Thực tiễn cho thấy, các khiếu kiện chủ yếu liên quan đến hai vấn đề là thu hồi đất và bồi thường. Mặc dù đây là hai vấn đề pháp lý riêng biệt với các căn cứ pháp luật khác nhau nhưng có mối quan hệ liên quan với nhau.
Theo quy định tại Điều 6 Luật tố tụng hành chính 2015, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện.
Trường hợp thu hồi đất không đúng quy định có thể bị Cơ quan Nhà nước hủy bỏ quyết định thu hồi nếu ảnh hưởng đến quyền lợi hoặc việc bồi thường của người dân thì quyết định bồi thường cũng được hủy. Ngược lại, việc bồi thường không đúng quy định hoặc không được người sử dụng đất đồng tình sẽ không phải là căn cứ pháp luật cho việc xem xét để hủy quyết định thu hồi đất.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh. |
Một số trường hợp thu hồi đất sai
Luật đất đai trong các thời kỳ đều quy định, việc thu hồi đất phải đúng quy định pháp luật (căn cứ thu hồi, trình tự thủ tục, thẩm quyền). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong một số vụ kiện, Tòa án đã có các bản án tuyên hủy quyết định của Cơ quan Nhà nước do không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Đơn cử như tại Bản án số 347/2019/HC-PT ngày 11/6/2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người sử dụng đất về hủy Quyết định thu hồi đất số 1705/QĐ-CTUB ngày 25/12/2001 của UBND tỉnh Cà Mau và các quyết định định giải quyết khiếu nại vì lý do UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất là trái thẩm quyền quy định tại Điều 28 Luật Đất đai 1998 (thẩm quyền thu hồi đất đối với cá nhân, hộ gia đình là UBND cấp huyện).
Hay tại Bản án số 14/2017/HCST ngày 22/11/2017 của TAND tỉnh Nghệ An đã chấp nhận yêu câu cầu khởi kiện của người sử dụng đất và hủy một phần Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 của UBND huyện Yên Thành do thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của cấp xã thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật đất đai 2013.
Trong một vụ án hành chính khác mà Tòa án cũng chấp nhận yêu cầu khởi kiện hủy quyết định thu hồi đất, tại Bản án số 427/2019/HC-PT ngày 09/7/2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên sửa bản án sơ thẩm và chấp nhận hủy các Quyết định số 8493/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 về thu hồi đất và Quyết định số 10492/QĐ-BD ngày 16/10/20212 về bồi thường của UBND thị xã T, tỉnh Bình Dương vì lý do: bảng áp giá bồi thường thực hiện trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, biên bản kiểm kê và bản vẽ hiện trạng lập không đúng và sai ranh giới, không giao quyết định bồi thường do nguồn vốn phân bổ cho dự án không đủ để chi trả bồi thường cho dân nên không mời dân để giao quyết định và chi trả tiền,…
Trong một số vụ việc thu hồi đất của người dân nhưng họ không được giao quyết định thu hồi đất nên không thể thực kiện quyền khiếu kiện của mình. Tuy nhiên, theo Điều 67 Luật đất đai 2013 quy định, khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
Trường hợp người dân không nhận quyết định thu hồi đất thì Cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thủ tục công khai tại UBND cấp xã để người dân thực hiện. Do đó, nếu người dân không được giao quyết định thu hồi đất thì họ chưa phải chấp hành quyết định nhưng việc từ chối nhận quyết định sẽ vẫn phải thực hiện và ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người dân.
Nhiều khiếu kiện không đúng căn cứ về thu hồi đất
Tại trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án (congbobanan.toaan.gov.vn), có thể tìm thấy nhiều bản án trong đó Tòa án không chấp nhận hay bác yêu cầu khởi kiện của người sử dụng đất về yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất với các căn cứ như: đất thu hồi giao cho doanh ngiệp nên doanh nghiệp phải thỏa thuận với người sử dụng đất, bồi thường thấp hơn so với giá thông thường trên thị trường, người sử dụng đất chưa nhận tiền bồi thường,…. Đây là những trường hợp xác định sai đối tượng khởi kiện và căn cứ pháp lý tương ứng từng trường hợp.
Tại Bản án số 790/2020/HC-PT ngày 29/12/2020, TAND Cấp caotại TP.HCM đã không chấp nhận yêu cầu của người sử dụng đất về yêu cầu hủy Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 03/7/2019 của UBND TP.VT về việc thu hồi đất và yêu cầu được thỏa thuận bồi thường về đất đối với nhà đầu tư.
Người sử dụng đất đồng ý với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước nhưng cho rằng áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ không đúng pháp luật. Đất sau khi Nhà nước thu hồi được giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án kinh doanh nên không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi và Nhà nước áp giá bồi thường.
Trong vụ việc này có thể thấy, người khởi kiện chưa xác định đúng căn cứ khởi kiện cho yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất. Căn cứ Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng), cụ thể hơn là căn cứ “các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất”. Việc sau khi thu hồi, Nhà nước giao cho doanh nghiệp không phải là căn cứ, mà đúng quy định về quản lý đai và không vi phạm Điều 62 Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất, do đó yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất trong vụ án là không đúng căn cứ pháp lý cho yêu cầu của mình.
Ngoài ra, sau khi thu hồi đất mà trường hợp Cơ quan Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì đây là các vi phạm trong quản lý nhà nước nhưng chứ không phải là căn cứ pháp lý cho yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất trước đó.
Với người dân, nếu không đồng ý với giá đất bồi thường (và không có khiếu kiện về quyết định thu hồi đất) để không giao đất cho cơ quan giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp này, người dân nên nhận tiền bồi thường, các chính sách hỗ trợ để tránh vào tình trạng bị cưỡng chế, mặc dù tự nguyện bàn giao đất nhưng người dân vẫn có quyền tiến hành thủ tục khiếu kiện (khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính) đối với quyết định bồi thường dựa vào các quy định pháp luật về từng căn cứ vấn đề cụ thể như: giá đất cụ thể của UBND tỉnh, diện tích đất thu hồi, áp giá đất từng loại đất, nguồn gốc sử dụng đất,…
Qua rất nhiều vụ việc, nếu người dân không nhận tiền đền bù và khiếu kiện nhiều năm mà yêu cầu (hủy quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường) mà không được Tòa án chấp nhận thì khi nhận lại số tiền và các chi phí trong quá trình khiếu kiện sẽ dẫn đến kinh tế gia đình khó khăn và số tiền nhận lại càng không đủ để ổn định cuộc sống (mua đất khác để tiếp tục làm nông nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp,…) và tự để mất nhiều cơ hội và ảnh hưởng đến việc chăm lo chi phí học hành cho con. Có những trường hợp, những tổn thất đó trong nhiều năm cộng lại gấp nhiều lần phần giá trị khiếu kiện mà người dân theo đuổi.
Như vậy, khi thực hiện quyền khiếu kiện (khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính) của mình, việc hiểu đúng về vấn đề pháp lý của vụ việc sẽ giúp người dân có căn cứ và thực hiện quyền để bảo vệ quyền của mình, mặt khác giúp Cơ quan nhà nước việc giải quyết các vụ việc phức tạp này.