“Mùa xuân lịch sử” trong ký ức những cô gái huyền thoại sông Hương

(PLVN) - Đã đi qua hơn 50 năm chiến thắng của mùa xuân Mậu Thân năm 1968, nhưng hình ảnh của 11 cô gái sông Hương cùng những chiến công lừng lẫy vẫn mãi là niềm tự hào bất diệt trong lòng mỗi người dân xứ Huế. Và đến hôm nay, câu chuyện và chiến công lịch sử của những cô gái năm ấy vẫn hào hùng như chiến thắng vang dội một thời. 
Các nữ du lích chụp ảnh lưu niệm trong dịp vềThủ đô thăm Lăng Bác
Các nữ du lích chụp ảnh lưu niệm trong dịp vềThủ đô thăm Lăng Bác

Gặp gỡ những huyền thoại

Dưới cái nắng đổ lửa những ngày tháng 6, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Nở (trú tại kiệt 131, đường Bà Triệu, TP Huế, Thừa Thiên Huế) 1 trong 5 “cô gái sông Hương” còn sống đến hiện nay để gặp gỡ và trò chuyện cùng bà.

Bồi hồi nhớ về những tháng ngày hào hùng của quá khứ, bà Nở kể, để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tháng 6/1967, đồng chí Nguyễn Mậu Lanh kí quyết định thành lập tiểu đội 11 cô gái sông Hương tại làng Vân Thê, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó bà Phạm Thị Liên làm tiểu đội trưởng.

Bà Hoàng Thị Nở hồi ức về những năm tháng hào hùng...
Bà Hoàng Thị Nở hồi ức về những năm tháng hào hùng...

Quên đi tuổi đời còn rất trẻ của bản thân, quên đi cái tuổi đẹp nhất của người con gái, 11 cô gái Sông Hương mang theo một lòng căm thù giặc cùng tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”xông pha ra trận, một trận chiến mà thành phố Huế được xem là trọng điểm.

Tiếp tục câu chuyện với giọng nói khá yếu do vết thương trúng đạn ở mang tai trái năm xưa cùng nhiều đợt phẫu thuật bướu cổ, bà Hoàng Thị Nở vẫn nở một nụ cười kể cho chúng tôi về buổi tối đêm 30 Tết năm ấy. Giữa lòng thành phố Huế, bất chấp mưa bom bão đạn, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương vẫn miệt mài nhiệm vụ dẫn đường cho các mũi bộ đội tấn công của ta thọc sâu chiếm vị trí trọng yếu và tiêu diệt sinh lực địch.

Tuy tuổi đã cao, nhưng từng chi tiết về những nhiệm vụ mà cả tiểu đội đã làm như giao liên, dẫn đường cho bộ đội tiến quân giúp lực lượng ta nhanh chóng vượt qua các vị trí then chốt, hạn chế thiệt hại về người, tiến công bí mật bất ngờ vẫn được bà nhớ như in trong ký ức.

“Lúc đó trang bị dụng cụ còn thô sơ, chủ yếu là súng AK, lựu đạn B40, lựu đạn B41 nhưng với ý chí tiêu diệt bằng được địch thì ai nhiệm vụ đó cứ thế mà xông lên. Đánh xong trận, được lệnh rút lui lên chiến khu, cán bộ tập hợp 11 o du kích lại còn khen ngợi “thôi rứa là giỏi rồi, được rồi” giờ rút lui nghĩ ngơi học tập quân sự, chính trị và văn hóa để tăng cường thêm vốn hiểu biết.” bà Hoàng Thị Nở tự hào chia sẻ.

Các thành viên trong tiểu đội “11 cô gái sông Hương” chụp ảnh lưu niệm tại chiến khu năm 1968
Các thành viên trong tiểu đội “11 cô gái sông Hương” chụp ảnh lưu niệm tại chiến khu năm 1968

Tuy nhiên, sau trận chiến năm ấy, tiểu đội 11 cô gái đã có 6 người phải nằm xuống, trong đó có 4 người đã hi sinh cùng ngày 12/2/1968 gồm bà Hoàng Thị Sau, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên, bà Đỗ Thị Cúc hi sinh vào ngày 15/9/1969, bà Phạm Thị Liên hi sinh vào ngày 24/4/1972. 

Trở về với cuộc sống hiện tại, bà Nở cho chúng tôi xem lại những bức ảnh xưa, thời mà những cô gái sông Hương vừa mới tuổi 19, đôi mươi chung nhau lý tưởng sống. Những cô gái đã hy sinh tuổi thanh xuân mang trong mình nhiệt huyết để gánh vác trọng trách trên vai. 

Theo lời chỉ dẫn của bà Nở, chúng tôi cũng may mắn được gặp gỡ bà Nguyễn Thị Hoa, một huyền thoại sống khác thuộc tiểu đội11 cô gái Sông Hương năm xưa. Rời chiến trường, cũng như bao người lính khác, bà Hoa trở về với đời sống bình thường giản dị cùng chồng con trong con hẻm nhỏ Kiệt 40, đường Duy Tân, TP. Huế. Tuy nhiên, do những di chứng của chiến tranh để lại, con trai của bà không may bị nhiễm chất độc màu da cam, một nỗi đau khó tả thành lời mà gia đình một huyền thoại phải gánh chịu. 

Bên cạnh những nỗi đau, phải thừa nhận một điều rằng, Xuân Mậu Thân năm 1968 là cột mốc đánh dấu chiến công oanh liệt của tiểu đội 11 cô gái sông Hương, giáng một đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược đã làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao uy thế của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong và ngoài nước. 

Vang dội mãi chiến công…

Trải qua hơn 50 năm kể từ khi chiến thắng vang dội mùa xuân Mậu Thân năm 1968, có người đã hi sinh, có người thì ở lại với quê hương, đất nước nhưng những kí ức hào hùng năm ấy vẫn sống với thời gian.

Bà Hoàng Thị Nở tươi cười kể tiếp, năm đó, nhiệm vụ được giao chủ yếu ban đầu là bám sát địa bàn quen thuộc để xây dựng cơ sở xã Thủy An, Thủy Phú và xã Thủy Vân để hoạt động vào thành phố nắm các mục tiêu quan trọng của địchtừ các hướng, vẽ sơ đồ các đường phố, địa hình, địa vật làm giao liên dẫn đường cho Chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968.

Sau khi nắm chắc địa bàn và các mục tiêu quan trọng của địch đã cung cấp cho lãnh đạo chiến dịch nắm bắt được địa hình làm hoa tiêu dẫn bộ đội chủ lực tiểu đoàn K2 đặc công, K10 và các đội biệt động vào các mục tiêu An Cựu đánh vào khách sạn Hương Giang, đánh vào Ty cảnh sát ngụy, Nha thẩm vấn , nhà lao tạm Lê Quý Đôn, đánh vào tiểu đoàn cảnh sát dã chiến ở sân vận động Huế vào đêm mồng 1 tết năm 1968, giành nhiều thắng lợi to lớn làm cho tinh thần của địch hoang mang, lo sợ.

Vào ngày 22/1/1968 (dương lịch), tiểu đội nữ 11 cô gái Sông Hương đã lập nên chiến công xuất sắc anh dũng khi tổ chức đánh địch phản kích đẩy lùi một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 120 tên tại ngã ba chợ Cống phường Phú Hội (TP Huế).

Với những nhiệm vụ được giao, 11 cô gái sông Hương mưu trí luôn hoàn thành xuất sắc, trong đó có đội trưởng Phạm Thị Liên và đội phó Đỗ Thị Cúc đã có nhiều hành động rất dũng cảm, ngoan cường. Ghi nhận những chiến công đạt được, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng Huân chương chiến công cho cá nhân và tập thể tiểu đội, đồng thời còn 11 cô gái còn được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

“Bác Hồ, một vị lãnh tụ lớn, một vị lãnh tụ tối cao lo bận trăm công nghìn việc mà vẫn theo dõi tiểu đội nhỏ chiến đấu, khi nghe bác khen tiểu đội tôi mừng lắm dù có khó khăn và công việc có nhiều thì tất cả đồng đội đều sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bác khen các cháu gái quá giỏi vì đã chủ động tiêu diệt địch để làm chủ thành phố.”, bà Hoàng Thị Nở xúc động chia sẻ.

Những chiến công vang dội của 11 cô gái sông Hương góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ngày đó đã đi vào sử sách. Để ghi nhận công lao của tiểu đội 11 cô gái sông Hương, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dựng bia tưởng niệm tại phường Xuân Phú (TP. Huế) nhằm ghi nhớ chiến công và sự hi sinh anh dũng của các cô gái sông Hương huyền thoại năm ấy.

 

Đọc thêm