Mùa vu lan - nén tiếng thở dài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Không được gặp các con, cháu; không được về làm cỗ rằm tháng 7 cúng gia tiên và ăn bữa cơm quây quần cùng đại gia đình; nhớ những mùa Vu lan quá khứ, nơm nớp lo lắng về sức khỏe các con, cháu mình “ngoài kia””... Đó là nỗi niềm của những người già đón mùa báo hiếu trong khu dưỡng lão khi dịch bệnh COVID chưa được khống chế.
 Mùa Vu lan nén tiếng thở dài.
Mùa Vu lan nén tiếng thở dài.

Lặng lẽ mùa Vu lan

Trong buổi chiều thu tháng 7 âm lịch, tại Viện dưỡng lão cách Hà Nội 30km, những ông, bà ngồi lặng lẽ bó gối nhìn ra khung cửa sổ. Trước đây, vào các buổi chiều, họ được ra sân tập thể dục, đi dạo quanh sân, chuyện trò cùng nhau. Nhưng giờ, dịch COVID-19 len lỏi khắp nơi, vốn có nhiều bệnh nền, những người già rất sợ lây nhiễm nên ngại giao lưu, ngại đi dạo, chỉ quanh quẩn trong phòng.

Mùa Vu lan đúng vào đợt Hà Nội giãn cách, hạn chế người dân đi lại, các con cháu không thể đến thăm bố mẹ khiến những người cao tuổi ở viện dưỡng lão càng thêm chất chứa nỗi buồn sâu thẳm. Họ chỉ có thể gặp được các con, các cháu qua màn hình điện thoại.

Chị Minh Thùy (35 tuổi) lòng như lửa đốt khi không được đến thăm mẹ già 75 tuổi của mình. Chị đành gọi điện nhờ nhân viên ở viện dưỡng lão kết nối zalo để chuyện trò với mẹ. Qua zalo của nhân viên, chị thấy mẹ chị mắt thâm quầng. Chuyện trò với mẹ, chị xót xa khi biết mẹ mình suốt hơn 10 ngày nay không đêm nào chợp mắt. Mẹ chị mất ngủ vì nhớ các con, cháu. Và mùa Vu lan, bà không được về nhà làm giỗ cho chồng mình.

Chị Thùy kể, bố mẹ chị sinh ra chị và em trai. Bố chị mất khi chị lên 10 tuổi đúng vào lễ Vu lan. Mẹ chị ở vậy nuôi hai con ăn học nên người. Ngày chị đi lấy chồng cũng là lúc em trai được học bổng du học bên Pháp. Ban đầu, em trai chị không muốn đi, sợ mẹ ở nhà cô đơn. Mẹ chị hiểu điều đó, động viên con trai đi du học, phát triển tương lai sau này. Thấy mẹ ở nhà một mình cơm niêu, nước lọ lại hay bị đau nhức xương khớp, chị thương mẹ vô cùng. Chị bàn với gia đình chồng xin ở riêng để đón mẹ ở cùng tiện chăm sóc. Mẹ chồng chị nghe vậy trừng mắt: “Con trai tôi lấy chị về để chăm sóc bố mẹ chồng chứ không phải là chị lấy con trai tôi để về chăm sóc mẹ chị. Muốn về với mẹ, chị ly dị đi!”. Chồng chị cũng hùa theo mẹ. Mẹ chị biết chuyện, một lần nữa khuyên chị làm đúng bổn phận dâu con. Chị khuyên mẹ đi bước nữa để có người bầu bạn, chăm sóc. Mẹ chị lắc đầu vì tình yêu đã dành hết cho người chồng quá cố.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, đến ngày mẹ chị bị ngã trong nhà tắm, nằm còng queo dưới sàn ướt lạnh suốt ba tiếng đồng hồ. Chị tới thăm, vội vàng đưa mẹ đi cấp cứu. Không thể để mẹ sống đơn côi như vậy, chị đã bàn bạc và đưa mẹ tới viện dưỡng lão. Cách Hà Nội không quá xa, cứ cuối tuần chị lại tranh thủ thời gian phóng xe máy vào thăm mẹ. Nhưng đợt giãn cách xã hội, chị không thể đến thăm mẹ. Chị thấy nôn nao trong lòng. Chuyện trò qua zalo, mẹ chị không ngớt lau nước mắt nhớ con gái và không được về nhà làm giỗ cho chồng đúng mùa Vu lan. Chị động viên và hứa thay mẹ làm giỗ bố chu đáo.

Chị Hoàng Hòa - nhân viên dưỡng lão cho hay, mùa báo hiếu năm nay, rất nhiều cụ ông, cụ bà buồn bã, suy nghĩ vì nhớ con, cháu. Có cụ ông 85 tuổi luôn miệng nhắc tới con trai, nhắc tới bữa cơm sum họp gia đình ngày Vu lan. Cụ có triệu chứng lẫn, thơ thẩn nói chuyện một mình, lẩm bẩm kể lại những câu chuyện trong quá khứ không đầu, không cuối. Con trai cụ gọi điện zalo, cụ ông cứ một mực bảo không phải con trai mình và đòi con trai tới thăm, bóp chân tay cho mình. Con trai cụ an ủi, động viên bố hết giãn cách sẽ vào thăm. Cụ đâu có nghe, ôm mặt khóc như trẻ nhỏ.

Chị Hoàng Hoa cho hay, các quy định áp dụng biện pháp cách ly cá nhân đối với người cao tuổi ở các viện dưỡng lão được thắt chặt. Những người thân của người cao tuổi không được vào thăm nom. Các cụ hạn chế tiếp xúc, qua lại phòng nhau. Các biện pháp kể trên nhằm hạn chế tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm cho nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương. Nhất là khi tại Bỉ, tháng 12 năm 2020, người đóng vai ông già Noel trong một sự kiện Giáng sinh tại một nhà dưỡng lão đã khiến ít nhất 75 người khác mắc COVID-19. Thế giới từng chứng kiến, việc không bảo vệ được người cao tuổi trong các viện dưỡng lão là một yếu tố chính dẫn đến số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tăng cao. Khu dưỡng lão vốn đơn giản cơ sở y tế, trong khi những người già vốn nhiều bệnh nền dễ bị tổn thương.

Thèm được bữa cơm…báo hiếu

Có cụ bà nhớ lại những ngày rằm được lên chùa cầu siêu. Cụ chắp tay hướng về nơi xa xăm nào đó. Cụ ngồi như bất động, đắm chìm vào miền ký ức đau buồn. Ở đây, ai cũng biết câu chuyện của cụ. Cụ có hai con trai. Dù có dạy bảo thế nào, hai con trai cụ vẫn bỏ ngoài tai những điều hay, lẽ phải. Hai con trai cụ sớm theo những kẻ lang thang, lêu lổng ngoài đường phố rồi bị nghiện hút lúc nào không hay. Nhà cửa, tài sản cụ tích cóp cả đời nhanh chóng bị hai con trai “đốt” trong thời gian ngắn. Không có tiền hút chích, họ quay ra ăn cắp, ăn trộm và kinh khủng hơn là… cùng đám bạn rủ nhau đi giết người, cướp của. Hai con trai cụ bị kết án tử hình. Lúc đó, trời đất như sụp dưới chân cụ. Cụ bị bệnh trầm cảm. Vài lần cụ muốn chết theo các con để tạ lỗi với gia đình nạn nhân và để thoát khỏi kiếp sống khổ đau. Cũng may, cụ được người cháu ruột đón về chăm sóc. Ngày mùng 1 và rằm hàng tháng, người cháu đưa cụ tới chùa để cầu siêu cho những người đã khuất. Một thời gian sau, cháu ruột ốm đau không thể chăm sóc cụ nên đã đưa cụ tới viện dưỡng lão. Mỗi tháng, người cháu tới thăm nom, gửi quà, gửi chi phí cho nơi chăm sóc cô ruột mình.

Người già rất cần sự quan tâm, chăm sóc, hỏi thăm của các con, cháu.

Người già rất cần sự quan tâm, chăm sóc, hỏi thăm của các con, cháu.

Anh Nguyễn Huy (Mỹ Đình, Hà Nội) lo lắng bệnh huyết áp, tiểu đường của bố mình. Không tới thăm bố được, cứ cách ngày, anh Huy lại gọi điện thoại cho bố. Bố anh bị bệnh lãng tai. Nói chuyện như hét vào tai mà bố anh nghe câu được, câu mất. Hỏi thăm sức khỏe qua những người “bạn phòng” của bố, anh biết, bố anh mấy hôm nay không chịu uống thuốc. Anh Huy bồn chồn không yên. Anh vừa kết thúc đợt công tác 5 năm ở bên Lào, định bụng đón bố về nhà vào mùa báo hiếu, tiện chăm sóc, nhưng không ngờ đúng vào đợt giãn cách. Anh ngày đêm mong hết dịch bệnh, bố con sớm được sum họp.

Người cao tuổi ở đây mỗi người lại có một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm giống nhau là họ phải xa gia đình, xa con cháu. Dù ở đây các cụ được chăm sóc tận tình nhưng khó có thể thay thế tình thân máu mủ ruột thịt. Những người cao tuổi thèm được ôm các con, các cháu mình vào lòng, thèm được ăn bữa cơm báo hiếu nặng tình thân, thèm được kể cho thế hệ sau của mình những kỷ niệm xa xưa, thèm được chiều chuộng như trẻ nhỏ. Những điều tưởng như đơn giản ấy lại trở nên khó khăn, nhất là khi đợt giãn cách xã hội, ai ở đâu, ở yên đó.

Mùa báo hiếu, để các cụ được vui, có viện dưỡng lão đứng ra tổ chức một số hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Ban quản lý viện dưỡng lão tổ chức nấu những món ăn ngon, tổ chức các tiết mục văn nghệ nho nhỏ, đơn sơ, đầm ấm tại từng phòng, tránh tụ tập đông người. Và đặc biệt, ngày lễ Vu lan có viện còn tổ chức sắp lễ thanh bông hoa quả trên chiếc bàn đặt tại sân, cụ nào có nguyện vọng làm lễ cầu siêu, ngồi tại phòng, chắp tay hướng ra sân cầu nguyện.

… Dù cuộc sống ở viện dưỡng lão có đáp ứng được điều kiện sống vật chất đầy đủ đến đâu thì về mặt đời sống tâm hồn, tinh thần thì viện dưỡng lão cũng khó có thể bù đắp cho các cụ già neo đơn ở đây. Trong ánh mắt họ luôn chất chứa nỗi buồn riêng.

Một mùa Vu lan nén tiếng thở dài…

Đọc thêm