Cũng với những mâu thuẫn về tình trạng thương tích của bị hại chưa được làm rõ thì tại phiên tòa này còn lộ ra việc đánh bút lục khá lạ lùng của CQĐT.
Bác sỹ Ngô Thị Liệu là ai?
Như PLVN đã từng thông tin, bị cáo Hiền bị CQĐT Công an huyện Sóc Sơn khởi tố, bắt giam vì cho là có hành vi “kéo ngã” bà Lê Thị Ngân (SN 1947, hàng xóm) làm bà này bị “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái” (tổn hại 25% sức khỏe) và “sẹo nông mờ gối phải và trái” (1%).
Cũng như giai đoạn trước đây thì tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Hiền đều khẳng định bị hại không “vỡ mẻ chỏm xương” như kết luận giám định (KLGĐ) vì việc giám định này là không khách quan; không dựa trên đầy đủ hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Sơn mà chỉ dựa trên Giấy chứng thương (không phải là hồ sơ bệnh án) của bệnh nhân, không đúng với quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật Khám chữa bệnh…
Trong khi đó, Giấy chứng thương này lại có nhiều nội dung mâu thuẫn và có dấu hiệu “vẽ” thương tích cho bị hại. Một loạt các tài liệu quan trọng trong hồ sơ bệnh án (như Phiếu chụp XQ; Phiếu khám bệnh vào viện; Phiếu xét nghiệm; Bệnh án ngoại khoa; Bản tóm tắt bệnh án; Giấy ra viện; Tờ điều trị...) và lời khai của chính bà Ngân, con bà Ngân đều thể hiện bà Ngân chỉ bị “trật khớp vai trái” chứ không thấy có thương tích “vỡ mẻ chỏm xương”.
Trong giai đoạn điều tra bổ sung, BVĐK Sóc Sơn cho rằng bệnh nhân Ngân được bác sỹ (BS) Ngô Thị Liệu chấn đoán “trật khớp vai trái, vỡ chỏm xương cánh tay trái…” nhưng trong quá trình điều trị đã ghi thiếu phần vỡ chỏm xương cánh tay trái.
Tuy nhiên, các LS đều cho rằng việc này là bất thường bởi trong rất nhiều tài liệu trong hồ sơ bệnh án thì chỉ có bút tích của BS Liệu thể hiện bện nhân bị “vỡ chỏm xương”. Còn một loạt những người khác, từ BS khám; BS chẩn đoán hình ảnh, Trưởng khoa, Viện trưởng, y tá… đều có bút tích trong hồ sơ nhưng đều không có chẩn đoán giống như BS Liệu. Hơn nữa, một số tài liệu do chính BS Liệu đều chỉ ghi là “XQ: Trật khớp vai” mà không hề ghi “vỡ chỏm xương”.
Đặc biệt, tại phiên tòa, LS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo bệnh án ngoại khoa của bà Ngân thì BS Ngô Thị Liệu là BS làm bệnh án, không phải là BS điều trị. Điều này có nghĩa BS Liệu không có quyền chẩn đoán, điều trị và chỉ định chế độ chăm sóc cho người bệnh cũng như không có quyền chẩn đoán bệnh, đọc kết quả phim XQ, làm hồ sơ bệnh án, kê đơn, ra viện…Vì vậy, các tài liệu hồ sơ, bệnh án, bản tường trình của BS Liệu không có giá trị, không có giá trị chứng minh cho thương tích của bị hại.
Có chuyện “mông má” hồ sơ?
Tại phiên tòa phúc thẩm, các LS vẫn cho rằng việc khởi tố bị can trong vụ án này là sai phạm nghiêm trọng, gây oan sai cho bị cáo Hiền bởi nếu nếu khởi tố theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự thì phải có yêu cầu của bị hại. Thế nhưng theo Bảng thống kê tài liệu có trong hồ sơ của vụ án không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án của bà Ngân.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên (KSV) cho rằng trong hồ sơ có bút lục số 23a được coi là đơn yêu cầu của bị hại. Còn tại phiên tòa phúc thẩm, KSV VKSND TP Hà Nội lại có quan điểm “pháp luật chỉ quy định về việc đánh số bút lục chứ không quy định về việc thêm a, b, c nên việc có bút lục 23a là không sai”; không có chuyện do sai nên phải “mông má” hồ sơ, phải thêm bút lục.
Tuy nhiên, LS Tuấn đã phản bác quan điểm này bởi theo Bảng thống kê tài liệu hồ sơ vụ án do điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Tiến Hải và cán bộ thống kê Nguyễn Văn Dương lập thì không hề có bút lục 23a. Việc này cho thấy đã có dấu hiệu bổ sung tài liệu để hợp pháp hóa hồ sơ, hợp pháp hóa việc khởi tố vụ án.
Rất tiếc, HĐXX phúc thẩm đã không có nhận định gì về việc xuất hiện bút lục có ký hiệu lạ mang số 23a (ngoài bút lục 23 đã có trong Danh mục thống kê thể hiện là “Quyết định trưng cầu”).
Phớt lờ đề nghị của các LS về việc cần làm rõ sự xuất hiện của bút lục 23a, HĐXX phúc thẩm còn cho rằng: tại lời khai ban đầu ngày 6/7/2015 và tại các đơn sau này, bà Ngân đã “đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa, LS Tuấn cho hay, “đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật” và “đề nghị khởi tố vụ án” là khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Không đề nghị khởi tố vụ án và giải quyết dân sự”
cũng là một cách giải quyết theo quy định của pháp luật, tại sao CQĐT không hiểu theo nghĩa này?
Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án còn có 1 tài liệu còn gọi là “Đơn đề nghị bồi thường dân sự” của bà Ngân. Như vậy, có cơ sở để nghi vấn rằng, ban đầu, bà Ngân không có đề nghị khởi tố và chỉ yêu cầu giải quyết dân sự nhưng CQĐT vẫn cố khởi tố vụ án hình sự.
Theo LS Tuấn, tới đây, ngoài việc kêu oan và đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì rất có thể bị hại sẽ có đơn tới CQĐT của VKSNDTC để cơ quan này làm rõ về những dấu hiệu làm sai lệch hồ trong vụ án này theo thẩm quyền.