Mùa lứa đôi của 'những người bạn đồng hành'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Mùa xuân là mùa của hạnh phúc lứa đôi. Khi có một cặp vợ chồng làm lễ cưới bạn bè, người thân thường chúc họ được “Trăm năm hạnh phúc”. Ai cũng biết đời sống vợ chồng là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Vì vậy, cách sống như thế nào để cả hai người giữ được hạnh phúc lâu dài, đó là mối quan tâm của mọi người và của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

Đôi dép và triết lý hôn nhân

Theo thống kê của những nhà xã hội học thì chưa bao giờ tình trạng ly dị tại châu Á lại phổ biến như hiện nay. Trong 20 năm qua, tỷ lệ ly dị tăng gấp đôi ở Trung Hoa và gấp ba ở Đài Loan. Tại Singapore, tỷ lệ ly dị tăng 1/3 so với năm 1990, tại Thái Lan tăng gần gấp đôi. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ ly dị vượt cả một số nước châu Âu như Anh, Đan Mạch, Hungary… Ở Việt Nam chúng ta tỷ lệ ly dị cũng rất cao xấp xỉ 30%. Nguy cơ đổ vỡ hôn nhân càng cao thì sự bất an xã hội càng tăng, để lại những dấu ấn nặng nề cho xã hội.

Nguyên nhân của ly hôn phần lớn là do sự khủng hoảng về sống chung giữa người đàn ông và người đàn bà và nó là vấn đề của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Xã hội càng văn minh và tiến bộ thì sự khủng hoảng càng tăng. Nghĩa là, dù người ta giàu có hơn nhưng không hạnh phúc hơn người xưa. Do đó, dưới góc nhìn đạo Phật, thiết lập được những nguyên tắc sống hạnh phúc cho đời sống hôn nhân gia đình là một sự đóng góp rất lớn cho xã hội hiện đại.

Tình yêu vợ chồng đặt trong góc nhìn như những người bạn có gốc rễ từ văn hóa Phật giáo. Trong kinh Tăng Chi có kể lại câu chuyện đức Phật giảng cho cô con dâu cư sĩ Cấp Cô Độc. Vì cô dâu này ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ chồng, nên nhân cơ hội đức Phật đi ngang qua nhà và nhận phẩm vật cúng dường, Cấp Cô Độc đã thỉnh cầu Thế Tôn dành chút thời gian giáo dục đứa con dâu của mình. Thế Tôn đã giảng một bài kinh ngắn rất ấn tượng nói về bảy loại vợ đối chiếu với bảy loại chồng. Trong đó, loại vợ thứ tư được xem là lý tưởng nhất, “người vợ là bạn đồng hành cùng người chồng”.

Phật giáo gọi lễ thành hôn là hằng thuận với hàm ý muốn đôi vợ chồng sống vui vẻ hòa thuận với nhau trên tinh thần thương yêu đùm bọc chia sẻ bằng trái tim hiểu biết

Phật giáo gọi lễ thành hôn là hằng thuận với hàm ý muốn đôi vợ chồng sống vui vẻ hòa thuận với nhau trên tinh thần thương yêu đùm bọc chia sẻ bằng trái tim hiểu biết

Từ câu chuyện này, Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam trong bài viết “Triết lý về đôi dép qua góc nhìn của Phật giáo” đã lấy bài thơ “Đôi dép” của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên để dẫn chứng cho cuộc sống vợ chồng.

“Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau…”. Sự mô tả này cho thấy việc đôi dép có mặt trên cuộc đời không phải do tự thân nó muốn, vì nó nào có ý thức đâu mà muốn. Cho nên sự gặp nhau của chúng là một tiến trình tình cờ, nhưng lại thể hiện ra đặc tính “không rời nhau nửa bước”. Mô tả hiện thực đôi dép từ cái nhìn của Phật giáo như một đối tượng để quán chiếu rằng đời sống vợ chồng được sánh ví như chiếc dép trái và chiếc dép phải sánh bước bên nhau trên mọi hướng của cuộc đời. Đối với đời sống tại gia thì tình vợ nghĩa chồng được quan niệm như một đôi dép với quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau. Chồng đâu vợ đó, vợ đâu chồng đó.

“Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao/Cùng chia sẻ sức đời người chà đạp/Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác/Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”. Tình nghĩa vợ chồng với những ngang bằng trong sự chia sẻ, gánh vác vai trò, trách nhiệm với nhau. Người chồng không đổ lỗi cho vợ để mắng nhiếc, bạo hành mà ngược lại phải thương yêu chăm sóc vợ vì những mỏi mệt, lo toan nhiều thứ trong gia đình.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, dưới góc độ duyên khởi, mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời này đều tương thuộc lẫn nhau. Không có vật gì, người nào có thể tồn tại độc lập một cách lâu dài và qua hình ảnh của đôi dép, chúng ta thấy rõ hơn về điều đó: “Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”. Một chiếc bị mất thì chủ nhân của nó lập tức sẽ quẳng luôn chiếc còn lại để đi mua đôi dép mới. Do đó, muốn đời sống hạnh phúc của chính mình lâu dài thì phải biết bảo hộ hạnh phúc của người bạn đường với mình. Khi người bạn đường đón nhận tình cảm tốt đẹp cũng phải hết sức trân quý, không để nó vuột mất dù chỉ một phần. Bởi có những lúc chúng ta sống một cách rất hời hợt, vô tư, đến khi đối diện với mất mát mới sinh tâm tiếc nuối thì cũng đã muộn màng...

Vợ chồng như bạn đồng hành

Một thống kê xã hội học cho biết tỷ lệ ly dị của những cặp vợ châu Á định cư trên đất nước Hoa Kỳ trong vòng 30 năm trở lại khá cao so với người bản địa. Lý do phần lớn người di dân từ châu Á có quan niệm trọng nam khinh nữ. Họ nhập cảng nguyên xi nền văn hóa châu Á sang Hoa Kỳ. Do đó, khi sống với người vợ có kiến thức, bằng cấp, học vị, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây nói chung, nhiều ông chồng cảm thấy dị hợm vô cùng. Hôn nhân bắt đầu rạn nứt khi người chồng không còn được phục vụ và trở thành tâm điểm của gia đình.

Vợ và chồng như bạn đồng hành như dép liền đôi.

Vợ và chồng như bạn đồng hành như dép liền đôi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia tự do như Hoa Kỳ lại có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới, trong khi Ấn Độ là quốc gia có hôn nhân định đoạt bởi cha mẹ lại có tỷ lệ ly hôn thấp nhất, mặc dù Ấn Độ giáo và Hồi giáo tại đây không hề cấm việc ly hôn như giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã?

Các nhà xã hội học Ấn Độ đưa ra lý giải rằng, phần lớn người phụ nữ Ấn Độ sống trong nhà chỉ làm hai công việc chăm sóc chồng và nuôi con. Những đứa trẻ đa phần được gần gũi mẹ hơn mười tiếng đồng hồ mỗi ngày nên đa số rất nên người. Họ phân công chức năng rõ rệt, người cha tạo dựng kinh tế còn người mẹ đóng vai trò giáo dục. Gắn liền tình mẫu tử thì yếu tính tình cảm sẽ được phát triển một cách thăng bằng ở những đứa con dẫn đến sự bền bỉ và hạnh phúc trong gia đình.

Có thể nói, 90% người tìm đến đạo Phật không phải là vì Niết Bàn, giải thoát, cơ bản nhất là để có đời sống hạnh phúc, ấm no, mọi thứ tốt đẹp. Về đời sống hôn nhân, Đức Phật có dạy trong Kinh Thiện Sanh rằng: Đối với người chồng có 5 bổn phận: Một là, lấy lễ đối đãi với vợ; Hai là, chuẩn mực nhưng không hà khắc; Ba là, tùy thời cung cấp y thực; Bốn là, tùy thời cung cấp trang sức; Năm là, cùng vợ làm tốt việc nhà. Đối với người vợ, có 5 bổn phận; Một là, siêng năng thức dậy trước chồng; Hai là, nể chồng trước sau, trong ngoài; Ba là, dùng lời hòa nhã xây dựng; Bốn là, nhún nhường ủng hộ điều hay; Năm là, hiểu chồng, cảm thông chia sẻ.

Cách đây 26 thế kỷ mà Thế Tôn đã dạy quan niệm hôn nhân như bạn đồng hành, điều đó cho thấy, yêu cầu về quyền lợi được giảm ở mức độ tối đa. Trong hôn nhân, ai quan niệm cần nhận được nhiều hơn cho thì hôn nhân đó đã bị đổ vỡ ngay từ cách thức đặt vấn đề. Khi vợ chồng xem nhau như người bạn đồng hành thì cả hai bên sẽ không đòi hỏi các quyền lợi cho bản thân.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, xem chồng như người bạn đồng hành chúng ta không chỉ quý người đó như người bạn thân, người tâm giao hoặc tri kỉ mà còn thể hiện trách nhiệm bình đẳng giữa hai bên. Điều đó hoàn toàn phù hợp với học thuyết bình đẳng về giới tính mà cuộc cách mạng Pháp đã khởi xướng và trở thành niềm hãnh diện nhất của đất nước này.

Nhưng cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, cần lưu ý rằng đôi khi sự bình đẳng đó đi quá đà, thay vì hiểu vai trò, vị trí xã hội của hai bên ngang nhau thì quan điểm đánh đồng đã vượt ra khỏi yếu tố bình đẳng. Bình đẳng mục đích là sử dụng các dữ liệu giới tính vốn có để khẳng định sự đóng góp của mình trong xã hội và cộng đồng như là một thế mạnh, không có nghĩa đánh đồng những gì mình chưa có với thế giới nửa kia. Đánh đồng và bình đẳng khác biệt rất cơ bản, nếu không hiểu rõ sẽ dẫn tới sự thực hành sai và làm tan vỡ hạnh phúc.

Đọc thêm