Tạm dừng hoạt động, chưa hẹn ngày trở lại
Đại dịch Covid-19 đã và đang từng bước ảnh hưởng đến ngành ô tô Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, hàng loạt các nhà máy sản xuất ô tô lần lượt thông báo tạm dừng hoạt động. Ngày 26/3, sau khi có thông báo từ tập đoàn ô tô Mỹ, Ford Motor đã chính thức thông báo tạm dừng sản xuất tại Hải Dương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trở thành hãng ô tô đầu tiên ở Việt Nam quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất để phòng dịch.
Thời gian tạm dừng sẽ kéo dài khoảng vài tuần, tùy vào tình hình dịch bệnh, lệnh hạn chế của Chính phủ cũng như tình hình tồn kho tại mỗi nước. Sau Ford Việt Nam, ngày 30/3, Toyota Việt Nam công bố tạm dừng sản xuất ở nhà máy ô tô đặt tại Vĩnh Phúc. Thời gian sản xuất trở lại sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ. Cùng với đó, toàn bộ đại lý và chi nhánh Toyota tại Hà Nội đã tạm thời đóng cửa phòng trưng bày và xưởng dịch vụ đến ngày 15/4/2020. Thời gian chính thức hoạt động trở lại của các đại lý và chi nhánh đại lý Toyota tại Hà Nội phụ thuộc vào quy định của Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Ngay sau đó, TC Motor là nhà sản xuất ô tô thứ 3 tại Việt Nam, sau Ford và Toyota chính thức ra quyết định tạm đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian tạm đóng cửa nhà máy Hyundai dự kiến bắt đầu từ ngày 1/4 - 15/4/2020.
Được biết, trước khi tạm đóng cửa nhà máy Hyundai Ninh Bình, TC Motor cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng cách cho khối nhân viên văn phòng làm việc tại nhà và luân phiên bản công sở, tránh tụ tập đông người, góp phần đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân viên. Công ty Honda Việt Nam (HVN) cũng phát thông báo tạm dừng các hoạt động sản xuất ô tô và xe máy tại Việt Nam kể từ ngày 1/4.
|
Công nhân của Ford đang nỗ lực để tạo ra các trang bị y tế phòng chống dịch Covid-19 |
Việc tạm dừng sản xuất kéo dài tới ngày 15/4/2020. Việc hoạt động trở lại sẽ phụ thuộc tình hình dịch bệnh chung và Chỉ thị của Chính phủ. Sau Ford, Toyota, TC Motor và Honda, đến lượt Nissan Việt Nam quyết định tạm dừng sản xuất, lắp ráp ô tô kể từ ngày 5/4 cho đến khi có thông báo mới của Chính phủ. Nissan sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và cập nhật liên tục cho đến khi nhận được thông báo mới từ Chính phủ. VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup, là nhà sản xuất ô tô thứ 6 tại Việt Nam ra quyết định tạm đóng cửa nhà máy tại Tổ hợp sản xuất ở Cát Hải, Hải Phòng từ ngày 6/4.
Trong giai đoạn tạm dừng sản xuất, VinFast sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động phát triển sản phẩm mới và nghiên cứu mở rộng mạng lưới. Thời gian hoạt động trở lại của nhà máy sẽ được Ban lãnh đạo Công ty quyết định dựa trên tình hình diễn biến thực tế. Theo một nguồn tin, thương hiệu ô tô hạng sang Mercedes-Benz cũng quyết đinh tạm ngừng hoạt động lắp ráp xe tại Việt Nam trong 2 tuần. Nếu đúng như vậy tính đến thời điểm này đã có ít nhất 7 doanh nghiệp ô tô quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy ô tô ở Việt Nam do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Chung tay chống dịch bệnh, chuyển sang sản xuất thiết bị y tế
Thế nhưng, bất chấp khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh, một số hãng ô tô không chịu “nằm im bất động” mà lập tức bắt tay vào kế hoạch mới, lấn sân sang lĩnh vực hoàn toàn khác biệt – lĩnh vực y tế, cụ thể là sản xuất máy thở, máy đo thân nhiệt. Điển hình, Tập đoàn Ford Motor vừa công bố hợp tác với GE Healthcare sản xuất hàng loạt máy thở theo tiêu chuẩn và chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại bang Michigan.
Theo đó, Ford đặt mục tiêu sản xuất 50.000 máy trong vòng 100 ngày để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay và có khả năng tăng công suất lên 30.000 máy mỗi tháng. Ford sẽ cung cấp các cơ sở sản xuất để nhanh chóng mở rộng quy mô. Còn GE Healthcare sẽ hỗ trợ các vấn đề chuyên môn về y tế và giấy phép cho máy thở từ Airon Corp - tập đoàn tư nhân chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ y tế bằng khí nén công nghệ cao. Các bản thiết kế sản phẩm của GE Healthcare được chia sẻ với Ford nhằm tăng sản lượng máy thở trong thời gian gấp rút.
Máy thở Mẫu A được Airon cấp phép, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu cùng giá thành hợp lý. Máy thở này hoạt động dựa trên áp suất không khí thay vì điện năng, phù hợp trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Trong tương lai, quy mô sản xuất sẽ nhanh chóng mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao tại Mỹ. Việc sản xuất bắt đầu tiến hành từ ngày 20/4 và sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sau đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Ford dự kiến đạt sản lượng 1.500 máy thở vào cuối tháng 4; 12.000 máy vào cuối tháng 5; và 50.000 máy trước ngày 4/7.
Đây cũng là một trong những nỗ lực của hãng nhằm hỗ trợ Chính phủ Hoa Kỳ đạt mục tiêu sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày. Trong khi đó, ở Việt Nam, cùng với việc tạm ngừng sản xuất của VinFast, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam để chống dịch Covid-19.
Lãnh đạo Tập đoàn đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và quyết định dừng hết các việc hàng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. Tập đoàn cam kết sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 chiếc máy thở không xâm nhập để kịp thời chống dịch Covid-19. Các đơn vị được giao trọng trách chủ lực là Viện nghiên cứu - thiết kế Ô tô 1, Viện nghiên cứu - thiết kế Ô tô 2, Viện nghiên cứu Thiết bị di động, Viện nghiên cứu - thiết kế Thiết bị gia đình thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế Thiết bị Viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế Pin Thông minh, Nhà máy sản xuất Ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart, tất cả các cán bộ lãnh đạo Tập đoàn và các ban phòng chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và được yêu cầu làm việc trực tiếp điện thoại 24/24.
Dự kiến các lô linh kiện của Máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau gần 2 tuần nữa và tiếp sau đó 2 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện, VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các Máy thở không Xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy Xâm nhập là 160 triệu đồng.