Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ảnh hưởng thế nào sau sự cố vỡ đập ở Lào?

(PLO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới phát đi thông cáo cho biết, sau sự cố vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy tại Lào, mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 - 10cm trong vài ngày tới, không tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Người dân Lào phải sơ tán vì đập thủy điện vỡ, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, xã hội.
Ảnh: Reuters
Người dân Lào phải sơ tán vì đập thủy điện vỡ, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, xã hội. Ảnh: Reuters

Thông tin từ Bộ TN&MT cho biết: Dự án thủy điện XePian XeNamnoy là công trình trọng điểm về phát triển thủy điện của vùng Nam Lào, nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Chăm pa-sắc và A-ta-pơ. Vị trí công trình cách dòng chính sông Mê Công ở Campuchia khoảng 200km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650km.

Trước khi xảy ra sự cố, mực nước tại trạm Stung Treng (cách công trình 200km trên dòng chính sông Mê Công ở Campuchia) lúc 19h ngày 23/7 là 9,0m (tương ứng với lưu lượng là 35.700m3); đến 7h ngày 24/7 là 9,35m, đến 7h ngày 25/7 là 9,6m (tương ứng với lưu lượng là 39.900m3). Như vậy, sau 36 giờ mực nước tại trạm Stung Treng tăng thêm 0,6m.

Theo xu thế hiện tại, mực nước tại trạm Stung Treng tăng trung bình khoảng 20 - 30cm/ngày. Như vậy, cho đến hiện nay sự tác động của sự cố hồ chứa đến mực nước trạm Stung Treng là không đáng kể.

Trong khoảng 4 - 5 ngày tới, lượng nước từ sự cố hồ chứa sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long. Mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 - 10cm.

Theo tính toán với sự gia tăng dòng chảy trên dòng chính và các dòng nhánh, cùng với lượng nước từ sự cố hồ chứa tại Lào, mực nước tại trạm Stung Treng tiếp tục lên, đến ngày 30/7 có khả năng lên mức 10,5m.

Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m).

Do đó, theo nhận định ban đầu của Bộ TN&MT, sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ… nhằm đảm bảo an toàn sản xuất lúa, tài sản người dân, trước dự báo ảnh hưởng của lũ lên, triều cường, mưa bão và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.

Công trình XePian XeNamnoy được khởi công xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành đầu năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD; có tổng dung tích 1,1 tỷ m3, công suất lắp đặt là 410MW. Sau khi hoàn thành được 90% khối lượng xây dựng, hồ chứa XePian XeNamnoy bắt đầu tích nước từ đầu năm 2018. Cho tới nay ước tính hồ đã tích được khoảng 500 triệu m3.

Khoảng 20h ngày 23/7, công trình đã bị vỡ đập phụ có tên là "Saddle dam D", có chiều cao 16m, rộng 8m; tổng chiều dài là 770m, làm bằng đất đá hỗn hợp.

Đọc thêm