Một công tử Bạc Liêu khác giai thoại “đốt tiền nấu trứng”

Nói đến công tử Bạc Liêu, người ta thường nghĩ đến cậu Ba Huy, Hắc Công tử với tính chơi ngông đốt tiền như rác. Ít ai biết Bạc Liêu còn có những vị công tử yêu nước thương dân... Sự giàu có của ông không phải do bóc lột, cũng không do từ trên trời rơi xuống mà bằng công sức lao động khẩn hoang, nhưng khi cần thiết, ông đã hiến hết cho cách mạng và thoát ly đi kháng chiến.

Không to lớn đồ sộ như ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu, Phủ thờ họ Cao Triều có kiến trúc cổ kính tôn nghiêm, là công trình hiếm có về chạm khắc gỗ. Tương truyền, ông Cao Minh Thạnh đã mua gỗ quý bằng cây súc từ Campuchia kết bè theo đường sông về Bạc Liêu, thuê thợ giỏi chạm khắc từ Huế và Trung Quốc vào làm việc hơn 3 năm mới hoàn chỉnh.

Trong khi ngôi nhà đồ sộ của Công tử Bạc Liêu đã hầu như rỗng ruột, Phủ thờ họ Cao Triều vẫn giữ nguyên vẹn từ cấu trúc đến vật dụng bên trong; mà mỗi đồ vật đều xứng đáng gọi là tác phẩm.

Ông tay trắng khai phá U Minh, chế món mắm ba khía

Theo lịch sử khẩn hoang của đất phương Nam, Bạc Liêu là nơi quần cư của 3 dân tộc: Người Khmer bản địa, lưu dân người Việt từ Trung, Bắc Bộ và những người Hoa ly hương lập nghiệp mà đa số từ Triều Châu. Ca dao có câu: “Bạc Liêu nước chảy lờ đờ, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”.

v
Khám thờ và những đồ quý giá tinh xảo trong phủ thờ

Ông Cao Cần Thiệt cũng từ Triều Châu theo tàu biển tìm đến vùng đất này khai hoang với hai bàn tay trắng.

Ông Thiệt chọn việc khai hoang để trồng tỉa, trước là nuôi sống bản thân, sau là có miếng đất cắm dùi. Sáng ăn 3 chén cháo trắng với chút xái pấu (củ cải muối) rồi đi làm, tới tối mịt mới về chòi ăn 3 bát cháo hồi sáng còn chừa lại. Sau đó leo lên cây có chạc ba, lấy khăn ịch pậu (khăn sọc rằn dài để quấn quanh người thay quần) choàng qua người rồi cột chặt vào thân cây, đề phòng khi đang ngủ khỏi rớt xuống đất bị thú dữ ăn thịt.

Một đêm tháng Tám âm lịch, đang ngủ say sau một ngày lao động mệt nhọc, ông choàng tỉnh giấc thấy như có hàng trăm ngọn gai đâm khắp người. Nhìn kỹ, té ra hàng trăm con cua nhỏ từ đâu leo lên bám kín vào cây cối, bám khắp người. Ông cởi khăn ịch pậu, hốt cua bỏ vào khăn cột túm lại.

Sáng ra, ông luộc cua ăn, thấy khá ngon. Con cua màu tím, trên mai có 3 vạch, nên dân địa phương đặt cho cái tên ba khía. Ông thử mua khạp đất, muối ba khía như kiểu muối cải xá pấu ở quê nhà. Vài ngày sau, mở nắp khạp ra đã thấy mùi thơm hấp dẫn.

Thế là từ đó, ba khía muối là món ăn của những người khai hoang, của cả dân địa phương, thành đặc sản của những người Cà Mau, Bạc Liêu xa xứ.

Cháu cơ giới hóa U Minh

Sau nhiều năm làm việc cật lực, phần đất của ông đã bạt ngàn. Từ trồng rẫy, ông chuyển sang trồng lúa. Những người con, cháu ông Thiệt tiếp tục sự nghiệp khai hoang, mở rộng thêm điền ruộng. Ông Thạnh là con lớn của ông Thiệt, trở thành một trong những điền chủ lớn ở Bạc Liêu có hàng chục ngàn mẫu ruộng, chỉ đứng sau Hội Đồng Trạch, Hội Đồng Điều, Vương Nghị.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Tôi tham gia cách mạng, nếu có mất mát thì cũng chẳng mất mát thứ gì, còn những người như cụ Cao Triều Phát thì mất mát lớn lao. Họ đã đánh đổi cuộc sống giàu sang để vì sự nghiệp chung của dân tộc”.

Ông Thạnh bắt đầu cải họ cho các con cháu thành họ Cao Triều để tưởng niệm về quê hương bản quán, xây dựng phủ thờ họ Cao Triều.

Trong số những người con ông Thạnh lại nổi lên Cao Triều Phát là người làm sáng danh dòng họ, có những đóng góp hết sức quan trọng cho quê hương xứ sở. Trong khi Hắc Công tử đi Pháp học chủ yếu để vui chơi, khi về chỉ lấy được “bằng cấp nhảy đầm”.

Ông Phát khi sang Pháp đã tham gia hoạt động xã hội ở phong trào cánh tả, kết thân với các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường lấy bằng kỹ sư canh nông.

Về nước, Hắc Công tử mua máy bay, mua xe hơi chạy lấy le thì ông Phát mua máy xúc, máy cày khai hoang đào kênh mương mở rộng điền đất hàng ngàn mẫu bằng cơ giới chứ không vắt kiệt sức người.

Ông chọn người biết chữ để điều khiển máy móc, dạy học cho người chưa biết chữ để nâng hiểu biết cho họ.

v
Mặt trước Phủ thờ họ Cao Triều

Lập điền không phải để làm giàu cho bản thân, khi điền đất đã thành khoảnh, ông giao lại cho người khác quản lý rồi lao vào các hoạt động chính trị xã hội.

Ông quy tụ một số bạn đồng chí, thành lập Đông Dương Lao động Đảng tại Sài Gòn, làm chánh đảng trưởng, và cho ra đời hai tờ báo là L’Ère Nouvelle (Kỷ nguyên mới) và Nhựt Tân Báo. Do lập trường chống thực dân rất rõ nên giữa năm 1929, chính quyền Nam Kỳ ra lệnh đóng cửa hai tờ báo, giải tán Đông Dương Lao động Đảng.

Bản thân ông bị trục xuất khỏi Sài Gòn và buộc quản thúc tại Bạc Liêu một thời gian vì tội “phá rối chính trị an”. Cao Triều Phát gia nhập phái Minh chơn đạo – Cao đài Hậu Giang, trở thành một chức sắc cao cấp trong đạo này.

Giao hết tài sản cho cách mạng  

Năm 1943, ông Phát bị Pháp quản thúc, hàng tuần phải ra trình diện; mọi cử chỉ, hành động đều bị mật thám theo dõi. Không được đi đâu, ông ở nhà nghiên cứu triết học, thần học, giáo lý tôn giáo... Ở nhà không có điều kiện giao tiếp, ông nghĩ ra việc cất nhà. Đó là một ngôi biệt thự nguy nga hoành tráng có một không hai ở Bạc Liêu thời bấy giờ.

Hàng ngày ông chỉ dẫn cho thợ đào đất đóng cừ, cho mua cừ cốc 5m đóng thật kỹ rồi mới làm móng. Ông nói muốn nhà được bền vững, nền móng phải vững chắc, cũng như con người phải có cái nền tảng đạo đức mới là con người có ích cho xã hội.

v
Ông Cao Triều Phát trong chiến khu Đồng Tháp Mười

Bọn mật thám thấy ông chăm chỉ làm việc trên công trường xây dựng, ngở rằng ông già này mải xây nhà, đã chán hoạt động chính trị nên chúng có phần lơ là hơn trước. Chúng đâu có biết việc cất nhà tạo điều kiện thuận lợi để ông liên lạc các đồng chí hoạt động cách mạng giả dạng làm thầy làm thợ ở công trường.

Cách mạng tháng Tám thành công, Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông từ biệt ngôi nhà kỳ công xây cất, mới ở được mấy tháng, hiến toàn bộ điền sản hàng ngàn mẫu đất cho cách mạng và ra đi kháng chiến chống Pháp.

Đến lúc qua đời, ông không trở lại ngôi nhà này dù chỉ một lần. Pháp tái chiếm Bạc Liêu, ngôi nhà của ông bị Pháp sung công làm bót cảnh sát. Pháp đánh vào thánh thất Ngọc Minh, ông cùng với các chức sắc quyết tâm tử thủ.

Nói về cuộc đời cụ Cao Triều Phát, nhà văn Thiếu Sơn đã viết: “Cụ tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu tới già, tới chết. Phần lớn sự nghiệp của cụ cống hiến cho cách mạng. Hiện tượng Cao Triều Phát là một hiện tượng đặc biệt nói lên nghĩa khí của người Nam bộ, hơn nữa là một nhà giàu muôn hộ trọng nghĩa khinh tài”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm