Một mùa cưới… lặng lẽ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mùa thu, mùa những cơn gió se se ùa về cũng là mùa yêu đương, mùa cưới. Đó cũng là mùa “rôm rả” của các dịch vụ đám cưới. Thế nhưng, dịch COVID-19 đã làm cho rất nhiều người kinh doanh: bánh cốm, bánh phu thê, trầu cau, cho thuê - bán áo cưới, các nhà hàng, khách sạn tổ chức đám cưới, nấu cỗ thuê, trang điểm cô dâu, kết hoa trang trí tiệc cưới, xe ô tô, phòng tân hôn… đều “khóc ròng”. Một mùa cưới… lặng lẽ.
Các nhiếp ảnh gia mong sớm tan dịch bệnh để họ được chụp những bộ ảnh cưới khó quên.
Các nhiếp ảnh gia mong sớm tan dịch bệnh để họ được chụp những bộ ảnh cưới khó quên.

Ngành tổ chức tiệc cưới “đóng băng”

Phố Hàng Than - “thủ phủ” của món ẩm thực Hà thành và món quà lễ vật không thể thiếu mỗi đám cưới - đám hỏi đó là bánh cốm. Rất nhiều gia đình Hà Nội khi tổ chức đám hỏi cho con đều ghé qua phố Hàng Than để đặt mua vài chục tới vài trăm chiếc bánh cốm thơm ngon. Dần dần, những nghệ nhân nhiều đời ở phố Hàng Than không chỉ bán bánh cốm mà còn làm bánh phu thê, nhận đặt mâm sính lễ: trầu cau, bánh cốm, hộp trà, hoa quả kết đẹp mắt để phục vụ nhu cầu các gia chủ.

Những năm trước đây, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, những ngày mùa thu, thời tiết đẹp đến nao lòng người cũng là lúc những nghệ nhân ẩm thực, những người thợ làm bánh cốm, bánh phu thê ở phố Hàng Than không ngớt tay. Các đồ sính lễ xanh, đỏ bày đẹp mắt, tràn ngập tại các cửa hiệu. Nhiều gia đình tấp nập tới đặt hàng sính lễ khiến cho cả khu phố chộn rộn, tươi vui. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, không khí rộn ràng ấy không còn.

Chị Nguyễn Hoa - đời thứ 3 làm bánh cốm gia truyền buồn bã: “Những năm khi dịch COVID chưa xuất hiện, vào mùa cưới, mỗi ngày chúng tôi cho ra lò từ 500 - 1.000 cái bánh cốm, bánh phu thê. Chúng tôi bán lượng lớn do các gia chủ mua về làm sính lễ dạm ngõ, đám hỏi. Năm trước, dịch bệnh vãn, gia đình chúng tôi còn nhúc nhắc. Còn năm nay, Hà Nội giãn cách, hạn chế đi lại cũng như hạn chế tổ chức cưới hỏi, tụ tập đông người thế này, cửa hàng chúng tôi giảm doanh thu tới 90%. Buôn bán ế ẩm, tôi đành cho các nhân viên, thợ làm bánh nghỉ hết”. Không chỉ chị Hoa, tất cả những người bán bánh cốm, bánh phu thê, trầu cau tại tuyến phố Hàng Than đều thất thu… mùa cưới.

Các chủ viện áo cưới, studio cưới càng thêm rầu lòng. Hầu hết, các chủ viện áo cưới, studio cưới đều phải đầu tư công sức và tiền bạc rất lớn. Để có viện áo cưới, cửa hàng áo cưới khang trang, hiện đại, bắt mắt, họ đều phải thuê mặt bằng rộng tại các tuyến phố lớn, làm nội thất, tiền đầu tư áo cưới, comple, áo dài.

Anh Nguyễn Long, chủ viện áo cưới tại phố Bà Triệu không khỏi lo lắng: “3 năm trước, tôi đầu tư số tiền hơn 2 tỷ để thuê mặt bằng, sửa sang nội thất studio ảnh cưới và đầu tư các trang phục cưới hỏi. Năm đầu, tôi bắt đầu nhúc nhắc có khách, hy vọng sang mùa cưới năm sau sẽ đông khách hơn và dần thu hồi vốn. Chẳng ai ngờ, dịch bệnh tràn tới, việc kinh doanh của tôi bị chững lại.

Các đám cưới đặt thuê trang phục, chụp ảnh cưới trước đó báo hủy cưới hàng loạt, vài tháng nay tôi không có thêm khách hàng nào. Tiền thuê cửa hàng mỗi tháng 50 triệu đồng, tiền đi vay lãi để đầu tư trang phục cưới, tiền lương nhân viên… dồn vào khiến tôi như “ngồi trên chảo lửa”. Các đồng nghiệp của tôi ở các tuyến phố Hà Nội cũng “bỗng dưng muốn khóc” như tôi”.

Cùng cảnh “những người khốn khổ” là đội ngũ trang điểm cô dâu. Chị Thu Trang - một nhân viên trang điểm tay nghề cao tâm sự: “Những năm trước, vào mùa cưới, đặc biệt là ngày cuối tuần, tôi thường “chạy sô” trang điểm cho 2 - 3 cô dâu/ngày. Tiền công mỗi cô dâu dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng, chưa kể trang điểm cho phù dâu, người bê tráp khoảng 200 - 300 nghìn đồng/người. Tính sơ sơ, ngày ít, ngày nhiều, mỗi tháng tôi kiếm được trên dưới 30 triệu đồng. Nhưng suốt vài tháng nay, tôi chẳng có thu nhập, tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, nuôi con nhỏ đều trông vào tiền lương kế toán 8 triệu của chồng. Tôi áp lực quá!”.

Hoãn cưới hay cưới online, đội ngũ nhiếp ảnh chụp ảnh cưới cũng thất nghiệp. Trước đây, mỗi cặp đôi chụp bộ ảnh cưới khoảng từ 10 - 50 triệu đồng, các nhiếp ảnh gia cũng được hưởng lợi từ 30 - 50% số đó. Nhưng giờ, máy ảnh nằm phủi bụi trên giá chờ ngày vãn dịch bệnh.

Các nhà hàng - tiệc cưới vắng lặng.

Các nhà hàng - tiệc cưới vắng lặng.

Mong sớm được “nổi lửa”

Có lẽ, thiệt hại nặng nề nhất là các nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Số tiền đầu tư cho nhà hàng tiền thuê mặt bằng, nội thất, bàn ghế tiền tỷ nay “đắp chiếu” khiến nhiều chủ nhà hàng mệt mỏi, suy sụp. Bà Hoàng Lan, chủ nhà hàng - tiệc cưới tại quận Đống Đa ăn không ngon, ngủ không yên.

“Những năm trước, lượng khách đặt tổ chức lễ cưới rất đông. Để có chỗ, họ phải đặt trước 1 - 2 tháng. Để phục vụ khách tốt hơn, năm trước, chúng tôi vay mượn đầu tư thêm 2 nhà hàng – tiệc cưới hy vọng mùa cưới thu hồi chút vốn. Thế nhưng, dịch bệnh làm đảo lộn tất cả. Tôi đã phải giải quyết bao chuyện “dở khóc, dở cười”. Không ít đám, khi nhà hàng chúng tôi trang hoàng kết hoa, cỗ bàn gần trăm mâm đã sẵn sàng thì gia chủ thông báo hủy cưới phút thứ 89.

Họ chỉ ứng trước cho chúng tôi 50%, số tiền còn lại đáng lẽ phải thanh toán cho chúng tôi. Nhưng họ khóc khóc, mếu mếu bảo hủy đám cưới vì phòng chống dịch bệnh, không có khách tới, không có tiền mừng, gia cảnh lại khó khăn. Họ xin nhà hàng “giải cứu” giúp họ gần trăm mâm cỗ cưới. Trước tình thế đó, chúng tôi đành kêu gọi họ hàng, bạn bè trên mạng xã hội “giải cứu” giúp với giá giảm hẳn 60% so với giá thực. Không những không có lãi, chúng tôi còn phải bù lỗ vào việc trả lương nhân viên, trả lương đầu bếp, chi phí mua thực phẩm…”, bà Lan tâm sự.

Bà Hoàng Lan thở dài: “Tôi có 5 tỷ, vay mượn thêm 3 tỷ đầu tư tổng số 3 nhà hàng - tiệc cưới. Dịch bệnh giờ đang căng thẳng, 3 nhà hàng - tiệc cưới của tôi đóng cửa im lìm thế này, tôi không biết phải xoay xở làm sao. Cứ tới tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền thuê mặt bằng, nội thất không dùng bị xuống cấp, tôi lo lắm. Không biết dịch bệnh kéo dài bao lâu nữa”. Dịch bệnh chẳng biết ra sao khiến nhiều chủ nhà hàng - tiệc cưới không dám nhận lịch đặt của khách dù họ dời ngày cưới sang mùa xuân, đầu năm mới.

Đội ngũ nhân viên, đầu bếp cũng thất nghiệp. Những người nấu cỗ thuê ở các đám cưới ngoại thành “ngồi chơi, xơi nước” vài tháng nay. Chị Thanh Tâm - chủ nhóm nấu cỗ thuê thâm niên 15 năm (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự: “Ở ngoại thành, nhà cửa rộng rãi, các gia đình ít tổ chức tại các nhà hàng, tiệc cưới vì tốn kém. Họ tổ chức ở nhà vừa tiết kiệm, vừa ấm cúng. Để tổ chức đám cưới hơn trăm mâm cỗ, họ đã phải thuê đội ngũ nấu cỗ như chúng tôi. Bởi vậy, cứ vào mùa thu cho tới mùa xuân, vào những năm trước, tôi làm không hết việc. Có đợt, gia đình tôi phải thuê thêm 40 người nấu cỗ cho 4 đám, mỗi đám hơn trăm mâm. Công việc nhiều, tuy mệt nhưng rất vui. Nhưng giờ thì mọi việc đã khác. Hơn 4 tháng nay, đơn đặt nấu cỗ của tôi giảm đi rất nhiều. Các gia đình thường báo hỉ hoặc tổ chức nội bộ với 3 mâm cỗ tự nấu. Tôi mong sớm vãn dịch bệnh để có thể được “nổi lửa” vào mùa cưới”.

… Dù đang gặp khó khăn, những người theo ngành tổ chức tiệc cưới hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đã đi đúng hướng phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh. Sức khỏe là vàng, tuy kinh tế eo hẹp nhưng những người trong ngành tổ chức tiệc cưới cùng nhau “liệu cơm gắp mắm”, cùng nhau “tạo vòng tròn nhỏ”, bảo vệ mình và cộng đồng đẩy lùi đại dịch. Họ mong sớm có cuộc sống “bình thường mới” đầy lạc quan và tích cực. Sẽ sớm có những mùa cưới đầy ắp nụ cười…

Theo Hiệp hội các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới tại Việt Nam, trước khi dịch Covid xuất hiện, dịch vụ cưới phát triển. Chi phí bao gồm: tiệc cưới 50% + wedding studio (áo cưới, album, trang điểm) 30% + nữ trang, quà tặng 15% + du lịch 5%. Mỗi năm ước tính có 2,6 triệu đám cưới. Chỉ với 20% trong số những cặp này tổ chức cưới bài bản, Việt Nam sẽ có thị trường 520.000 đám cưới/năm. Mỗi cặp làm đám cưới chi trung bình 80 triệu đồng, tổng sẽ có 2 tỉ USD. Phần còn lại 80% sẽ đóng góp thêm 3 tỉ USD nữa. Tổng cộng doanh thu cho cả thị trường này ước tính là 5 tỉ USD.

Ngành dịch vụ tiệc cưới hiện nay chia ra mảng lẻ: tổ chức tiệc nhà hàng, làm hoa, thuê áo cưới, trang điểm, chụp hình… và chỉ làm theo mùa. Đa số những người trong ngành này ở Việt Nam là tự phát và vẫn chưa có chuẩn để đánh giá mức độ chuyên nghiệp của dịch vụ. Có lẽ, do thói quen của người Việt nên chưa có doanh nghiệp trong nước dám mạnh dạn tiên phong và cũng chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào bước chân vào lĩnh vực này, mặc dù ở các nước khác dịch vụ này được chuyên nghiệp hóa từ lâu.

Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn và các dịch vụ để tổ chức tiệc cưới khá tốt. Chỉ cần liên kết lại và chuẩn hóa thì việc quảng bá cho loại hình kinh doanh này sẽ rất triển vọng. Chưa cần lượng khách hàng nước ngoài, chỉ riêng thị trường nội địa đã đủ thấy lớn. Đặc biệt, kinh doanh tiệc cưới không chỉ mang lại mức sinh lời hấp dẫn, mà đồng tiền của nhà đầu tư còn được xoay vòng nhanh. Trong dài hạn, thị trường tổ chức tiệc chuyên nghiệp là một xu hướng kinh doanh mới đầy tiềm năng.

Đọc thêm