Ngang mốc trận lụt lịch sử 20 năm trước
Suốt từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, bão lũ kéo dần ra Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và vẫn chưa kết thúc. Đã có hàng trăm người chết và mất tích. Những vùng rộng lớn bị lũ dữ cô lập.
Sau bão lũ sẽ có đánh giá, báo cáo chính thức về thiệt hại. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hàng trăm ngàn héc ta lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng nghìn tỷ đồng bị mất... Con số có thể còn tiếp tục tăng.
Thế nhưng, không gì so sánh được tổn thất về nhân mạng. Hàng trăm người chết. Một con số quá lớn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải đau đớn thốt lên: “Chưa bao giờ chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai”. “Thương lắm miền Trung ơi”, cộng đồng mạng xã hội như run lên trước thiệt hại to lớn này.
Một chuyên gia nước ngoài nhận xét, Việt Nam là nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Các chuyên gia cảnh báo thêm, điều đó có thể trở thành một sự bình thường mới ở dải đất hình chữ S.
Dường như thời tiết, khí hậu trái đất ngày càng cực đoan hơn. Chúng ta đã nghe nói nhiều về hiện tượng băng tan và sự ấm lên của trái đất; chúng ta cũng nghe nói nhiều về hiện tượng El Nino, La Nina và lỗ thủng của tầng ozol.
Năm 2020, miền Trung hứng chịu liên tiếp các cơn bão và áp thấp, gây mưa lũ rất lớn, với lượng mưa cao lịch sử, ngang mốc trận lụt lịch sử 20 năm trước, gây tang thương khắp nơi, chết hàng trăm người.
Nhiều người cho rằng, nếu không có mạng xã hội, chắc chắn việc cứu trợ sẽ bị động, thiếu thông tin và con số thương vong sẽ còn nhiều (đơn cử, trận lũ lịch sử năm 1999, đã cướp đi sinh mạng của 595 người trong 5 ngày và thiệt hại hơn 4000 tỷ đồng). Đợt này lũ chồng lũ, bão chồng lũ, tình hình còn phức tạp và căng thẳng hơn.
Và thực tế, chúng ta đã từng là những trận lũ kinh hoàng trong lịch sử. Đó là trận lụt năm Thìn tháng 11/1964, kinh hoàng nhất lịch sử miền Trung. Hai bên sông Vu Gia và Thu Bồn với khoảng 6.000 người chết và mất tích.
Tháng 8/1971, trận lũ đã làm vỡ đê Sông Hồng và 100.000 người đã bị thiệt mạng. Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm ở miền Bắc. Trận lũ năm 1971 được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ. Lũ lịch sử năm 1971 đứng hàng nhì sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử làm thiệt mạng 3.700.000 nguời ở Trung Hoa.
Năm 1996: lụt miền Bắc. Nước sông dâng cao nhiều ngày, nước ứ đọng trong nội thành Hà Nội gây ngập lụt nhiều điểm. Lũ năm 1999 chỉ trong vòng 1 tháng (01/11 đến 06/12) đã xảy hai đợt lũ đặc biệt lớn liên tiếp trên diện rộng từ Quảng Bình đến Khánh Hoà.
Đây là 2 trận lũ lớn nhất trong vòng 70 - 100 năm qua ở các khu vực này, làm 818 người chết và mất tích, trên 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng (gấp 02 lần tổng thu nhập của tỉnh Thừa Thiên Huế tại thời điểm 1999).
Năm 2000: lũ trên đồng bằng sông Cửu Long, gây ngập lụt nghiêm trọng khiến 539 người chết. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực ĐBSCL trong năm 2000, ước tính khoảng 4.626tỉ đồng. Lũ năm 2007 do ảnh hưởng của bão số 2, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lũ lịch sử trên sông Gianh, làm 54 người chết, mất tích.
Năm 2010: là một đợt mưa lũ lớn trên diện rộng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vào đầu tháng 10 năm 2010. Lũ lụt đã làm 32 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, giao thông đường bộ và đường sắt tê liệt.
Năm 2016, từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2016, đã liên tiếp xảy ra 05 đợt mưa lũ lớn diện rộng tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại Bình Định lũ lớn xấp xỉ mức lũ lịch sử, làm 129 người chết, mất tích. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10.519 tỷ đồng.
Năm 2017, Bão số 12 là cơn bão rất mạnh hiếm gặp, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Trung Bộ, gió mạnh khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định và gây mưa rất lớn trên diện rộng gây lũ lớn trên mức trên báo động 3 ở hầu hết các sông. Bão số 12 và mưa lũ sau bão làm 123 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 22.680 tỷ đồng.
Năm 2020, miền Trung hứng chịu liên tiếp các cơn bão và áp thấp, gây mưa lũ rất lớn, với lượng mưa cao lịch sử, ngang mốc trận lụt lịch sử 20 năm trước, gây tang thương khắp nơi, chết hàng trăm người.
Mong sao nắng lên, sưởi ấm thêm tình người
Và rồi, câu chuyện hỗ trợ cho bà con vùng lũ của các đoàn, các tổ chức, các cá nhân từ thiện lại trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Ở một đất nước thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, mỗi chúng ta đều được học bài học vỡ lòng về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, rưng rưng tình người khi gian khó…
Trước ý kiến trái chiều về việc thiện nguyện, Thủy Tiên nói: “Tôi nghĩ nếu như có vấn đề gì xảy ra cũng hạnh phúc. Trong cuộc đời này chúng ta sinh ra và chết đi sẽ không mang theo được tài sản, công danh sự nghiệp, chỉ mang được tình yêu thương của mọi người. Cho nên chuyện nguy hiểm hay tranh cãi đối với tôi luôn bình thường. Tôi tin nếu mình làm việc tốt sẽ được thương”.
|
Tất cả hướng về miền Trung ruột thịt. |
Việc Thuỷ Tiên huy động được hơn 100 tỷ và rất nhiều người nổi tiếng khác quyên góp một khoản tương đương cho thấy lòng trắc ẩn của mỗi người được trỗi dậy, khi người ta tìm một nơi để trao gửi tình thương. Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ: Đừng xét nét với Thuỷ Tiên hay những người có lòng thiện tâm và bỏ qua sự bẽ mặt (nếu có), để cùng ủng hộ từng bước đường người giúp người chữa lành những khổ đau như vậy.
Bỏ qua sự ích kỷ và bực bội vì mất phần (nếu có), vì thực sự, những đồng tiền ấy là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, những đồng tiền dành cho những người khốn cùng mất mát, nên hãy để nó về trọn vẹn, để cuộc đời bớt đi khổ đau.
Facebook Trần Chí Hiếu cũng nhận định: Nhưng dẫu sao, tôi tin rằng Thuỷ Tiên đã làm được một điều: đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người! Bởi giá trị mà Thuỷ Tiên giúp được lúc này: không phải chỉ là những người vùng lũ - mà đã giúp cả những người đang thiếu niềm tin, họ có thêm niềm vui vì xã hội còn nhiều tấm lòng trắc ẩn! Như những ngày này, trong cuộc sống, trên mạng xã hội, đâu đâu cũng là thông tin kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung. Tôi nghĩ, chỉ vậy thôi, nhiều người cũng đã rất ấm lòng…
Nhiều người cũng chia sẻ, trong hoạn nạn mới thấy, người Việt mình thương nhau, rất thương nhau. Và dù có bị ngập, nhưng hãy tin vào người miền Trung. Bà con về cơ bản cũng đã quen với đối phó thuỷ thần nên đừng sợ họ bị khuất phục. Về cơ bản, cũng phải nên đón nhận lũ như một sự kiện thường niên ở vùng đất này.
Và sau lũ, sâu bệnh, chuột bọ sẽ bị quét sạch, đất đai thêm màu mỡ, phù sa, việc trồng cấy canh tác sẽ thuận lợi hơn. Đó là cái được mà lũ mang đến chứ không hẳn là toàn bi kịch, mất mát. Bạn tôi ở Huế kể với tôi rằng trong những giờ phút mịt mù mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, buổi sáng chùa Thiên Mụ vẫn gióng lên 108 tiếng chuông, ngụ ý để xóa đi 108 nỗi muộn phiền của thế gian.
Một người con miền Trung trong hành trình thiện nguyện của mình chia sẻ: Nhưng khó khăn không bao giờ đánh bại được ý chí. Tiếp xúc với anh em là những con người đầy lạc quan kiểu “thua keo này ta bày keo khác”.
Họ tiếp đón đúng chất người dân thôn quê: chân thật, hiếu khách... Người ta chịu mở lòng chia sẽ rất nhiều. Chia sẻ những dự định sau lũ, những chuyện vui thường ngày. Nhìn ánh mắt mọi người ánh lên niềm vui nhìn mà ấm lòng. Và mưa lại to, nước lại lên, anh em đành chia tay mọi người để về kịp trời tối.
Phút chia tay đầy quyến luyến, chỉ là những cái bắt tay vội, những câu cám ơn hay đơn giản chỉ là những nụ cười rốn lũ, cơ sao lại ấm áp tính người đến vậy. Rời bến đò ai cũng trăn trở chỉ mong sao nước mau rút, mưa ngưng rơi, nắng lại lên sưởi ấm cho tình người, thắp lên những hi vọng cho mùa màng mới, về ước mơ con chữ, đến trường của những em nhỏ…
Và nữa, là chia sẻ xúc động của bạn Hoàng Huy: “Tôi xúc động khi thấy hàng trăm đội tình nguyện từ mọi miền của Tổ quốc đã không quản hiểm nguy đưa phương tiện và thiết bị từ xa đến cứu hộ miền Trung. Tôi xúc động với hình ảnh hàng trăm cán bộ địa phương và hàng ngàn chiến sĩ không quản hiểm nguy tham gia cứu hộ trong đêm khi lũ về rất lớn.
Tôi xúc động khi thấy sự tương trợ của đồng bào cả nước cho Miền Trung. Nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều nhà hảo tâm quyên góp. Có những em sinh viên góp 35.000 đồng đến ca sĩ Thủy Tiên với lời nhắn “em là sinh viên nghèo ...”, có những cháu nhỏ bớt tiền ăn sáng, có cả những người lạ muốn chuyển tiền cho tôi để gửi gắm vào Miền Trung giúp đồng bào mình.
Người lạ! Họ là người lạ nhưng đầy lòng trắc ẩn. Và họ chứng minh cho chúng ta thấy rằng người tốt, người tử tế còn ở xung quanh ta nhiều lắm”…