kết hợp cùng các lực lượng liên ngành kiểm tra người dân ra đường, phương tiện tham gia giao thông trong những ngày Hà Nội giãn cách.

“Với nhiệm vụ này, tất cả lực lượng đều có những khó khăn, người dân cũng vất vả. Dịch bệnh căng thẳng, cường độ công việc cao, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chúng tôi không bao giờ để những khó khăn khiến mình "xuống tinh thần". Giai đoạn toàn dân chung tay chống dịch, chúng tôi xác định mang trên mình màu áo xanh chiến sĩ phải có trách nhiệm xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân”, chiến sỹ Miền bày tỏ. "2 năm dịch bệnh, cũng là lần thứ 4 tham gia chốt chống dịch, bản thân tôi thấy rất vinh dự. Mỗi khi Tổ quốc cần, tôi đều sẵn sàng có mặt".

Đại úy Miền cũng cho biết, dù thời tiết nắng bức, gặp không ít người dân không chấp hành đúng quy định, các anh vẫn cố gắng kiềm chế, nhẹ nhàng giải thích, phân tích cho người dân hiểu, nhìn nhận đúng vấn đề. "Đối với những gì vượt thẩm quyền, lực lượng cảnh sát cơ động chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, sau đó đề xuất cấp trên để kịp thời sửa đổi phù hợp, giúp người dân yên tâm hơn trong công tác phòng chống dịch”, anh Miền nói.

Kể từ ngày 24/7, Hà Nội giãn cách, Đại úy Miền chưa về thăm nhà. Nhớ gia đình, nhớ các con, người chiến sĩ lặng đi ít phút:” Tôi được 2 cháu, cháu gái đầu bị bệnh từ năm 2019, chạy chữa nhiều nơi nhưng không được, bác sĩ bảo con phải sống chung với bệnh”.

Đại úy Miền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy giờ người đi đường. Ảnh: Mỵ Châu.

Đại úy Miền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy giờ người đi đường. Ảnh: Mỵ Châu.

Đại úy Miền cảm thấy may mắn khi luôn được vợ và các con thông cảm, thấu hiểu công việc của mình. Mỗi ngày, chiến sỹ Miền đều tranh thủ gọi điện về động viên gia đình. Anh mong các con luôn ngoan, học giỏi, sau này noi gương thế hệ người đi trước, đạt được ước nguyện của mình.

“Ccác con chịu nhiều thiệt thòi khi bố làm Công an, không được ở bên cạnh bố nhiều như những trẻ khác. Xa gia đình lâu, với vai trò là một người chồng, người cha, thú thực tôi rất thương nhớ gia đình”, Đại úy Đặng Thanh Miền nén xúc động. "Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch, khó có thể diễn tả được, nhưng mà cảm giác này thiêng liêng, đặc biệt vô cùng. Tôi luôn nỗ lực để không để tình cảm riêng ảnh hưởng công việc”.

Anh đồng thời nhắn nhủ đến gia đình: "Vợ và các con hãy cố gắng thực hiện đúng theo quy định giãn cách. Phải thực hiện tốt quy định giãn cách bố mới yên tâm công tác được. Công việc của bố bây giờ đang làm tuy vất vả nhưng bố rất tự hào. Bố cảm thấy được góp một phần nhỏ bé vào nhiệm vụ chung của đất nước. Mong sao các con khỏe mạnh, nghỉ ngơi đúng giờ. Về phần bố, các con yên tâm bố sẽ làm trọn vẹn và xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến xấu, Đại úy Miền cũng mong muốn người dân cả nước, lực lượng chức năng cùng đồng lòng, đồng sức, thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội, bởi ý thức của người dân quyết định tất cả. Anh mong dịch bệnh nhanh qua để trả lại một Hà Nội bình yên vốn có.

Thực hiện nhiệm vụ bằng tuổi trẻ, bằng nhiệt huyết

Vào ngành từ năm 2018, mới 26 tuổi nhưng Thượng sĩ Nguyễn Quang Nam (quê Sóc Sơn, công tác tại Đại đội 3, Tổ cơ động Công An TP Hà Nội) chưa lần nào vắng mặt ở tuyến đầu trong suốt 2 năm dịch COVID hoành hành.

Nhiệm vụ hàng ngày khi chưa có dịch của Thượng sĩ Nam là ban đêm tuần tra, ban ngày bảo vệ an ninh. Từ đợt dịch thứ 4, Nam vinh dự cùng các cảnh sát giao thông hỗ trợ, kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy đi đường của người dân. Nếu giấy đi đường không hợp lệ, các anh sẽ bàn giao cho đại diện chính quyền địa phương làm việc tại chốt.

Thượng sĩ Nguyễn Quang Nam đang làm nhiệm vụ tại Tổ công tác đặc biệt Y12/141
Thượng sĩ Nguyễn Quang Nam đang làm nhiệm vụ tại Tổ công tác đặc biệt Y12/141

Thượng sĩ Nguyễn Quang Nam đã tham gia 23 chốt cửa ngõ của Công an TP Hà Nội. “Người dân ở TP từ nhiều nơi đến, nguồn lây không rõ nên bản thân tôi không phải không có lo ngại. Nhưng với trách nhiệm và cả niềm tự hào là chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, tôi tuyện đối không chùn bước”, Nam chia sẻ.

Ca làm việc xoay vòng, không có ngày nghỉ, chỉ huy đơn vị linh động thời gian nghỉ ngơi đối với các chiến sỹ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, cùng với sức khỏe, nhiệt huyết của tuổi trẻ, lực lượng chiến sỹ cảnh sát cơ động luôn “gồng” hết sức để giữ gìn bình an cho Hà Nội.

"Bản thân tôi không cho phép mình được ốm, dù có vất vả, nắng nóng như thế nào. Luôn nhắc nhở chính mình phải đảm bảo sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Nam nói.

Anh gửi lời tới gia đình: "Mong bố mẹ giữ gìn sức khỏe, thực hiện đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngày Thủ đô không còn bóng “giặc” COVID, con sẽ trở về”.

Sau 6 tiếng đồng hồ làm nhiệm vụ liên tục dưới thời tiết nắng mưa thất thường của tháng giao mùa, Trung úy Phạm Đình Thanh, chiến sĩ của Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, nay được điều động tăng cường tại chốt 20, Thường Tín, Hà Nội, lại về phòng trọ một mình. Trung úy Thanh cho biết, nếu không mệt, anh sẽ tự nấu cơm, còn không úp tạm bát mì tôm ăn, để tranh thủ thêm nhiều thời gian gọi điện về cho gia đình ở quê.

"Từ ngày 26/4 đến nay, do dịch bệnh nên tôi chưa về thăm nhà. Con trai mới được 14 tháng tuổi, bố đi làm từ lúc con chưa biết đi đến giờ con đã tập nói. Vợ chồng mới cưới lại xa nhau triền miên nên cứ rảnh là gọi điện chia sẻ, trò chuyện cùng nhau", Trung úy Thanh tâm sự. "Tôi biết vợ mình thiệt thòi nhiều nên bản thân luôn cố gắng làm việc, mong muốn một ngày đón hai mẹ con lên Hà Nội, thuê một cái phòng trọ nhỏ, quan trọng là gia đình ở cạnh nhau. Vợ mới sinh nên sức khỏe còn yếu, nhiều đêm con ốm, nghe tiếng con khóc cũng cảm giác xót xa. Nhưng vì công việc cấp thiết, tôi chỉ biết gọi điện nhờ cậy bố mẹ, anh chị hai bên giúp đỡ thôi".

Tuy phải xa nhà, một mình sống ở thành phố lớn, nhưng Trung úy Thanh cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi luôn sống trong tình cảm yêu mến, sự động viên của người dân. "Bà con thương cán bộ, chiến sỹ vất vả nên ngày nào cũng nấu cơm, tiếp nước, hỏi han. Lái xe qua chốt không đủ giấy tờ cũng vui vẻ quay đầu, chấp hành đúng quy định sau khi nghe cán bộ tuyên truyền. Điều này khiến tôi thấy vui và tự hào hơn khi được đứng trong hàng ngũ của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chiến sỹ chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, vậy nên mong người dân phải tự bảo vệ bản thân của mình và chỉ ra đường khi có mục đích chính đáng, toàn dân hãy cùng đồng lòng chống dịch", Thanh nói.

Dằn lại nỗi nhớ gia đình, gác lại những lo toan thường nhật, hàng trăm, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Công an Tp Hà Nội vẫn âm thầm “cắm chốt” không quản mưa, nắng, ngày đêm.

Lời Trung úy Phạm Đình Thanh dành cho vợ có lẽ cũng là nỗi lòng hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ nơi tuyến đầu hiện nay: "Anh không quen nói những câu tình cảm, cũng không biết làm thế nào để thể hiện tình yêu của mình. Anh biết em chịu nhiều tủi thân khi lấy anh nhưng anh cảm ơn vì em luôn hiểu, ủng hộ anh. Hai mẹ con cố gắng giữ gìn sức khỏe và đợi anh nhé, hết dịch anh sẽ về".

Những hy sinh thầm lặng của họ đã và đang thắp lên niềm tin về ngày chiến thắng dịch COVID-19 không còn xa của Thủ đô thân yêu và cả nước!

Đọc thêm