Trong không khí ấm áp chuẩn bị đón xuân Quý Tỵ và kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ( Hội HTGĐLS VN) đã tổ chức buổi lễ trao kết quả giám định ADN đợt 17 cho thân nhân 10 gia đình liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là đợt thứ hai trong năm 2013.
Những cuộc kiếm tìm không mỏi mệt
Anh Nguyễn Hiền Thái đã đi tìm anh trai suốt 35 năm là LS Nguyễn Hiền Yên (sinh năm 1942, quê Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội), đại đội trưởng C8-D5-F308, hy sinh ngày 02/6/ 1972, tại cao điểm 35 Hồ Lầy thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
|
Các gia đình liệt sỹ nghẹn ngào xúc động trong buổi lễ |
Anh kể: “Năm 1986 tôi đã từng vào Huế lần tìm mộ anh với hy vọng thấy anh trong các nghĩa trang từ Huế ra đến sông Mỹ Chánh nhưng cũng vô vọng.
Tiếp đó là đăng tin trên đài truyền hình, mục nhắn tìm đồng đội; trên đài tiếng nói Việt Nam... một số cự chiến binh (CCB) cấp trung đoàn cũng cho gia đình một số thông tin nhưng cũng có tin nói rằng trận chiến ác liệt lắm bom cày đạn xới, hy vọng mỏng manh... rồi nhiều năm tìm đến cả các nhà ngoại cảm có uy tín nhưng cũng không thành.
Có cả trường hợp thông qua mục “nhắn tìm đồng đội” có người viết thư đến gia đình tự nhận là người đã biết nơi mai táng anh tôi, khi gia đình vượt hàng trăm cây số tìm đến thì ra là bị lừa, người đó là thầy bói toán dị đoan.
Thế rồi, tình cờ gia đình tiếp cận cuốn nhật ký của anh Nguyễn Thiện Lợi (chiến sĩ của đại đội anh Yên) viết về C8-D5-F308. Cuốn nhật ký được gửi đăng tạp chí Cửa Việt- NX bản Đông Hà.
Gia đình đến gặp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (LS) Việt Nam, Ban Chính sách của Hội đã hướng dẫn và giúp đỡ kết nối với đồng đội là anh Nguyễn Thiện Lợi và anh Bùi Trần Tuấn ( người trực tiếp mai táng LS Yên).
Đến địa phương gặp được bác Bùi Văn Minh, nguyên Bí thư xã Hải Chánh, Hải Lăng, bác Minh cho biết ở địa phương có mệ Cày (ngoài 80 tuổi) đã cùng gia đình di chuyển một ngôi mộ liệt sĩ về một địa điểm khác để tránh sự san ủi của địch.
Đồng đội và gia đình gặp được mệ. Mệ Cày kể về địa điểm mà mệ đã dời mộ và hiện mộ LS đã được gia đình đưa đến một vị khu vườn. Đồng đội và gia đình đã phải đào xới cả mảnh vườn 400 m2 mới tìm được hài cốt LS”.
Và được sự giúp đỡ của Hội thực hiện giám định ADN và đã cho kết quả đúng, ông đã vô cùng xúc động, vỡ òa niềm hạnh phúc khi sự tìm kiếm không mệt mỏi của ông đằng đẵng mấy chục năm đã được đền đáp.
Ông Nguyễn Kế Xuân, rưng rưng nước mắt kể lại, gia đình ông có 2 người em nhập ngũ cùng ngày (tháng 7/1967) đó là Nguyễn Thắng Xuân và Nguyễn Chiến Xuân, cả hai đều là LS.
Thắng Xuân kết thúc khóa huấn luyện được trao quân hàm Hạ sỹ. Vào chiến trường Thắng Xuân được bổ sung vào mặt trận Thừa Thiên- Huế, là xạ thủ bắn tỉa, chiến đấu và hy sinh tháng 5 năm 1968.
Suốt những năm sau khi nhận được giấy báo tử, cha mẹ mong mỏi, dõi theo để tìm xem con trai Thắng Xuân nằm ở đâu. Điều ước nguyện của cha mẹ trước lúc ra đi là đưa LS về với gia đình.
Ông cùng gia đình đã đi tìm em trai đằng đẵng nhiều năm tháng, đi qua biết bao nghĩa trang với bạt ngàn mộ phần, nhiều khi nhờ tới tâm linh nhưng tất cả đều vô vọng.
Và không ít lần, điều đau đớn vô cùng khi trên hành trình tìm kiếm họ gặp phải sự vô cảm của một số cá nhân đã không làm hết trách nhiệm và trái tim mình.
Ông chia sẻ- cuối cùng sự kiên trì của gia đình đã trở thành hiện thực. Thế nên, khi nhận được tin báo của Hội đến nhận kết quả đúng, mấy hôm nay bà con xã Yên Phong, huyện Ý Yên tấp nập đến chia vui cùng gia đình.
Chuyện hai nàng dâu tìm hài cốt bố chồng
Lên nhận kết quả giám định, chị Nông Thị Lập ( giáo viên THCS ) quê Yên Định, Sơn Động, Bắc Giang đã òa khóc nức nở. Suốt 30 năm qua, năm nào chị cũng dành dụm ít tiền vào chiến trường xưa đi tìm bố chồng- LS Hoàng Thanh Hà. Đã có lúc tốn công, tốn của theo đuổi con đường áp vong, song không tìm được.
|
Hai nàng dâu trong buổi nhận danh tính liệt sỹ |
Chồng chị đã mất từ năm 1999, và gia đình chồng vẫn còn các em trai nhưng với tâm niệm của người con dâu cả, chị vẫn đau đáu với ước nguyện tìm hài cốt cha chồng. Chị nói, mẹ chồng và chồng chị tới khi mất vẫn khắc khoải khi tâm nguyện chưa thành.
Và trong một lần tình cờ lần tìm thông tin trên mạng, chị gặp được Thượng tá Trần Thị Oanh Lan- Giám đốc Hội HTGĐLS VN, chị đã được Hội liên hệ với đội quy tập K71( tỉnh đội Tây Ninh). Căn cứ vào sơ đồ quy tập của tỉnh đội, Hội đã thông báo cho chị Lập về nơi an nghỉ của bố chồng chị.
Trong những ngày ở Tây Ninh tìm mộ phần cha chồng đầy vất vả, chị Lập vô tình ở chung phòng với chị Bùi Thị Tập- Sơn Bạc ( Mê Linh- Hà Nội) cũng đi tìm bố chồng là liệt sỹ Nguyễn Tiến Thịnh- bộ đội đặc công, hy sinh tại chiến trường K từ năm 1968. Bố chồng chị vào bộ đội khi chồng chị còn nằm trong bụng mẹ. Và ông đi biền biệt từ năm 1966 khi chưa kịp đón con trai duy nhất chào đời. Thế nên ông đã dặn mẹ chồng chị là dù sinh con trai hay con gái cũng đều đặt tên là Hùng để ông vào chiến trường chiến đấu anh hùng.
Kí ức của chị về LS qua mẹ chồng, tới trước khi mất bà vẫn ấp ủ và canh cánh trong lòng làm sao đưa LS về quê hương, làng xóm, bà thường nói: “ bố chúng mày đẹp lắm và có chiếc răng vàng”…
Mãi tới tháng 7/ 2012, một người đồng đội đã tìm về gia đình và cho biết nơi ông hy sinh và dặn là nhớ chiếc răng vàng. Thế rồi, chồng đau yếu nên từ đó tới nay chị đã lặn lội 5 lần vào Tây Ninh tìm mộ phần bố chồng. Đêm đó, chị đã khóc với chị Lập, nghĩ một thân một mình bán mấy bồ thóc và vay mượn thêm để đi lại dù khó khăn, vất vả thế nào chị cũng cam lòng mà vẫn chưa tìm được bố (có ngày chị chỉ ăn 1 chiếc bánh mì cầm hơi và tốn 500 ngàn tiền xe ôm với bao nhiêu nước mắt mà vẫn vô vọng).
Thế rồi, cũng đêm đó, chị mơ có một người nhắc chị là mộ 38, trong khi thầy chỉ mộ 16. Thế nên, chị cứ nhất định thử mộ 38 và cuối cùng khi nhận được chiếc răng vàng trong mộ phần chị đã muốn quỵ xuống vì xúc động. Và bằng linh cảm của mình, chị đã xin mang hài cốt của ông về và đã được truy điệu trang trọng tại nghĩa trang địa phương.
Mẫu xét nghiệm của hai chị được gửi vào đầu tháng12 vừa rồi, và chị Tập đã được thông báo kết quả chính xác trước chị Lập…
Bao nước mắt, bao nỗi niềm, dù chiến tranh đã đi qua mấy thập kỷ, nhưng trên khắp dải đất hình chữ S này, vẫn còn bao gia đình chưa thể đoàn tụ, bao người mẹ già chưa tìm thấy con, bao người con chưa biết chỗ nằm của cha, bao liệt sỹ vẫn còn nằm lại đâu đó nơi núi rừng heo hút... Bởi lẽ, trong số khoảng 1.150.000 liệt sỹ, thì đến nay, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sỹ chưa có thông tin.
Rồi ngay cả khoảng 900.000 liệt sỹ đã được đưa vào các nghĩa trang trên cả nước, thì vẫn có tới 300.000 liệt sỹ chưa có tên. Với 600.000 liệt sỹ đã có thông tin, tên tuổi, đang an nghỉ ở khắp các nghĩa trang, vẫn còn rất nhiều gia đình chưa biết các anh đang nằm đó. Những công việc để các anh có danh tính, sau đó là được đoàn tụ với gia đình, vì thế, vẫn còn rất bộn bề phía trước với những người đau đáu nỗi niềm...
Uyên Na