Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu bài viết của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này, đó là Thượng tá, ThS. Nguyễn Lê Cát - Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm – Viện Pháp y Quân đội.
1. Phương pháp nhân chủng, nhân trắc
Mỗi cá thể tồn tại trong tự nhiên có những đặc trưng về loài, con người có những đặc trưng về chủng tộc, về dòng họ, về gia đình và mỗi cá thể có những đặc trưng cơ bản về nhân trắc. Xuất phát từ những đặc điểm về nhân trắc và nhân chủng, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp nhận dạng cá thể trên cơ sở của khoa học về nhân chủng và nhân trắc học.
Phương pháp này là một phương pháp có nhiều ưu điểm và có giá trị đặc biệt khi phân tích và nhận dạng các cá thể theo loài, theo chủng tộc, theo giới tính nhưng khi phải nhận dạng cá thể trong cùng một loài, một chủng, một giới thì còn có nhiều hạn chế và độ tin cậy của kết quả không cao.
2. Phương pháp nhận dạng vân tay
Các nhà khoa học từ thế kỷ XIX đã đi sâu nghiên cứu vân tay người và khẳng định không có sự trùng lặp đặc biệt khi so sánh vân của cả 10 đầu ngón tay giữa những cá thể khác nhau và những đặc điểm về vân tay có tính di truyền. Do đó dấu vân tay là một bằng chứng khách quan để nhận dạng cá thể. Hiện nay hầu như tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng phương pháp nhận biết qua vân tay để quản lý và nhận dạng cá thể khi cần thiết.
Tuy nhiên, không phải trong tình huống nào cũng ứng dụng được phương pháp này do nhiều nguyên nhân khách quan và sự che dấu khôn khéo ngày càng tinh vi của các đối tượng tội phạm, những kẻ muốn giấu hoặc xoá tung tích. Do đó, để nhận dạng cá thể với độ tin cậy cao của kết quả nhất thiết phải nghiên cứu và sử dụng đồng thời nhiều phương pháp.
3. Phương pháp xác định nhóm máu và một số protein
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Landsteiner là người đầu tiên đã xác định sự tồn tại của 4 nhóm máu hệ ABO là A, B, AB và O. Đó là những hợp chất cao phân tử (kháng nguyên) tồn tại trên màng hồng cầu người. Các nhóm này tồn tại suốt cả đời người và được di truyền cho thế hệ sau. Sau đó, người ta còn tìm ra hàng loạt các “chất nhóm” khác trong các hệ nhóm máu như: hệ MN, hệ Rhesus, hệ Lewis, hệ Kell, hệ Duffy, hệ Kidd…, các kháng nguyên bạch cầu HLA (human leucocyt antigen), các isozym của huyết thanh hoặc hồng cầu...
Các yếu tố di truyền này đã giúp ích rất nhiều cho công tác nhận dạng cá thể và xác định quan hệ huyết thống. Hiện nay phương pháp này đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều phòng thí nghiệm của các lực lượng an ninh, cảnh sát, pháp y ở Việt nam và các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, phương pháp xác định nhóm máu còn có mặt hạn chế bởi trong quần thể người, tính đa hình của nhóm máu là không cao. Chẳng hạn, tỷ lệ người mang nhóm máu N thuộc hệ MNSs chiếm 67% nghĩa là cứ 100 người thì có 67 người mang nhóm máu N. Do đó, để nhận dạng được cá thể thì phải sử dụng kết hợp rất nhiều các yếu tố di truyền khác nhau.
Nếu dùng từ 15-17 yếu tố di truyền thì trong khoảng 300.000 người mới có 2 người có các yếu tố di truyền giống nhau. Việc kiểm tra kết hợp quá nhiều yếu tố như vậy là không phải dễ dàng đối với các sinh phẩm thu được tại hiện trường và cũng tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, các phân tử protein lại rất dễ bị biến tính ở điều kiện môi trường bên ngoài nên có thể làm sai lệch quá trình xét nghiệm dẫn đến kết luận không chính xác.
4. Phương pháp phân tích ADN
Có hai phương pháp phân tích ADN thường được sử dụng, đó là phân tích ADN nhân và phân tích ADN ty thể.
4.1. Phân tích ADN nhân
Phân tích ADN nhân dựa vào cấu trúc, đặc điểm, và tính di truyền của phân tử ADN trong nhân tế bào, là một bước nhảy vọt trong các phương pháp nhận dạng cá thể. Với phương pháp này, ADN được tách chiết từ nhân tế bào bằng các phương pháp khác nhau (vô cơ hoặc hữu cơ), sau đó được nhân lên một cách chọn lọc ở một số vị trí bằng các đoạn mồi đặc hiệu để có một số lượng bản sao đủ lớn cho yêu cầu phân tích bằng kỹ thuật PCR. Các bản sao ADN đặc hiệu của cá thể sẽ được phân tích bằng phương pháp điện di trên gel agarose và polyacrylamide hoặc trên máy phân tích tự động.
Với phương pháp này chúng ta có thể nhận dạng cá thể hoặc xác định các quan hệ di truyền (huyết thống) một cách chính xác và dễ dàng từ một mẫu sinh phẩm rất nhỏ có chứa tế bào.
4.2. Phân tích ADN ty thể
Ngoài nhân tế bào, ADN còn tồn tại trong ty thể dưới dạng mạch vòng và các nhà khoa học đã chứng minh được đặc điểm di truyền theo dòng mẹ của ADN ty thể. Căn cứ vào các đặc điểm này các phân tích về ADN ty thể và các ứng dụng của nó trong nhận dạng cá thể đã được phát triển và thu được những thành tựu to lớn. ADN ty thể cũng được tách chiết và nhân bản đặc hiệu (PCR), sau đó được tạo dòng, tinh sạch (cloning), cuối cùng các đoạn ADN ty thể đặc hiệu được giải trình tự bằng các thiết bị chuyên dụng (sequencing).
Kết quả được sử dụng trong các phân tích nhận dạng cá thể và xác định quan hệ di truyền theo dòng mẹ. Phân tích ADN ty thể có ý nghĩa quyết định khi các điều kiện để áp dụng cho phân tích ADN nhân không thực hiện được và là phương pháp đang được lựa chọn sử dụng trong giám định hài cốt liệt sĩ.