Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, 4h ngày 23/7, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới: toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Dự báo 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 4 giờ ngày 24/7, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây bán đảo Lôi Châu. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh; biển động. Cấp độ RRTT: cấp 3.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tính đến 7h ngày 23/7 đã có 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương, 231 nhà bị sập, 5878 nhà bị ngập và 4.269 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp do mưa lũ.
Về giao thông, tính đến 18h ngày 22/7/2018, vẫn còn hàng loạt tuyến giao thông vẫn ách tắc. Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ, Quốc lộ 32 còn 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 3 điểm sạt lở và ngập sâu, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe. Tại Hòa Bình, Quốc lộ 6 có 01 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe.
Trong khi đó, tỉnh Sơn La, tình trạng ách tắc vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Cụ thể, Quốc lộ 6 có 2 điểm ngập nước gây tắc đường; Quốc lộ 43 còn 66 điểm sạt lở, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Quốc lội 32B còn 03 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 01 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe. Đường tỉnh lộ 101, 102, 114 còn một số vị trí còn ách tắc giao thông, các đơn vị đang khắc phục dự kiến trong ngày 23/7 thông xe.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sáng 22/7/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo TW về PCTT do Bộ trưởng – Trưởng ban dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều, vận hành hồ chứa tại các tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ Hòa Bình |
Theo báo cáo nhanh số của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 17h00 ngày 22/7, trong tổng số 2.985 hồ (286 hồ chứa lớn, 2.699 hồ chứa nhỏ) tại khu vực Bắc Bộ Có 3/286 hồ đầy nước trong đó (Sơn La 2, Phú Thọ 1, Ninh Bình 1), số hồ còn lại đạt 40-70% dung tích thiết kế; các hồ chứa nhỏ, có 505/2.699 hồ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 50-80% dung tích thiết kế; các hồ chứa xung yếu Có 138 hồ chứa xung yếu (Hà Giang 6, Cao Bằng 4, Lào Cai 5, Yên Bái 12, Tuyên Quang 11, Bắc Kạn 6, Thái Nguyên 9, Lạng Sơn 8, Quảng Ninh 9, Sơn La 8, Phú Thọ 9, Vĩnh Phúc 7, Bắc Giang 9, Hải Dương 5, Hòa Bình 20, Ninh Bình 6).
Từ ngày 25/7, Bắc Bộ dự báo tiếp tục có mưa to diện rộng, khả năng gây ra đợt lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu; Tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng;
Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Đồng thời tiếp tục duy trì thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, diễn biến mưa lũ để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống xảy ra. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.