Thành công chưa phải là hạnh phúc
“Người đi xây trường” là cách mà nhiều người gọi anh Quý. Không phải là thầy hay xuất thân từ các cơ sở sư phạm, anh Quý cũng chưa từng nghĩ mình sẽ có mối lương duyên gắn bó đặc biệt với những đứa trẻ vùng cao trên khắp Việt Nam như vậy. Thậm chí, nếu không gặp anh của hiện tại mà là của 20 năm trước, có thể nhiều người sẽ thấy một cậu trai đầy vẻ tự mãn bởi những thành công, theo anh, đến quá sớm và quá nhanh.
Ngoài 20 tuổi, anh đã thành công khi mở doanh nghiệp xây dựng và đứng top những ông chủ trẻ nhất tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ. Khoảng năm 2000, Phạm Đình Quý bước lên đỉnh cao sự nghiệp với số tiền kiếm được một năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Rất nhiều dự án lớn liên tiếp rơi vào tay đã khiến vị kỹ sư này dễ dàng gặt hái được thành công. Rảnh, anh tham gia hoạt động từ thiện, “chém gió phần phật” trên các diễn đàn với nick “Bừa”, từng rất lừng lẫy trên Webtretho. Giống như anh thường nói: “Đã có lúc tôi thấy mình kiếm được rất nhiều tiền một cách quá dễ dàng”.
Nhưng rồi cũng như quy luật của cuộc sống, điều gì đến quá nhanh cũng sẽ rời đi rất nhanh, trên đỉnh cao sự nghiệp, anh nhanh chóng nhận lấy những “trái đắng” trong nghề. Phá sản, trắng tay, đối với những người làm kinh doanh lớn, điều này như một “đòn giáng” trong cuộc sống của họ. Anh Quý cũng như vậy. Phá sản như một cậu chuyện buồn trong cuộc đời của kỹ sư 50 tuổi: “2006 tôi thất nghiệp, phá sản, trở về vạch xuất phát với con số 0 tròn trĩnh, chỉ còn duy nhất một chiếc ô tô để đi lại cũng bị lừa mất. Tôi thở nhẹ, coi như mây của trời cứ để gió cuốn đi”, anh trầm ngâm nhớ lại.
Những ngày chìm sâu trong thất bại, anh nghĩ nhiều hơn đến giá trị thật sự của cuộc sống, anh cũng ngẫm ra nhiều điều về nhân sinh quan. Cũng chính những nhận thức mới trong anh đã vực dậy tinh thần, anh quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho việc làm từ thiện. Nhưng cơ duyên với lũ trẻ nhỏ cũng chưa đến vội vàng mà gợi mở với anh như những khám phá đặc biệt trong từng chuyến thiện nguyện.
Anh kể lại, có chuyến đi đến Mường Lát (Thanh Hoá), bắt gặp cảnh những đứa trẻ đi học nhưng bữa cơm bán trú lại nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng, học hành trong không gian lán trại vô cùng thiếu thốn, tạm bợ, trong anh thôi thúc phải làm được điều gì đó cho những đứa trẻ. Những lớp học, điểm trường chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, mưa không che được dột, rét không ngăn được gió lùa. Thức ăn hàng ngày của các em học sinh chủ yếu là rau rừng và muối trắng, thỉnh thoảng được cải thiện bằng thịt chuột tự săn. Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc và là sự khởi đầu cho hành trình xây trường vùng cao cho các em nhỏ của anh.
Anh chia sẻ: “Năm 2012, khi đó tôi 40 tuổi, trong 1 lần lái xe tải lên vùng cao làm từ thiện, chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của bà con nơi đã đi qua… tôi ngồi lặng lẽ. Tôi tự hỏi, 40 năm qua, mình đã làm được gì cho đời: Kiếm được hàng chục tỷ rồi đánh mất, hay là một anh lái xe chỉ biết chở đồ từ thiện lên vùng cao? Kiến thức mình học được cuối cùng có tác dụng gì?… Và tôi quyết định, mình phải vượt khỏi vũng an toàn này và sẽ làm một điều gì đó không bình thường”.
Thế rồi, cùng với ý tưởng về những điều “không bình thường” ấy, anh đã quyết tâm sẽ xây cho những học sinh vùng cao nơi ấy một mái trường nhỏ, một không gian để có thể che nắng, che mưa, để các em có thể yên tâm học tập. Tình thương anh gửi trao cho núi non, cho dân bản và đặc biệt là những đứa trẻ nguyên sơ nguyên thủy - niềm động lực tiên quyết thôi thúc anh lên đường.
Từ đó đến nay, ròng rã nhiều năm, anh gắn bó hoàn toàn với hành trình đi xây trường cho học trò vùng cao. Chẳng thể nhớ rõ đã xây được bao nhiêu điểm trường, anh chỉ tâm niệm bản thân cố gắng giúp cho các em được bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Có khi anh em trong đoàn thiện nguyện của anh ngồi nhẩm đếm lại, số trường anh đã xây xấp xỉ hơn 150 công trình.
Chưa một lần mường tượng bản thân sẽ đi vòng quanh thế giới, nhưng với những nỗ lực của mình để đưa những mái trường khang trang lên vùng cao nghèo khó, anh đã di chuyển 365.000km, tương đương 9 vòng Trái Đất. Đổi lại, những mái trường tranh tre dột nát trở thành những điểm trường khang trang, đẹp đẽ như những bông hoa nở rộ giữa bản làng, núi rừng.
Kỹ sư Phạm Đình Quý nhận được sự yêu mến của trẻ em vùng cao. Ảnh chụp trước khi dịch bùng phát lần thứ 4. |
Đồng hành cùng trẻ trên con đường “tìm chữ”
Để xây một ngôi trường trên vùng núi cao không phải là điều dễ dàng, từ khâu vận chuyển vật liệu đến nhân công xây dựng đều phải rất khó khăn mới đáp ứng được. Với mỗi điểm trường từ Điện Biên tới Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang trung bình được xây nên từ 10.000 viên gạch, 30 mét khối cát và khoảng 10 tấn xi măng. Những con số biết nói này đã chứng minh một sức mạnh phi thường của người thợ cả. Với anh, điều anh nhận được khi tới với mỗi điểm trường, xứng đáng để bản thân cố gắng cho những khó khăn đó.
Kỹ sư Phạm Đình Quý tâm sự: “Giá trị của điều này mang lại cho xã hội, nhất lại là cho lớp trẻ ở độ tuổi con, cháu mình. Tôi cũng nghĩ rằng các cháu được hưởng như vậy thì cũng như con, cháu mình sau này sẽ được sống trong môi trường, xã hội yêu thương nhau, tốt đẹp với nhau. Những ngôi trường tôi xây cho các cháu đầu tiên sẽ là rất nhỏ, ban đầu có thể nghĩ rằng đó là việc mà mình sẽ chỉ làm 1 cái để kỷ niệm cho cuộc đời nhưng khi làm xong thấy được mọi người ủng hộ và thấy đó thực sự là một việc ý nghĩa đúng như thâm tâm tôi mong muốn, chính là nhìn thấy thế hệ con cháu mình sống văn hóa hơn, tốt đẹp với nhau hơn. Đó là những giá trị vô hình không thể đong đếm được bằng tiền mà đó là tình cảm yêu thương mà thế hệ đi trước dành cho các cháu”.
Xây trường cho trẻ vùng cao, chính anh và những nhà hảo tâm cùng đồng hành đã mang lại cơ hội được học tập tốt hơn đối với những trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng cao. Điều đặc biệt nhất và lớn nhất mà anh Quý thấy hạnh phúc nhất đó chính là tình thương yêu mà bà con miền núi dành cho anh bởi anh không chỉ xây trường mà còn xây nên một cách sống, cách tiếp nhận mới cho người dân vùng cao.
Gần đây nhất, ngôi trường thứ 3 tại Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã được xây xong. Đến khảo sát địa bàn vào thời điểm miền Trung oằn mình trong lũ lụt, anh cùng nhóm tình nguyện thật sự thương cảm với cuộc sống của người dân và của những em học sinh. Với sự kêu gọi và nỗ lực của cả nhóm, một điểm trường mới khang trang, đẹp đẽ được xây nên trên chính vùng đất khó cằn sỏi đá ấy. Dù không có lễ khánh thành do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với anh Quý, mỗi điểm trường như thế đều mang ý nghĩa lớn lao, là sự “chắp cánh” để con đường “tìm chữ” của trẻ vùng cao đỡ phần cực nhọc.
Xây trường là cách để anh giúp trẻ em vùng cao và cuộc sống người dân có thể cải thiện và tiếp cận được tri thức mới của xã hội. “Điều cội nguồn là phải đầu tư về giáo dục con người. Con người làm nên tất cả. Bạn có xây một con đường dù có đẹp đến mấy những tri thức của các em không có, nhận thức của người dân không có thì tất cả mọi thứ đều không có giá trị. Chính vì vậy, mình muốn lúc bé các cháu được học, được tiếp nhận tri thức của xã hội và từ đó phát triển đi lên”, anh Quý chia sẻ.
Anh mơ ước có thể cùng cộng đồng xây dựng khoảng 1.000 trường học cho trẻ em nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Với những nhà hảo tâm và cộng đồng tuyệt vời như thế, anh tin mục tiêu đó có thể thực hiện được.