[links()] Gần trọn cuộc đời, mẹ Đinh Thị Gơi (ở xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã hy sinh cho Đảng, cho đất nước. Tuy đến nay mẹ mới được lập danh sách để công nhận là mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng với người Ba Na nơi đây, mẹ đã trở thành anh hùng từ lâu trong mắt họ.
Mẹ Gơi kể chuyện về cuộc đời cách mạng của mẹ |
Không sao quên máu đồng đội đã thấm đỏ áo mình
Một ngày cuối tuần, chúng tôi về xã An Trung để được gặp mẹ Gơi, đến quá trưa mẹ mới đi làm về, những giọt mồ hôi đang lăn dài trên gò má mẹ, vội lau những giọt mồ hôi mẹ đon đả cười.
Mẹ kể: Năm 1954, sau khi chiến thắng thực dân Pháp xâm lược, một số cán bộ chiến sĩ bắt đầu ra Bắc tập kết, là người địa phương nên mẹ thông thạo địa hình và mẹ đã nhận nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ. Khi đó công việc đang còn nhẹ nhàng và không nguy hiểm lắm. Đến năm 1960, khi đế quốc Mỹ xâm lược, mẹ trở thành du kích và được Đảng giao phó cho những nhiệm vụ quan trọng. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên năm 1962 mẹ Gơi được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời kỳ 1963-1964, tình hình hoạt động cách mạng rất khó khăn vì địch đóng quân trên địa bàn luôn đi càn quét nhân dân và cán bộ cách mạng. Mẹ Gơi nhớ lại, lúc đấy đói lắm, mẹ phải đào củ rừng, đi kiếm cây cỏ tranh về đốt làm muối cho các cháu của người anh trai (đã bị địch bắn chết) và đồng đội ăn qua bữa.
Năm 1964, cả bản làng phải bỏ mất một mùa lúa rẫy vì địch đánh chiếm rát quá, lúc đấy cả bản và cán bộ cách mạng chỉ trông chờ vào mùa lúc rẫy này để đảm bảo lương thực. Để có lương thực phục vụ ăn uống cho mọi người, mẹ và một số đồng đội phải tổ chức bí mật bơi qua sông cắt trộm lúa mang về. Nhiều lần bị địch phát hiện phải bỏ cả lúa để chạy, những lúc ấy mọi người phải nhịn đói cả mấy bữa liền.
Do là người thông minh, gan dạ và có sáng kiến tổ chức tốt các trận đánh, năm 1968 mẹ được bầu làm xã Đội trưởng. Để chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân, mẹ cùng đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt một số giặc tàn ác đang giữ chức vụ quan trọng trên địa bàn xã. Mẹ cùng 11 chiến sĩ đã đột nhập vào căn cứ địch và tiêu diệt những tên ác ôn đó.
Khi hoàn thành nhiệm vụ thì cả 11 đồng đội của mẹ đều đã hy sinh. Địch truy quét dữ dội nhưng mẹ vẫn đưa được 9 thi thể của đồng đội ra ngoài. Còn lại hai thi thể của đồng đội không thể nào mang ra được. “Mẹ đau đớn lắm. Cả 10 ngày mẹ không ăn không ngủ vì mỗi khi nghĩ đến máu của đồng đội mình thấm đỏ cả người là mẹ không thể kìm lòng được” - mẹ Gơi đưa tay lau những giọt nước mắt đang lăn trên gò má...
Tấm lòng bao la của mẹ
Ngày đất nước được giải phóng, mẹ được cử đi học chuyên tu, học xong mẹ về giữ chức vụ Chủ tịch Hội phụ nữ huyện An Khê. Đến năm 1989, sau khi huyện An Khê tách ra làm hai huyện là Kông Chro và An Khê thì mẹ về công tác tại huyện Kông Chro, sau một thời gian mẹ về làm Bí thư xã An Trung bây giờ. Bất cứ nhiệm vụ nào do Đảng và nhân dân giao phó cũng được mẹ hoàn thành xuất sắc. Mẹ Gơi được Đảng và Nhà nước phong tặng trên 20 huân, huy chương cùng các bằng khen, giấy khen ở các lĩnh vực. Năm 2012, mẹ được lập hồ sơ xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Giờ đây dù đã ở cái tuổi thất thập nhưng hàng ngày mẹ vẫn lên rẫy làm việc như bao người khác, tối về chăm sóc các con. Mẹ chấp nhận cuộc sống cô đơn cả một đời người vì “ngày trước trong du kích, có rất nhiều người thương yêu, muốn cưới mẹ làm vợ nhưng mẹ không đồng ý vì còn phải chăm sóc 5 người con mồ côi của anh chị mình. Hiện nay các cháu đã lập gia đình và có cuộc sống đầy đủ, mẹ cũng thấy được an lòng phần nào”.
Ngoài ra, mẹ còn nhận nuôi 4 cháu nhỏ lang thang cơ nhỡ khác nữa, hiện nay các cháu này cũng đã lớn khôn, hai cháu đã lập gia đình còn hai cháu đang ở cùng với mẹ. Tất cả đều được mẹ nuôi nấng và cho học hành đàng hoàng.
Mẹ Gơi tâm sự: “Thấy lũ trẻ lang thang,mẹ thương quá, gọi vào nhà cho ăn, xong rồi không biết vì sao các cháu không muốn đi nữa mà xin ở lại với mẹ. Chúng nó bảo khổ cũng chịu được, miễn là mẹ đừng đuổi nó đi, thấy nó nhỏ mà nói vậy thì mẹ nỡ lòng nào, với lại chúng đã không còn cha mẹ trên đời mà để đi lang thang vậy cũng tội chúng lắm con à”.
Các con cháu mẹ nuôi nấng bây giờ đã khôn lớn và có gia đình riêng, kinh tế gia đình của mẹ Gơi được xem là đã ổn định, ngoài làm rẫy ra mẹ con chăn nuôi cá, lợn, trâu, bò... Hàng năm, mẹ thu nhập cũng được trên 40 triệu đồng từ việc phát triển kinh tế gia đình. Tạm biệt mẹ để ra về mà mẹ cứ nắm chặt tay tôi mãi. Mẹ rưng rưng: “Bây đi rồi khi nào rảnh thì lại về chơi với mẹ nha con”. Trời Tây Nguyên lộng gió, lòng tôi bịn rịn như đã được ở bên mẹ từ lâu lắm rồi...
Ngọc Anh