Muôn cách chăm con mùa dịch

(PLVN) - Việc học sinh nghỉ tránh dịch đã gây ra không ít xáo trộn trong các gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bậc phụ huynh cũng đã tìm được nhiều cách để “ứng phó” với việc lũ trẻ ở nhà suốt ngày.
Một gia đình trở thành “nhà trẻ bất đắc dĩ” khi bọn trẻ có kì nghỉ dài.
Một gia đình trở thành “nhà trẻ bất đắc dĩ” khi bọn trẻ có kì nghỉ dài.

Con nghỉ học dài ngày, với nhiều cặp vợ chồng đều là gian nan, không có cách nào khác hơn là “cầu viện” ông bà từ các miền quê lên thành phố trông cháu. Bà Lê Thị Vân, 65 tuổi, từ Ninh Thuận đến ở nhà con trai quận 12, TP HCM cho biết: “Ở quê nhà tôi có làm vườn. Đang là mùa thu hoạch một số hoa quả và mỗi ngày chồng chở tôi đi chợ huyện bán. Đó là nguồn thu nhập chính của vợ chồng già chúng tôi. Nhưng nghe con trai gọi về than khổ, bảo là nửa tháng trời hai vợ chồng phải luân phiên nhau đưa con đến chỗ làm, cháu thì mới 8 tuổi, ăn uống vật vạ bên ngoài sút cân hẳn nên vợ chồng tôi bàn nhau ông ấy ở nhà tự thu hoạch, tự đi bán, còn tôi lên đây trông cháu, cũng được 10 ngày nay rồi”. 

Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thoại, ngụ đường Tân Sơn Nhì, Gò Vấp, TP HCM đều là kế toán công ty tư nhân, không cách nào thu xếp cho ba đứa con, đứa thì mẫu giáo, đứa tiểu học được nên phải nhờ cả hai bà nội, ngoại lên trông coi. Sinh hoạt gia đình xáo trộn không ít, nhưng anh chị phải tặc lưỡi.

Nhiều gia đình lại chọn giải pháp đưa các con đi khỏi các thành phố lớn để tránh dịch, cũng như cho cha mẹ yên tâm làm ăn. Một số cháu được đưa đi về quê nội, quê ngoại. Có ông bà phải chăm đến 4 - 5 đứa cháu.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp “hú vía” khi mà vùng quê cũng xuất hiện những ca nghi nhiễm bệnh. Như vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thời, ngụ Trần Văn Đang, quận 3, TP HCM đưa hai đứa con trai về quê nội ở Kiên Giang gửi ông bà chăm.

Mọi việc đang rất vui vẻ, yên ổn thì ở quê báo tin lên trong khu vực có người từ Hàn Quốc về trốn cách ly về ở tại nhà mới bị phát hiện, các cháu nhỏ chạy chơi lung tung khắp làng khắp xóm, không biết có ảnh hưởng gì không. Rất may, trường hợp này cuối cùng kết qua xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, vợ chồng anh chị cũng về quê đón con lên.

Tuy gian nan nhưng không ít phụ huynh đồng thuận chuyện cho con nghỉ học trong mùa dịch, bởi theo họ đó là giải pháp an toàn hơn. Đồng thời, dù cách này hay cách khác, các gia đình hầu như đều tìm ra những phương án để chăm con mùa dịch, mà hầu hết là người trong gia đình hỗ trợ lẫn nhau. 

Con mê game vì cha mẹ quên để tâm

Trong kì nghỉ dài ngày, do công tác phòng chống dịch, không ít cha mẹ đã phải đau đầu vì chuyện con quên hết kiến thức đã học, chỉ mải lo chơi, tụ tập bạn bè, thậm chí không ít trẻ từ trẻ ngoan trở thành… game thủ. 

Anh Phan Văn Vĩnh, làm việc tại một công ty thực phẩm chia sẻ, vợ chồng anh hối hận vì thời gian con nghỉ ở nhà, do quá bận rộn nên phó mặc cho hai anh em tự trông nhau, chỉ lo việc ăn uống hàng ngày cho lũ trẻ. Hai đứa trẻ, đứa lớn lớp 8, đứa nhỏ mới lớp 5 được thả ga sử dụng điện thoại, tivi, laptop hằng ngày để giải khuây.

Đến khi trường có thông báo học trực tuyến, giáo viên ra bài tập, kiểm tra và thông báo cho gia đình rằng các cháu đã dường như mất kiến thức và không tập trung. Lúc này, anh chị vội vàng kiểm tra lại thì phát hiện qua camera hai con cắm mặt “cày game” hàng ngày, quên ăn, quên ngủ. Giờ đây, muốn trở lại quỹ đạo học hành thật khó vì hai đứa trẻ đã trở thành hai kẻ “nghiện game”, mất tập trung và lờ đờ.

Thực tế, trẻ được nghỉ dài ngày thì chuyện thỏa sức vui chơi là điều tất yếu. Nhưng nếu cha mẹ “thả” cho con chơi quá đà, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Đứa nghiện game, đứa thì thức khuya dậy muộn thoải mái, đứa ôm tivi, điện thoại xem youtube suốt ngày, hoặc liên tục tụ tập chơi với bạn bè… Kết quả là khi bước vào thời điểm đi học lại, trẻ dường như mất kiến thức, mải chơi không quen với nhịp độ mới, lười học… 

Trong khi đó, kì nghỉ dài chưa biết bao giờ kết thúc thật sự là một dịp tốt để dạy con rất nhiều điều. Con trẻ có thể tranh thủ thời gian thong thả để được học những môn học, năng khiếu mình yêu thích. Có thể trau dồi tiếng Anh thông qua các khóa học từ xa có đóng phí khá hiệu quả trên mạng, hoặc phụ huynh có trình độ có thể tự ôn luyện, giao tiếp với con mình.

Trẻ cũng cần được hướng dẫn đọc sách, tự học, tự ôn tập các kiến thức tại nhà và cập nhật thông tin về phòng chống bệnh dịch. Cạnh đó, việc gia đình dành thời gian bên nhau, sum vầy, chuyện trò, sẻ chia cũng là điều cần thiết đối con trẻ và cả nhà.

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga: Không nên “đổ” hết cho ông bà

Vì kì nghỉ dài của các cháu, các gia đình gặp khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày. Và “cầu viện” đến ông bà là một giải pháp thiết yếu. Thực tế, cha mẹ vẫn hiện diện trong đời sống, trong gia đình các con mình thông qua sự tham vấn, hỗ trợ giúp đỡ thường xuyên.

Hầu như gia đình nào còn ông bà nội hay ngoại, đều có sự “cầu cứu” mỗi khi người vợ trong nhà sinh nở, cần người chăm sóc thai phụ lẫn đứa trẻ nhỏ trong những tháng ở cữ. Rồi đến lúc các cháu nghỉ hè, cũng không tránh khỏi nhờ vả đến ông bà chăm nom. Thế nên, kì nghỉ dài tránh dịch là đột xuất, nhưng nó không hẳn là chuyện “chưa từng có” trong chăm sóc con trẻ, nên các gia đình hầu như có khả năng ứng phó không quá khó khăn.

Tuy nhiên, không ít trường hợp ông, bà quá già yếu phải chăm cháu nhỏ, hoặc ông bà một lúc chăm rất nhiều cháu, kiêm luôn việc nhà. Vẫn biết rằng ông bà tự nguyện và vui vẻ, nhưng nên nhớ ông bà không phải là bảo mẫu hay “cỗ máy”. Có những bà cụ chăm cháu nghỉ hè, chăm con sinh xong phải đi cấp cứu vì kiệt sức.

Thế nên, thay vì “khoán” hết con cho ông bà, các gia đình cũng nên nỗ lực hết sức để san sẻ gánh nặng ấy như thức khuya, dậy sớm hơn để thu xếp việc gia đình thật ổn, gia đình có điều kiện thì nên thuê thêm bảo mẫu hay giúp việc nhà phụ giúp ông bà trông con. Cha mẹ đã vất vả cả đời, đừng cứ vất vả lại “đổ” vào cha mẹ già, kẻo xảy ra chuyện gì lại phải ân hận.

Đọc thêm