Một phút tội lỗi, một đời day dứt: Bài cuối: 1 phút gây án, bản án chung thân và bài học “chọn bạn mà chơi”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là đồng phạm trong vụ “Giết người, cướp tài sản”, phải chịu mức án chung thân, phạm nhân Hoàng Nghĩa (tên phạm nhân và nạn nhân trong bài đã thay đổi; SN 1989, đang thụ án tại Trại giam Phú Sơn 4) suốt 16 năm nay, mỗi khi nghĩ về tội lỗi đã gây ra, vẫn ám ảnh không hiểu nổi vì sao mình lại có thể gây án mạng chỉ vì được một người bạn “rủ rê”.
Phóng viên Báo PLVN gặp phạm nhân Nghĩa trong Trại giam Phú Sơn 4 (Ảnh: Tố Vân).
Phóng viên Báo PLVN gặp phạm nhân Nghĩa trong Trại giam Phú Sơn 4 (Ảnh: Tố Vân).

Giết người, giấu xác

Nghĩa là con trai duy nhất trong gia đình có 2 chị em, bố mẹ làm nông nghiệp. Học xong cấp 3, Nghĩa không có dự định thi đại học mà chủ yếu ở nhà tụ tập, đàn đúm với đám bạn lêu lổng, gây án khi mới 19 tuổi.

Theo hồ sơ, tháng 10/2007, bạn của Nghĩa là Vũ Đức Quỳnh (SN 1989, quê Thái Nguyên) đến làm việc cho một Cty trụ sở tại Thái Nguyên. Theo quy định của Cty này, mỗi nhân viên khi vào làm việc phải đóng 3 triệu đồng, Quỳnh đã nộp cho chị Đoàn Thị Lan (SN 1986) là kế toán của Cty số tiền trên, vào làm việc một thời gian, sau đó tự ý bỏ việc. Quỳnh đến gặp đòi lại số tiền đã nộp vào Cty nhưng chị Lan chưa trả.

Mang tâm lý bực bội, ngày 6/1/2008, Quỳnh bàn với Nghĩa tìm cách “điều” chị Lan vào khu vực sân bay Đồng Bẩm (huyện Đồng Hỷ, nay là TP Thái Nguyên) để sát hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Rất tình cờ, chị Lan lại là chị ruột của một bạn gái học cùng lớp cấp 3 với Nghĩa.

Chiều 10/1/2008, Nghĩa đi xe ôm từ Đồng Hỷ sang TP Thái Nguyên gọi điện nói chị Lan ra cho Nghĩa gặp để làm hợp đồng làm việc cho Cty, còn Quỳnh đi bộ vào khu vực nhà bỏ hoang của sân bay chờ sẵn. Chị Lan tới, Nghĩa chạy xe máy của chị Lan, bịa chuyện: “Hai chị em đi lấy tiền để em nộp cho chị”. Chạy đến khu vực nhà bỏ hoang của sân bay, Nghĩa dừng xe, xông vào vật chị Lan ra đất rồi hú lên một tiếng gọi Quỳnh. Cả hai đã tước đoạt mạng sống nạn nhân, mang thi thể đi giấu tại bãi rác thuộc xóm 5, thị trấn Sông Cầu. Quỳnh lục túi nạn nhân lấy được 26 ngàn đồng và một chiếc điện thoại, mang đồ dùng của nạn nhân đi phi tang. Hôm sau Quỳnh bán điện thoại của nạn nhân được 550 nghìn đồng rồi gọi Nghĩa ra chia cho 250 nghìn đồng. Quỳnh bán xe máy của nạn nhân được 11,5 triệu đồng và bỏ trốn.

Một ngày sau đó, những người nhặt rác phát hiện thi thể chị Lan dưới hố rác. Sáng 12/1/2008, công an đã bắt được Quỳnh và Nghĩa.

Bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên năm 2009 tuyên tử hình với Quỳnh về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”; Nghĩa bị phạt chung thân. Quỳnh đã phải thi hành bản án tử hình từ năm 2010.

Ngày ngày đối diện “tòa án lương tâm”

Chàng trai 19 tuổi khi gây án, nay đã là người đàn ông 35 tuổi, với 16 năm thụ án trong tù. Nghĩa tâm sự, 16 năm qua chấp hành bản án pháp luật đã tuyên, thì còn “tòa án lương tâm” ngày ngày làm Nghĩa day dứt, ân hận.

Tự vấn bản thân, Nghĩa cho rằng dẫn đến tội ác ấy, phần nhiều do không tự tu dưỡng bản thân, suy nghĩ nông cạn, ham chơi bời với bạn xấu, sự nhận thức chưa chín chắn, không chịu nghe lời cha mẹ; và quan trọng bậc nhất là đã chơi với người bạn xấu. Nghĩa hoàn toàn không có mâu thuẫn gì với nạn nhân, mà chỉ vì nghe theo lời bạn. “Thời gian gây án diễn ra quá ngắn ngủi, khoảng hơn 1 phút khiến tôi khi ấy chưa đủ lý trí để phân biệt đúng hay sai”, Nghĩa kể lại.

Sau khi gây án, Nghĩa kể cả ngày ngồi lì ở quán điện tử để quên đi cảm xúc sợ hãi, quên đi sự ám ảnh. Đến tối, Nghĩa không dám ngủ một mình mà rủ một người bạn nữa về nhà ngủ cùng, cho đến khi công an vào bắt giữ.

Có một tình tiết Nghĩa cho là đã làm thức tỉnh mình. Đó là một ngày sau khi bị bắt, hôm sau ngồi khai trên tầng 2 tòa nhà trụ sở công an thì Nghĩa được một điều tra viên gọi ra ngoài cửa, chỉ xuống sân. Nghĩa thấy bố mẹ mình đang bám víu vào hàng rào bên dưới ngóng tin con và một chiến sĩ công an đang tới khuyên nhủ cha mẹ Nghĩa hãy về nhà. “Nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi nhận ra tôi đã quá sai, đã cướp công nuôi nấng, cho ăn học của cha mẹ”, Nghĩa kể lại.

Nghĩa đã hai lần viết thư xin lỗi gửi người nhà nạn nhân, nhưng lại không đủ can đảm để gửi, mà đốt đi. Năm 2014, khi trại giam tổ chức chương trình “Viết thư gửi lời xin lỗi”, Nghĩa đã lấy hết can đảm, viết lá thư xin lỗi đề xuất nguyện vọng gửi bức thư này đến gia đình người bị hại.

“Từ bài học của bản thân tôi, mong rằng các bạn trẻ hãy tránh xa tệ nạn, tránh xa trò chơi điện tử, không giao du kết bạn xấu, nghe lời cha mẹ dạy bảo. “Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”. Khi nhận bản án chung thân, tôi mới thấy thấm thía lời khuyên răn này”, Nghĩa nói.

Đọc thêm