Để yêu, để nhớ, để thương và cả để hối tiếc, chờ mong. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu chỉ nói rằng mùa thu chỉ là mùa của thi sĩ và của tình nhân. Bánh xe đời người, ai cũng đi qua tuổi ấu thơ. Và mùa thu chính mùa của quãng thời gian đẹp đẽ nhất ấy, với bao nhiêu kỷ niệm, trò vui. Để rồi mỗi khi nhớ về, nụ cười mơ màng lại bừng nở cùng câu thì thầm từ ký ức trở về: “Ngày đó…”
Ngày đó, lần đầu tiên tôi đi học
Có lẽ, trong tất cả những nhà văn Việt Nam, dù có người tôi quên nhiều nhớ ít hay nhớ vô cùng hoặc quên bẵng mất, nhưng Thanh Tịnh và “Tôi đi học” với tôi luôn hiện diện trong tâm thức, ở một góc nào đó thật chắc chắn của tâm hồn, cho dù dòng ý thức có biến chuyển muôn trùng.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học ”.
Chỉ hai năm nữa thôi, “Tôi đi học” sẽ tròn 80 năm tuổi đời. Một tác phẩm mà tuổi tác đã có gần thế kỷ mà mỗi khi đọc lên, chẳng ai bảo ai, nhóm người đầu xanh vương bạc vẫn như bị thôi miên, khóe miệng rung động, rồi ai chẳng nói với ai, mà nhẩm nơi môi những chữ đã nằm lòng. Những câu văn vang lên hay cả quãng đời thơ ấu đang vọng lại.
Và trong tôi cùng lúc với những câu văn là hình ảnh tôi - một cô bé gầy gò, trong bộ quần xanh áo trắng có cánh tay phồng đã được mẹ giặt chiều hôm trước, đang nắm tay chị cùng mẹ lúc thúc đến trường, buổi sớm mai hôm ấy gió sớm phả vào mặt từng cơn, chiếc cặp trĩu bên tay cùng bình mực lắc lẻo nơi ngón út. Nhưng có hề chi, đôi mắt vẫn sáng ngời, tâm hồn vẫn hân hoan vì biết “hôm nay tôi đi học”.
Hăng hái là vậy, nhưng khi đến cổng trường, cô bé học sinh lớp 1 là tôi ấy lại kéo giật tay mẹ, tay chị lại để đi giật lùi. Trường to quá, không như cái ngõ trước nhà mà tôi đã quen chạy chơi cùng lũ bạn không cần người lớn để mắt ngó trông.
Rồi giờ học cũng bắt đầu, cổng trường đóng lại, tôi bơ vơ trong lớp nhìn ra ngoài cổng xem còn có mẹ, có chị hay không. Tôi như ở một thế giới hoàn toàn khác, nước mắt đã tràn mi. Và rồi, cô đến bên tôi, cô nắm lấy tay tôi và cô nói rằng: “Đừng sợ, có cô đây” Tôi nghe cô nói, lời nói thật ngọt ngào và dịu dàng biết bao.
Tà áo dài của cô thoảng ra một mùi hương nhè nhẹ. Tôi nắm lấy tay cô như người mẹ thứ hai của tôi, che chở và quan tâm. Tôi biết lúc ấy tôi không còn đi chơi như ngày trước nữa mà tôi đã đi học.
Ngày đầu tiên từ trường trở về nhà, chiếc áo trắng có cánh tay phồng đã ướt đẫm mực tím. Lọ mực nhựa thiết kế khó đổ nhưng là chỉ với người lớn thôi, còn với trẻ con thì khi đã cố tình nghiêng, dốc và để ném nhau như một trái banh thì có lọ mực nào chịu thấu. Mẹ bật cười khi thấy một vạt yếm tím được vẽ nên bằng mực trước ngực cô học trò nhỏ ngày đầu đến lớp. Và cô, cô cũng cười: “Là con gái mà sao nghịch thế con”…
Ngày đó, Trung thu là cả nỗi chờ mong
Một mùa nữa lại Trung thu sắp về, để những ông bố bà mẹ của thế hệ 7X như tôi cơ cơ hội níu lại cho mình niềm vui từ hoài niệm về những Trung thu xa lắm.
|
Đèn từ hạt bưởi cháy sáng đêm rằm. |
Ngày ấy, hoa quả không dồi dào và bốn mùa quanh năm như bây giờ. Khoảng hơn một tháng trước Trung thu mới bắt đầu có bưởi, tôi và lũ bạn ngồi vây xung quanh xem mẹ gọt bưởi. Với chúng tôi, múi bưởi tép mọng ngọt, chua dôn dốt kia dù rất hấp dẫn, nhưng vẫn không thu hút bằng những hạt bưởi trắng, nhỏ như những chiếc răng xinh.
Bất chấp mẹ cảnh báo không được thò tay vào chỗ có dao, mấy bàn tay nhỏ xíu vẫn khẽ kều từng hạt bưởi ra. Rồi đứa nào đứa nấy thu thu giữ giữ “tài sản” của mình trong lòng, ra ngồi một góc bóc bóc, xâu xâu vừa làm vừa hít hà vị tinh dầu bưởi hăng hăng.
Quý lắm đấy những hạt bưởi được xâu thành một chuỗi như chiếc vòng cổ trắng ngà. Vì đó ngọn đèn sẽ cháy sáng suốt đên rằm tháng tám, là niềm tự hào của mỗi con người bé con về độ cần cù kiếm nhặt và bóc hạt.
Xong khoản đèn hạt bưởi thì đến phần làm mặt nạ và mũ vương miện. Thời ấy, trước năm học mới chừng nửa tháng, các cửa hàng bách hóa bắt đầu bán giấy trần và những cuộn bìa để phụ huynh mua về đóng vở. Đi xếp hàng với mẹ từ sáng sớm, tôi thủ thỉ để mẹ mua dư ra ít bìa làm mặt nạ và mũ vương miện.
Có nguyên liệu sản xuất rồi, cả đám trẻ con trong trong khu bắt đầu tụ tập lại với nhau để vẽ. Bút màu là thứ xa xỉ nên chẳng đứa nào có đủ hộp, mỗi đứa chỉ có thể cầm đến số màu mình đang có góp vào. Phải đứa nào bố mẹ đang đi học tập hay lao động ở Liên Xô có hộp màu dạ thì mặt cứ là vênh lên.
Tôi cùng lũ bạn, chia nhau ra đứa cắt, đứa dán, đứa khéo tay tô vẽ, thế là con trai có mặt nạ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, thỏ và sói trong phim “Hãy đợi đấy”, con gái có mũ công chúa như nàng Arabella một bộ phim cổ tích có nhiều phần mà trẻ con thế hệ 7X rất hâm mộ...
Trung thu xưa có nhiều thứ để nhớ lắm. Nhưng, với tôi nhớ nhất vẫn là những tấm giấy gói thấm mỡ mà mẹ cha lôi ra từ túi đi làm trong một ngày gần Tết Trung thu. Là con út trong gia đình, các chị lớn cả nên thường chỉ mình tôi được hưởng trọn phần quà Trung thu ấy.
Nói là hưởng trọn cho oai nhưng nào có nhiều nhặn gì với một phần tám cái bánh nướng, một phần tám cái bánh dẻo gói trong tấm giấy thấm mỡ từ nhân bánh chảy ra. Ngồi trong vòng tay cha nhẩn nha ăn bánh, tôi nhớ mình đã thầm ước giá như có thể được ăn trọn vẹn một cái bánh Trung thu…
Ngày đó, tôi thầm mơ cô Tấm
Trưa nay, trong cái nắng của tháng 8 âm lịch đã chuyển màu sánh mật ong, tôi thốt nghe văng vẳng từ nhà hàng xóm tiếng trẻ con ê a: “Trông kìa quả thị vàng/Dắt mùa thu vào phố/Mang theo câu chuyện cổ/Thị kể bằng mùi hương”.
|
Thị vàng mang cô Tấm đến với mùa thu. |
Nhắc đến thị, ký ức như lên chuyến tàu trở về ngày thơ ấu. Qua những ngày hè bỏng rát, khi xâu hạt bưởi tích cóp cả mùa hè để chuẩn bị cho đêm rước đèn Trung thu đã bắt đầu se mặt, ấy cũng là lúc mùa thị chín bắt đầu.
Sau cơn mưa thu, đất trời trong trẻo, sạch bong, gió heo may về nhè nhẹ đưa hương thị bay khắp chốn. “Mẹ ơi, thị nhà bà chín rồi, mẹ sang xin bà cô Tấm về cho con nhá mẹ” – cô bé con là tôi vòi vĩnh.
Mẹ chưa kịp đi, chiều đã thấy tiếng gậy chống của bà lộc cộc ngoài ngõ, rồi tiếng gọi quen thuộc vang lên: “Cô Tấm của bà đâu rồi, có thị rồi này, đã đan túi chưa”. “Cô Tấm” bé nhỏ của bà chạy ào ra líu ríu: “Cháu xin, cháu xin, cháu có túi rồi bà này”. Hóa ra mấy tối nay cứ sau bữa ăn là bé con ngủ gục là vì lý do này đây. Trốn giấc trưa bỏ ngủ để đan túi thị. Tay bé mà cũng khéo lắm, còn biết pha màu cho túi nữa, mẹ tủm tỉm cười.
Rồi cả mấy ngày sau đó, túi thị nhỏ đong đưa cùng khi đi học, lúc đi chơi, thật dịu dàng, như nụ cười của mùa thu vậy.
Mà đừng tưởng quả thị chỉ gắn bó với lũ con gái nhé, lũ con trai cũng ối kỷ niệm với thị đấy, chỉ là chúng không kể ra đấy thôi. Đã có thằng bé bị bố đánh vì cầu kỳ tách vỏ thị thành hoa năm cánh rồi dán lên tường. Nhưng bức tường ấy lại là bức tường mới quét vôi để chuẩn bị cho chị gái cả thu này về nhà chồng, thế là ăn roi.
Rồi luôn bị bà với mẹ dặn không được ăn thị hôi mồm nhưng có đứa con trai nào lọt được tai đâu. Quả thì phải ăn thôi, nhất là khi quả lại thơm hấp dẫn đến vậy. Chén hết lớp thịt thị thơm mát, hạt thị khư khư ngậm trong mồm. Nhỡ mẹ, chị có gọi về ăn cơm thì cũng ư ư chạy về, chứ cấm có há miệng thưa được câu nào vì “lúng túng như ngậm hột thị”.
Ngậm chán, nhả ra cạo rửa sạch lớp vỏ ngoài để lộ lớp trắng trong veo như viên sỏi dưới suối để chơi đánh chắt, ô ăn quan trên nền gạch sân nhà…
…Giờ thì hẳn bạn đã hiểu vì sao tôi lại nói mùa thu là mùa của ấu thơ, của quãng đời đẹp nhất trong mỗi đời người. Như cô Tấm, mùa thu vẫn mãi còn. Bởi mùa thu không chỉ là khái niệm về thời tiết, mà mùa thu còn là báu vật của mỗi con người về một thời xa lắm đã qua.