|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ngay hôm tổ chức đám cưới, trước mặt các quan khách, anh đứng lên phát biểu hùng hồn: “Kính thưa quan viên hai họ, ma chê, cưới trách, trong khi tổ chức lễ cưới, có điều gì sơ suất, xin mọi người góp ý để tôi rút kinh nghiệm cho…đám cưới lần sau!”. Quan khách đưa mắt nhìn nhau cố nín cười, còn bố mẹ vợ tái mặt quay sang cô dâu đang ngân ngấn nước mắt.
Hôm sau, ra mắt đằng nhà vợ, chồng chị mang con gà và chai rượu đến biếu bố mẹ vợ. Chồng chị mời bố mẹ vợ cùng đi du lịch Vũng Tàu nhân dịp họ đi tuần trăng mật. Bố mẹ vợ có ý từ chối, thấy vậy, anh vội nói: “Bố mẹ già rồi, chắc gì đã sống được dăm năm nữa, tội gì không hưởng thụ!”.
Câu nói này một lần nữa làm bố mẹ chị tái mặt, định đuổi con rể ra khỏi nhà. Chồng chị biết mình lỡ lời, vội vàng xin lỗi gia đình bên vợ. Phải mất hàng giờ phân trần về bệnh “nói không uốn lưỡi của mình”, chồng chị mới được bố mẹ vợ bỏ qua.
Làm vợ với người chồng hay lỡ lời, chị rất ngại khi đi cùng anh đến thăm họ hàng hay giao lưu với bạn bè. Khổ nỗi, mỗi lần vợ đi đâu là anh cũng nhất nhất đòi đi theo. Có lần đến thăm bà ngoại chị bị ngã phải bó chân, vừa tới nơi, thấy khuôn mặt mọi người ai cũng lo lắng, căng thẳng, anh tuôn một tràng: “Vợ chồng chúng em hay tin vội đến ngay. Bà chết rồi hay sao mà mặt mọi người như đưa đám thế?”. Mọi người nhìn anh bực dọc, còn chị xấu hổ, không nói được nên lời.
Khổ sở vì những “lời hay ý đẹp” của chồng, chị bàn với anh nếu đi ra ngoài giao tiếp với mọi người, chị sẽ là “phát ngôn viên” cho gia đình. Cuộc sống êm trôi chưa đầy nửa tháng. Lần đi đầy tháng cháu người họ hàng, khi tặng quà, chị chưa kịp mở lời thì anh đã bô bô: “Cô chú tặng cháu bộ quần áo đẹp. Quần áo này bền lắm nên cháu nhớ phải mặc…vài năm nhé!”.
Ông nội cháu ở trong buồng nghe vậy vội chạy ra mắng: “Thế hóa ra anh chị đến đây để chúc cháu tôi vài năm mà vẫn bé như một tháng à! Cháu nó tội tình gì mà anh chị lại quở quang thế. Cháu tôi lớn làm sao được?”. Dù xin lỗi thế nào, ông nội cháu bé vẫn nhất nhất không vơi cơn giận.
Chính bệnh lỡ lời đã ngăn cản bước đường công danh của anh. Anh vốn được “tu luyện” ở “lò” Bách khoa với tấm bằng loại ưu. Ra trường, anh được nhận về Công ty Điện máy, phụ trách vấn đề kỹ thuật. Khả năng chuyên môn của anh rất vững nên mọi người định đưa anh lên làm Phó Giám đốc.
Khi biết mình có tên trong đề cử Phó Giám đốc, anh đứng lên phát biểu: “Tôi rất xúc động vì mọi người đã tín nhiệm đề cử tôi. Nếu được đề bạt tôi mừng lắm, nhưng được làm Giám đốc thay thế Giám đốc đương thời thì tôi không để công ty làm ăn bê bết thế này!!!”.
Ngay cuối cuộc họp, tên của anh đã bị loại khỏi “bảng vàng”. Biết mình lại “không uốn lưỡi”, nhưng không thể xoay chuyển tình thế, anh ngậm ngùi “dậm chân tại chỗ” trên bước đường sự nghiệp!
Có người chồng “nói mà không biết nói gì”, chị như bị khủng bố tinh thần. Thấy vậy, nhiều người khuyên chị bỏ quách đi cho nhẹ lòng. Nhưng rồi, chị nghĩ đi nghĩ lại, anh có nhiều ưu điểm ngoại trừ tật nói hớ hênh. Thôi đành “sống chung với lũ” vậy!