Một ngày không công nghệ

(PLO) - Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi, mình đã phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ chăng? Đi đến bất cứ chỗ nào, bạn cũng mang theo điện thoại, rồi máy tính bảng, máy tính xách tay. Chỗ nào cũng có thể kết nối internet. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ quán cà phê đến bến xe, thậm chí là trên xe khách. Để ý thì thấy, chính công nghệ đang giết chết dần cảm xúc của chúng ta, những giao tiếp thông thường, sự chia sẻ và thấu hiểu đến ngọn nguồn. Cách giao tiếp truyền thống - đó là gặp mặt. Bạn chỉ cần nhìn thấy những cảnh tượng đơn giản hơn, là bốn, năm người bạn hẹn nhau đến quán cà phê, nói với nhau dăm, ba câu, rồi ai cũng dán mắt vào màn hình điện thoại của người đó, chẳng nói câu nào cho tới lúc về. Cặp trai gái yêu nhau, mang nhau đến quán cà phê trò chuyện sôi nổi lúc đầu, rồi tự dưng chẳng thấy nói gì nữa, mỗi người cầm một chiếc điện thoại.

Ở các gia đình, cả ngày các thành viên không được gặp nhau. Ai cũng có công việc của người đó. Con cái thì đi học, bố mẹ đi làm kiếm tiền. Buổi tối cơm nước xong là ai vào chỗ người nấy. Bố xem ti vi, mẹ chat với bạn bè, con chơi điện tử… Hay như ở các phòng trọ, người này chỉ cách người kia bức tường, mà cũng nhắn tin, cũng nói chuyện với nhau qua facebook. Những giao tiếp để bộc lộ cảm xúc, để chia sẻ, tạo sự gắn kết đã bị teo tóp. Bạn có nghĩ một ngày, con người trở nên trơ lì cảm xúc, hoặc sẽ chẳng còn hình thức giao tiếp trực tiếp?

Tôi thích thú khi trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, đã có nhóm bạn thử chơi trò “Một ngày không công nghệ”. Người tổ chức đứng lên gợi ý, rồi thống nhất, thu lại tất cả các thiết bị điện tử của nhóm cất đi. Lúc đầu có người còn phản ứng, nói là phải chờ cuộc gọi của người này, chờ chat với người kia. Có người bảo đối tác sẽ gửi tài liệu… 

365 ngày/năm, mỗi người đều quen có các thiết bị điện tử ở bên mình. Giờ phải buông ra, thật không dễ. Những người tổ chức có tài ăn nói, đã thuyết phục được các thành viên tham gia. Và hôm đó, họ đã có một trải nghiệm đến thú vị. Tài năng ca hát, kể chuyện, diễn thuyết, nấu nướng… của mỗi thành viên đều được bộc lộ. Họ cũng có thời gian thư thái, nói chuyện trực tiếp với nhau trên bãi biển. Họ biết thế nào là thưởng thức gió biển. Đêm đến thì ngồi ngắm trăng sao và tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ. Thật lạ là, tất cả những thành viên dường như đều muốn nối dài đêm vui văn nghệ trên bờ biển đó. Họ vẫn thòm thèm và phải trở về nghỉ để hôm sau mọi người đi chơi tiếp. Buổi sáng hôm sau, trong giờ ăn sáng, người tổ chức đã trả lại điện thoại cho các thành viên. Lúc này, các thành viên đều nhận ra, sự thú vị của một ngày không lệ thuộc vào công nghệ.

Chuyện của anh bạn trong kỳ nghỉ lễ, cũng giống như cha tôi. Nhiều lần thấy con trai điện thoại liên tục. Rồi đa số thời gian dán vào màn hình máy tính đọc báo. Cha hỏi: “Ngày xưa thích trăng sao giờ cứ dính lấy công nghệ. Con không rời nó ra được một chút sao?”.

Câu nói của cha đã nhắc nhở tôi. Tôi đã mụ mị vì công việc và công nghệ. Tối đó tôi cho phép mình lên bờ đê hóng gió và ngắm trăng. Một cảm giác thư thái dễ chịu. Tôi quên những hàng chữ, những bức ảnh, những tin tức giật gân hay câu khách rẻ tiền. Tôi hít thở không khí trong lành và hòa quyện với thiên nhiên. Cha đã đứng sau tôi tự bao giờ. Ông bảo: “Cha chẳng công nghệ công nghiếc gì, chỉ có chiếc máy điện thoại bàn, với chiếc ti vi là đủ. Cha vẫn có cuộc sống vui vẻ, có những người bạn tối lửa tắt đèn có nhau. Còn thế hệ các con, sao phải cần nhiều thứ đến thế!”.

Quả thật, chúng ta đã quá lệ thuộc. Và điều đó làm cho mối quan hệ và sợi dây liên kết với mọi người bị lỏng lẻo dần đi. Bạn thử một ngày tắt điện thoại, không vào mạng, sờ đến máy tính xem sao. Hẳn nhiên, bạn sẽ có những giây phút thư thái thật sự, để rồi sau đó, điều tiết bản thân để khỏi bị công nghệ dắt đi. Đúng là, công nghệ dù sao chẳng thể làm thay quả tim con người. Bởi cảm xúc, cùng với quả tim, là điều kỳ diệu nhất mà con người vượt trội so với những cỗ máy.

Đọc thêm