Hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo…
Quyết tìm hướng đi cho NKT
Nói đến hoạt động tạo việc làm cho NKT, Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ là cái tên hay được nhắc đến, bởi ông Nguyễn Xuân Tiếp – Chủ tịch Tập đoàn là người luôn đau đáu với mơ ước giúp NTK có công văn việc làm, tự nuôi được bản thân.
Chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của mình khi không quản ngại dạy nghề tạo việc làm cho NKT suốt hơn 20 năm qua, ông Đoàn Xuân Tiếp cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, bản thân tôi từng là người lính. Năm 1991 xuất ngũ trở về địa phương xây dựng kinh tế, tôi luôn nung nấu trong lòng quyết tâm bù đắp, san sẻ một phần sự mất mát, hy sinh của đồng đội. Đó là tìm cách tạo công ăn, việc làm cho các thương, bệnh binh, các cháu bị nhiễm chất độc da cam, những NKT kém may mắn”.
Bằng chính những trải nghiệm thực tế, học hỏi qua nhiều năm tháng, đi đến nhiều nơi, thử nghiệm nhiều ngành nghề, ông Tiếp đã tìm ra được hướng đi cho riêng mình và NKT. Đó là dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho NKT, giúp họ có các kỹ năng tự giải quyết vấn đề, tự chăm sóc mình, tự nuôi được bản thân. Từ đó, NKT xa gần nghe tin, tự tìm đến xin học, số lao động tăng, sản phẩm ngày càng nhiều, hàng hóa tiêu thụ tốt, khi có lợi nhuận chúng tôi đã tái đầu tư thành lập 2 công ty lớn đó là: Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc và Công ty Chân - Thiện - Mỹ”.
Đến nay hai công ty này đã dạy nghề cho gần 1.000 lao động, hiện đang làm việc tại 2 công ty là trên 600 lao động, trong đó có 210 lao động là NKT (chiếm tỷ lệ khoảng 35%), cùng những hệ thống nhà xưởng khang trang, nhà ở tập thể, đường đi, công trình phụ và các công trình khác… đảm bảo tốt cho cuộc sống và sinh hoạt đặc thù của NKT.
Còn những khó khăn về chính sách
Nói về sự hỗ trợ của chính sách pháp luật nhà nước đến công tác tạo việc làm cho NKT, ông Tiếp nhận định rằng, bên cạnh sự nỗ lực hết mình để cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ vượt qua trở ngại, từng bước phát triển thì chính sách miễn thuế của Nghị định 81 CP của Chính phủ ra đời đã hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tế hơn 20 năm sử dụng lao động là NKT, ông Tiếp cũng trăn trở với nhiều khó khăn, bất cập còn tồn tại.
Theo đó, Nhà nước cần miễn thuế VAT cho sản phẩm của NKT để tăng sức cạnh tranh sản phẩm của NKT với người lao động khỏe mạnh. Bởi vì sản phẩm của người lao động là NKT làm ra công suất không bao giờ bằng người khỏe mạnh, kỹ - mỹ - thuật cũng kém hơn so với người khỏe mạnh. Vì vậy, có giảm giá thành thì mới tiêu thụ được sản phẩm lao động của NKT, tạo thu nhập cho họ.
Nói về việc đảm bảo điều kiện cho NKT học nghề, ông Nguyễn Xuân Tiếp nhấn mạnh đề xuất được miễn tiền học phí, tiền ăn, tiền thuê nhà… cho NKT học nghề và sinh viên là NKT. Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện cho NKT khi ra trường được ưu tiên nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan với công việc phù hợp để có cơ hội tự nuôi sống bản thân và phát triển thành người có ích cho xã hội.
Là một trong những địa phương có nhiều hoạt động tạo việc làm cho NKT, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cũng có ý kiến về Quỹ việc làm dành cho NKT. Theo đó, việc triển khai thực hiện Quỹ việc làm dành cho NKT còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về chế độ, nội dung hoạt động chi còn hạn chế, chưa mở rộng.
Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, đến nay Bộ luật Lao động mới sửa đổi đã có hiệu lực thì Quỹ không còn nguồn thi, lại chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành về việc Quỹ trợ giúp NKT nên rất khó khăn cho các địa phương thực hiện hỗ trợ NKT. “Sớm hướng dẫn việc thành lập Quỹ trợ giúp NKT, trong đó chú trọng quy định việc hỗ trợ phương tiện, công cụ, tư liệu sản xuất cho NKT tự tạo việc làm” - đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đề xuất…
Tại Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV nhân đạo Diêu Bông hiện có nhiều nhân viên khuyết tật vừa học vừa làm. Mặc dù có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho NKT, song công ty này vẫn chọn giải pháp tự trang trải các chi phí do một số bất cập trong chính sách. Chia sẻ với báo chí cách đây không lâu, chị Châu Thị Bông lãnh đạo Công ty cho biết: “Để được hỗ trợ, điều kiện đặt ra là các cơ sở như chúng tôi phải mở lớp từ 20 người trở lên. Với quy định đó, chi phí 1,1 triệu đồng không thể đủ để hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại, dạy nghề...”.
Hiện có trên 60% NKT đang trong độ tuổi lao động, 75% số này đang tham gia hoạt động kinh tế; trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc là lao động hộ gia đình; khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Ước tính khoảng dưới 20% NKT đã qua đào tạo nghề. Tính chung, Việt Nam còn trên 1,2 triệu NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề.
Giai đoạn 2012 – 2015, cả nước đã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 120.000 NKT. Tính đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 17.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề.
Hiện cả nước có hơn 15.000 lao động là NKT đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ việc làm.
Trong số những NKT nhận được hỗ trợ về dạy nghề và tạo việc làm, có gần 41% nhận được tư vấn về học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm; gần 18% được miễn, giảm chi phí học nghề, 20% được hỗ trợ học nghề; khoảng 21,4% được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chương trình cho vay vốn hộ nghèo và các chương trình do các tổ chức chính trị - xã hội của/vì NKT triển khai ở địa phương.