Mừng được vay, lo lãi suất

Được vay vốn hộ cận nghèo để tiếp tục sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững là mong mỏi và hy vọng của nhiều hộ gia đình, nhưng bên cạnh đó, các hộ cận nghèo còn chờ “nghe ngóng” vì e ngại mức lãi suất đang bị coi là “bất cập” của chương trình.

[links()]Được vay vốn hộ cận nghèo để tiếp tục sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững là mong mỏi và hy vọng của nhiều hộ gia đình, nhưng bên cạnh đó, các hộ cận nghèo còn chờ “nghe ngóng” vì e ngại mức lãi suất đang bị coi là “bất cập” của chương trình.

Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)

Cách đây 2 tháng, gia đình bà Phạm Thị Miễn ở Tam Điệp, Ninh Bình được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo. Bà dùng số tiền này để mua 1 con bò sinh sản và phải ít nhất sau 9 tháng chăn nuôi, bò mới có thể sinh ra bê con. Trong khi đó, với lãi suất áp dụng cho hộ cận nghèo là  0,845%/tháng như hiện nay, mỗi tháng bà sẽ phải trả khoản tiền 253 ngàn đồng. Đây là khoản tiền khá lớn đối với gia đình bà, bởi hoàn cảnh neo đơn, kinh tế phụ thuộc vào nuôi gà lợn, có tiền tích lũy là khá khó khăn.

Gia đình chị Cao Thị Ngọc Sen (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được vay 20 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để làm muối trên nền xi măng. Từ ngày có vốn vay hộ cận nghèo, gia đình chị đã chuyển đổi từ sản xuất muối trên nền bùn, đất sang sản xuất muối trên nền xi măng mang lại năng suất cao.

Trong cái nắng xiên chiều lấp lóa trên nền sân muối, chị Sen chỉ ra khu vực xung quanh, kể với chúng tôi: ở đây có khoảng 15 hộ cũng đang có nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo để chuyển đổi từ sân muối bùn sang sân xi măng, phủ bạt làm muối sạch như nhà chị. “Ngặt nỗi, một phần vốn được phân khai về xã còn chưa đủ, phần vì các hộ còn nghe ngóng, do mức lãi suất hộ cận nghèo giờ coi như là khá cao so với mặt bằng chung của thị trường” chị Sen cho biết thêm.

Cách đây gần ba tháng, gia đình anh Võ Duy Điệp (thôn Đại An Đông 1, xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) được vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo từ NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản. Với lãi suất áp dụng cho hộ cận nghèo là 0,845%/tháng, mỗi tháng gia đình anh phải trả với số tiền là hơn 250 nghìn đồng.

Trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, so sánh mức lãi suất này với lãi suất cho vay hộ nghèo và lãi suất các ngân hàng thương mại khác đang áp dụng, anh Điệp không khỏi phân vân, lo lắng. “Chúng tôi mong muốn được giảm lãi suất cho phù hợp mặt bằng lãi suất đang giảm dần như hiện nay” – chị Sen, anh Điệp và nhiều hộ gia đình đang vay chương trình hộ cận nghèo bày tỏ.

Ông Trần Quốc Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) ghi nhận những hiệu quả đáng kể mà tín dụng chính sách mang lại trong công tác xóa đói giảm nghèo, và đề cao những hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình tín dụng hộ cận nghèo, tuy nhiên cũng cho rằng mức cho vay 30 triệu đồng với hộ cận nghèo, bằng mức cho vay đối với hộ nghèo là thấp.

“Mặt khác, trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất huy động và cho vay, mà lãi suất cho hộ cận nghèo vay bằng 130% lãi suất cho hộ nghèo vay thì sẽ là cao, không còn mang tính chất ưu đãi” – ông Hùng nhận định.

Trước đây, các đối tượng vay vốn của NHCSXH được hưởng lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nhưng đến nay, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất rất nhiều, trong khi lãi suất NHCSXH vẫn giữ nguyên, vì thế, lãi suất NHCSXH hiện nay còn chênh lệch không nhiều so với ngân hàng thương mại, khiến lãi suất cho các đối tượng chính sách trở nên không còn ưu đãi.

Thiết nghĩ, không chỉ lãi suất cho hộ cận nghèo mà cả lãi suất cho hộ nghèo cũng phải được ưu tiên giảm xuống một mức nhất định, phù hợp với bối cảnh chung của thị trường.

Bách Nguyễn

Đọc thêm