Mù mắt vì bị ném đá lên tàu

Mặc dù ngành đường sắt đã đầu tư nhiều tiền của cho việc giáo dục tuyên truyền cũng như gắn kính hai lớp, lắp lưới sắt bảo vệ cửa sổ ở các toa tàu. Tuy nhiên, hàng năm nhiều hành khách vẫn trở thành nạn nhân của các trận mưa bùn và đất đá.

Mặc dù ngành đường sắt đã đầu tư nhiều tiền của cho việc giáo dục tuyên truyền cũng như gắn kính hai lớp, lắp lưới sắt bảo vệ cửa sổ ở các toa tàu. Tuy nhiên, hàng năm nhiều hành khách vẫn trở thành nạn nhân của các trận mưa bùn và đất đá.

Đến hẹn lại… lo

Theo thông tin từ ngành Đường sắt Việt Nam, trong năm 2011, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ ném đất, đá, bùn đất vào tàu hỏa, làm vỡ hơn 1.500 tấm kính, gây thương tích cho hàng trăm hành khách và cán bộ đang làm nhiệm vụ trên tàu, làm thất thoát của ngành đường sắt gần 3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước đã xảy ra gần 600 vụ, làm vỡ gần 800 tấm kính. Tình trạng ném đá lên tàu diễn ra chủ yếu tại địa phận các tỉnh như Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên…, thời gian diễn ra các vụ ném đá tập trung vào dịp Tết và dịp nghỉ hè của học sinh.

Ông Huỳnh Cường - Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội cho biết: “Tình trạng ném đá lên tàu chủ yếu diễn ra vào ban đêm, tại các khu vực vắng người, thời gian diễn ra chủ yếu vào các tháng 1, 5 và tháng 6.

Theo thống kê của các trưởng tàu báo về, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 290 vụ ném đất đá lên tàu, làm vỡ 391 kính hai lớp, gây thiệt hại trên 500 triệu. Cũng theo ông Cường, ngoài các các địa phương có “truyền thống” về tình trạng ném đá đá lên tàu như Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên… tính đến thời điểm này đã xuất hiện thêm một số địa phương có tình trạng ném đá lên tàu tăng một cách đột biến.

Cụ thể, tại tuyến đường sắt phía tây đoạn từ ga Yên Viên (Gia Lâm) đến ga Đông Anh, tính từ ngày 1/8 đến 10/8 đã xảy ra 8 vụ, làm vỡ gần chục tấm kính, tăng 800% số vụ so với tháng 7.

Theo ông Huỳnh Cường, hành động ném đá lên tàu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, việc kinh doanh doanh của ngành đường sắt mà đang gây tâm lý hoảng loạn cho những hành khách đi tàu.

Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì không chỉ ngành đường sắt bị ảnh hưởng mà hình ảnh đất nước cũng bị ảnh hưởng bởi không ít hành khách đi tàu là du khách nước ngoài. Những thiệt hại về vật chất thì có thể thống kê được, còn những thiệt hại về hình ảnh con người, đất nước thì chưa có một thống kê cụ thể nào. Tuy nhiên, mức thiệt hại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại về vật chất.

Hậu quả của hành động ném đá lên tàu đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra. Vậy tại sao đến nay tình trạng này không có dấu hiệu giảm mà lại đang có chiều hướng gia tăng?.

Mù mắt vì đá ném tàu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân ném đá lên tàu thường xuất phát từ những trò tinh nghịch thiếu ý thức của trẻ em sống ven đường sắt hoặc tại các khu dân cư trong vùng đường sắt đi qua.

Tệ nạn này đặc biệt nghiêm trọng vào dịp hè, khi các em học sinh không phải đến trường, thường tụ tập chơi đùa, phá phách.

Không chỉ thiệt hại về vật chất, có người còn bị mù mắt vì những hòn đá ném lên tàu
Không chỉ thiệt hại về vật chất, có người còn bị mù mắt vì những hòn đá ném lên tàu

Thời gian qua, ngành đường sắt đã phối hợp với các địa phương nơi có đường sắt đi qua tổ chức nhiều phong trào như “Em yêu đường sắt quê em”, “Đoạn đường sắt em chăm”, “Thiếu nhi bảo đảm ATGT đường sắt”… thậm chí, ký cam kết với các nhà trường, địa phương nơi có đường sắt đi qua... để giáo dục, nhắc nhở các em hạn chế trò chơi nguy hiểm này.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này không cao. Trong hàng ngàn vụ ném đá lên tàu mỗi năm, số vụ tìm ra được thủ phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Huỳnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội, cho biết: “Không chỉ những hành khách ngồi gần cửa sổ mới bị ảnh hưởng của hành vi ném đá lên tàu và nhiều nhân viên, cán bộ ngành đường sắt đang làm nhiệm vụ cũng bị ảnh hưởng. Cách đây 8 năm, một lái tàu của Xí nghiệp đã bị một đối tượng dùng đá ném lên tàu dẫn đến mù một mắt. Cách đây 2 năm, cũng với lý do này, một nhân viên trên tàu đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bị mảnh kính găm vào đầu”.

Cũng theo ông Cường, quá bức xúc trước nạn ném đất đá, ngành cũng đã từng cho dừng tàu để đuổi bắt đối tượng, chấp nhận việc chậm tàu, thế nhưng sau khi bắt xong, việc xử lý các đối tượng này chỉ dừng ở mức lập biên bản, buộc ký cam kết rồi thả vì các em còn nhỏ nên không xử lý hình sự.

Còn việc bồi thường hay phạt hành chính cũng rất khó, bởi gia đình các em quá nghèo. Thậm chí, nếu gia đình có đồng ý đền bằng cách bán tất cả đồ đạc trong nhà cũng chưa chắc đủ 1 triệu để đền tấm kính.

Ông Cường cho biết, biện pháp dừng tàu bắt đối tượng ném đá lên tàu chỉ là biện pháp bất đắc dĩ và không thể thực hiện thường xuyên được bởi tàu đang chạy với tốc độ cao, khi dừng đột ngột sẽ rất nguy hiểm, vả lại nếu có dừng được tàu (thường phải cách hiện trường ít nhất 500m) thì thủ phạm đã “cao chạy xa bay”.

Điều quan trọng nhất các ban ngành, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua cần tăng cường phối hợp với nghành đường sắt. Cụ thể, ngành GD&ĐT cần phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật tại nhà trường, các địa phương và đặc biệt là việc giáo dục tại gia đình. Ngành công an cần xử lý mạnh tay hơn nữa để làm gương cho những đối tượng đã và đang có ý định ném đá lên tàu.

Văn Trinh

Đọc thêm