Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 tại làng Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả tuồng hàng đầu Việt Nam; tác giả của gần 20 kịch bản và soạn giả có nhiều vở tuồng, cải lương nổi tiếng như: “Giảm tô”, “Má Tám”, “Trần Hưng Đạo”, “Áo vải cờ đào”, “Phất cờ nương tử”, “Thanh gươm hát bội”…; tác giả công trình nghiên cứu “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” cùng hơn 80 tiểu luận đăng trên báo chí.
Soạn giả Mịch Quang cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hậu tổ tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc XHCN. Hàng chục tác phẩm vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác nghệ thuật và nêu lên những kinh nghiệm quý báu của ông qua những năm gắn bó với sân khấu như chuyên luận xuất sắc về danh nhân Đào Tấn, về âm nhạc cải lương, bài chòi, mỹ thuật dân tộc, những kịch bản sân khấu kịch thơ, tuồng, cải lương... được đánh giá cao.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, ông tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn - nhà yêu nước lớn, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017 với các tác phẩm: “Đặc trưng nghệ thuật tuồng; Khơi nguồn mỹ học dân tộc”. |
Không những là một nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang còn là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho nền sân khấu nước nhà.
Thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mịch Quang là tác phẩm “Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống”, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịnh Quang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng cho được hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc để làm các kim chỉ nam cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc.
Cho đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do ông tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Hoàng Châu Ký; GS,NSND Trần Bảng; GS Hồ Sĩ Vịnh; PGS,TS Tất Thắng; GS,TS Nguyễn Thuyết Phong; GS,TS Trần Văn Khê… cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.
Mới đây, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017 với các tác phẩm: “Đặc trưng nghệ thuật tuồng; Khơi nguồn mỹ học dân tộc”.