Tảo hôn - tránh được “vỏ dưa” lại gặp phải “vỏ dừa”

(PLO) - Mặc dù thực tế hầu như không có trường hợp nào bị xử lý hình sự về tội tảo hôn nhưng nhiều gia đình đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì con trai sa vào vòng lao lý do phạm tội “Giao cấu với trẻ em”, thậm chí là phạm tội “Hiếp dâm”.
Hình ảnh “cô dâu nhí” ở một đám cưới.
Hình ảnh “cô dâu nhí” ở một đám cưới.
Án tù lơ lửng trên đầu
Tháng 12/2014, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị hại và bị cáo, giảm án cho Nguyễn Văn Đệ (21 tuổi, trú TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) từ 3 xuống còn 1 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. Nguyên do là khi tổ chức đám cưới, cô vợ của Đệ chưa đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian vợ “ở cữ”, Đệ có quan hệ ngoài luồng với người con gái khác, không chăm sóc vợ con. 
Tức giận vì người con rể phụ bạc, gia đình Hằng đã làm đơn tố cáo lên công an. Sau khi bị TAND TX.Ninh Hòa phạt 3 năm tù, Đệ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nghĩ tội con rể, gia đình Hằng cũng có đơn xin cho Đệ được hưởng án treo nhưng Tòa chỉ chấp nhận giảm án cho Đệ xuống còn 1 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. 
Đau lòng hơn là câu chuyện của chú rể Nguyễn Thanh Phương (24 tuổi, tại TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị bắt giam chỉ 10 ngày trước khi cô vợ nhí 15 tuổi của mình sinh con đầu lòng. Nguyễn Thanh Phương đã bị VKSND TX.Bình Minh truy tố tội “Giao cấu với trẻ em” sau ngày cưới hai tháng. Còn cha mẹ của cô gái thì bị xử phạt hành chính do tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Nhiều gia đình khi con gái trót “ăn cơm trước kẻng” đã tìm mọi cách gây sức ép với nhà trai, bắt nhà trai tổ chức đám cưới cho bằng được mặc dù con gái chưa đến tuổi kết hôn. “Cơm lành, canh ngọt” thì không sao, nhưng khi “ngứa mắt” với ông rể trẻ con (mà điều này rất hay xảy ra vì các nam thanh niên sớm bập vào gia đình chưa đủ khôn khéo để lo toan, ứng xử), nhiều gia đình đã làm đơn tố giác chính con rể của mình. 
Hậu quả là nhiều nam thanh niên dù thoát được tội tảo hôn nhưng lại sớm sa vào vòng lao lý vì tội “Giao cấu với trẻ em” (nếu cô dâu từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), thậm chí là tội “Hiếp dâm trẻ em” (nếu cô dâu chưa đủ 13 tuổi).
Giải pháp nào cho vấn nạn tảo hôn?
Khi đề xuất phi hình sự hóa đối với tội tảo hôn trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, Chính phủ mới chỉ lý giải được rằng xét về bản chất thì tính nguy hiểm của hành vi này không cao nên chỉ cần xử lý các hành vi này theo chế tài hành chính là phù hợp mà chưa đưa ra được các số liệu thống kê về tình trạng tảo hôn và các con số thuyết phục cho đề xuất này. 
Trong khi đó, theo phản ánh của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quyền con người Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì tảo hôn trong một số nhóm cộng đồng và dân tộc thiểu số ở Việt Nam là vấn đề nan giải. 
Tảo hôn không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em gái mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc đó cũng như cả quốc gia. 
Các báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng chỉ ra rằng, việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đặc biệt kết hôn cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc và miền núi và sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, vấn đề đặt ra là phi hình sự hóa tội tảo hôn không phải chỉ là bỏ đi một quy định không đi vào thực tế cuộc sống mà cần phải kèm theo đó các quy định, các chính sách phù hợp để không làm phát sinh tâm lý bỏ tội tảo hôn là được tảo hôn hoặc chí ít thì cũng góp phần ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn này./.

Đọc thêm