Thỏa thuận bị quy là “uy hiếp”?
Cuối năm 1998 đầu năm 1999, gia đình ông Nguyễn Văn Bản (SN 1953, trú tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã nộp cho ông Hồ Văn Mênh (lúc đó là cán bộ địa chính xã Đại Cương) 3 lần tiền, tổng cộng là 22,9 triệu đồng để làm thủ tục hợp thức hóa 1.500m2 đất ao thầu gia đình đang sử dụng. Năm 2003 nộp thêm 500.000 đồng để làm sổ đỏ.
Sau đó, do chỉ được hợp thức hóa 1/2 diện tích đất như đề nghị nên gia đình ông Bản đã tìm hiểu và được biết ông Mênh chỉ nộp hộ 11 triệu đồng vào ngân sách xã, còn 12,4 triệu đồng đã bị “ỉm” mất. Thấy vậy, vào tháng 6/2014 gia đình ông Bản đã đến gặp vợ chồng ông Mênh để đòi bồi thường thiệt hại do không được hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất. Sau nhiều lần nói chuyện, vợ chồng ông Mênh chấp nhận trả cho gia đình ông Bản 400 triệu đồng vì theo cách tính của vợ ông Bản là “số tiền nộp cho ông Mênh ngày ấy tương đương một suất đất, theo thời điểm bây giờ thì phải 6 đến 7 trăm triệu đồng”.
Mấy tháng sau, ông Mênh bị khởi tố, bắt giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” do “biển thủ” tiền của một số hộ dân. Trong quá trình bị tạm giam, bị can Mênh đã khai ra việc đưa 400 triệu cho gia đình ông Bản. Từ đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bảng đã khởi tố và bắt giam ông Bản về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kim Bảng đều thừa nhận ông Mênh có hành vi chiếm đoạt tiền của gia đình ông Bản (nhưng cho rằng hết thời hiệu nên không truy cứu trách nhiệm hình sự). Như vậy thì rõ ràng ông Mênh có gây thiệt hại cho gia đình ông Bản. Không hiểu tại sao cả Cơ quan CSĐT lẫn VKSND huyện Kim Bảng đều lờ đi trách nhiệm bồi thường của ông Mênh và cho rằng ông Bản cưỡng ép trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng này?
11 triệu biến đi đâu?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Kim Bảng thừa nhận trong vụ việc này thì bị can Bản có câu nói “tôi đã đơn, thư kiện tụng gì đâu” và “ông bà tính thế nào thì tính, sau này có chuyện gì xảy ra thì đừng trách tôi chỗ bạn bè quen biết không nói trước”. Tuy nhiên, tại Cáo trạng mới đây do chính ông Hùng ký thì nhưng câu nói trên của ông Bản lại bị suy diễn thành hành vi cụ thể là: “đe dọa, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Mênh, uy hiếp tinh thần của vợ chồng ông Mênh”.
Phản đối nội dung này, anh Nguyễn Văn Được (con trai bị can Bản) nói: “Bố tôi không hề có lời nói nào dọa tố cáo hay dọa đánh đập ông Mênh cả. Việc đền bù bao nhiêu tiền là do vợ chồng ông Mênh thống nhất chấp nhận. Khi đưa tiền, vợ ông này còn nói: “Tôi xin trả ông bà 400 triệu”. Cho rằng bị uy hiếp, tại sao vợ chồng ông Mênh không tố cáo ngay mà 4-5 tháng sau, khi biết không thể tránh được tù tội và thấy tiếc tiền thì ông này mới khai ra việc này? Còn nói bố tôi lợi dụng lúc ông Mênh đang bị điều tra, xác minh, kiểm tra để đòi tiền là không đúng.
Việc đòi ông Mênh phải đền bù vào lúc nào là quyền của gia đình tôi, pháp luật không cấm lúc nào được đòi, lúc nào thì không được đòi. Sở dĩ gia đình tôi đòi ông Mênh tiền vào tháng 6/2014 là vì lúc này thì gia đình tôi mới biết bị ông Mênh chiếm đoạt tiền như nhiều gia đình khác trong xã. Trước đó, do bị ông Mênh nói dối nên gia đình tôi cứ chờ đợi với hy vọng là được hợp thức hóa nốt đất. Sau, ông Mênh lại nói là do giá đất tăng nên phải nộp nhiều”.
Một nội dung nữa trong Cáo trạng bị gia đình anh Được phản đối là việc VKSND huyện Kim Bảng chỉ thừa nhận ông Mênh thu tiền sử dụng đất của gia đình bị can Bản tổng cộng là 12,4 triệu đồng. Trong khi thực tế, ông Mênh đã thu tổng cộng là 23,4 triệu đồng (Kết luận điều tra đã thừa nhận con số này).
Trừ đi 11 triệu mà ông Mênh nộp hộ vào ngân sách xã thì số tiền mà ông Mênh chiếm đoạt của gia đình bị can Bản là 12,4 triệu đồng. Tuy nhiên, như cách tính của VKSND huyện Kim Bảng thì số tiền ông Mênh chiếm đoạt là 1,4 triệu đồng. Chính vì sự tính toán mâu thuẫn với Kết luận điều tra này mà mới đây, TAND huyện Kim Bảng đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nội dung trên.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả điều tra bổ sung vụ án này./.